Bánh xèo Quy Nhơn chỉ có một loại nhân duy nhất là tôm tươi 

Bột gạo để làm bánh xèo cũng nhất định phải được xay bằng cái cối đá cũ kỹ truyền đời trong gia đình, xay đến đâu đúc bánh đến đó thì bánh mới thơm mùi gạo mới, giòn rụm, mịn màng, quyện với chút hương bột nghệ và nước cốt dừa. Chút hành lá thái nhuyễn vừa làm đẹp thêm màu bánh, vừa thêm chút thơm thơm cho từng cái bánh ngon lại càng ngon.

Nước chấm là khâu vô cùng quan trọng. So với các vùng khác thì nước chấm bánh xèo Quy Nhơn có phần đậm đặc hơn. Nước mắm cốt phải thật ngon, rồi pha với tỏi ớt giã thật nhuyễn, thật mịn, thêm nước cốt chanh và đường để dậy mùi. Rau ăn với bánh xèo Quy Nhơn thì không thể thiếu rau mầm, loại rau non mướt hơi nhân nhẩn, nhưng rất mát và bổ, cùng với chút xoài chua xắt nhuyễn, mới nhìn qua đã thấy không cưỡng được.

Bánh xèo Quy Nhơn phải ăn với bánh tráng mới đúng điệu. Loại bánh tráng gạo nhúng mềm, trải lên đĩa, cuốn một nhúm rau mầm với xoài chua, bỏ lên cái bánh xèo nóng hôi hổi, cuốn một cuốn thật chặt tay, chấm ngập vào chén nước mắm rồi cắn một miếng, niềm vui trên trời đất này có gì sánh bằng được ăn những món dân dã mà tuyệt vời như thế. Người thích vị đậm hơn còn ăn kèm với vài tép tỏi tươi đến từ vùng Lý Sơn, để hương vị càng nồng đượm.

Ngày xưa, đi ăn bánh xèo tôm nhảy rau mầm phải đến tận Mỹ Cang, cách Quy Nhơn 20km, mới có một quán. Giờ món ăn này phổ biến khắp nơi ở thành phố Quy Nhơn, đặc biệt là khu ven biển. Cứ khi trời nhá nhem tối, đi ngang những quán bánh xèo tôm nhảy, nghe tiếng đổ bánh xèo xèo, tiếng gọi mời, tiếng khua của bát đũa và mùi thơm của bánh dậy lên, khách sẽ khó lòng bước qua. 

Theo Quehuongonline.vn