Nhà trồng hai cây vối to ở phía bờ ao trước nhà, nên hầu như quanh năm nhà tôi cũng như mấy nhà hàng xóm đều dùng nước uống đun từ nụ vối hoặc lá vối. Tôi không biết những cây vối này có từ bao giờ, ngay cả ông bà nội tôi cũng không thể biết chính xác nữa. Nhiều lần tôi hỏi, ông chỉ bảo rằng: “Lúc ông sinh ra lớn lên trong căn nhà này thì hai cây vối đã có rồi!”.

Như vậy ước tính, hai cây vối cổ thụ nhà tôi có lẽ cũng phải được cả trăm năm, bởi gốc cây nào cũng mốc meo, xù xì, xung quanh gốc phải vài người lớn ôm vẫn không xuể. Tán lá ngả ra phía mặt ao rộng và vươn xa cả vài, ba chục mét.

Cây vối thường ra nụ và kết trái vào cuối xuân sang hè. Bọn trẻ chúng tôi thường rất thích những trưa hè oi ả trốn bố, mẹ trèo lên cây hái quả vối chín đỏ để ăn. Vị vối chín chua chua, ngọt ngọt ăn cũng có vị hấp dẫn nên hầu như đứa trẻ quê nào cũng khoái. Tán cây ngả về phía ao sâu nên khi chúng tôi leo cây, người lớn rất lo sẽ bị trượt chân, tay ngã xuống ao chết đuối. Chính vì vậy, bố mẹ tôi khắt khe cấm đoán việc leo trèo này. Có vài ba lần tôi cũng như mấy đứa hàng xóm bị ăn no đòn vì tội trèo cây, nhưng bọn chúng tôi dường như vẫn không sợ, thi thoảng vẫn lấm lét chờ bố mẹ ngủ trưa để trèo tót lên cây.

Nhà tôi nghèo, các hộ quanh đó cũng không có gì khá giả khi đều trong cảnh bữa đói bữa no. Đời sống kinh tế rất eo hẹp, chẳng bao giờ có tiền để mua trà đun nước uống. Có khi chỉ có dịp Tết nhất, hoặc ngày giỗ chạp mới có một vài lạng trà dùng để đãi khách. Hai cây vối trước ao nhà chính là “trà” cho gia đình tôi đun nước uống quanh năm. Mùa cây vối bắt đầu nhú nụ, bố, mẹ và anh chị tôi dành mấy buổi trèo cây bứt những chùm nụ vối xuống để ủ, phơi dành đun nước uống quanh năm.

Nụ vối được hái xuống, phải ủ vào thúng, vào bồ cho ngấu, nghĩa là khi các mầm nụ từ màu xanh chuyển qua màu đen, và rụng rời khỏi cuống thì mới mang rửa sạch rồi phơi cho thật khô. Nếu nắng to phải phơi hàng dăm nắng mới được, khi nào nụ vối quắt lại, da nhăn nheo là được. Mẹ tôi rất có kinh nghiệm trong việc chế biến nụ vối để dành. Mẹ bảo: “Làm nụ vối không khéo làm sẽ bị mốc và nếu ủ không kỹ, không tới thì khi đun nước lên, màu nước cũng nhạt, mùi vị không thơm, không đậm đà…”.

Từ hai cây vối đó, mỗi năm nhà tôi dành được khoảng vài ba chục kg nụ vối khô. Năm nào cũng vậy, mẹ thường cho bớt mấy nhà hàng xóm và bà con họ hàng chứ không số lượng nụ khô phải lên tới cả tạ. Năm nào vối ra nụ hoa ít (mất mùa), mẹ lại hái cả lá xanh để làm dành đun nước dần uống quanh năm.

Chế biến “trà” bằng lá vối khó hơn nhiều so với nụ vối, tốn nhiều công đoạn, mất nhiều công sức hơn. Khi bẻ lá xuống, mẹ cũng phải mang ủ vào bồ, trên đậy bằng tấm bao tải gai cho kín. Cứ khoảng hai ngày lại phải tưới nước một lần cho có độ ẩm để lá “chín” vàng. Khoảng một tuần sau bỏ lá ra rửa sạch đem phơi khô. Lá vối khô chứa vào bao nilon buộc chặt dùng dần được từ năm này qua năm khác.

Người dân quê vốn mộc mạc bình dị như củ khoai, cây lúa từ bao đời nay và họ cũng không hề biết mấy về tác dụng chữa bệnh của nụ, lá vối là như thế nào?! Thế nhưng, từ vận dụng thực tế dùng nụ, lá vối đun nước uống thấy tính mát, giải nhiệt, ngủ tốt… nên họ cứ dùng như một thói quen.

Quả là nước vối uống rất mát, rất ngon! Cứ những buổi đi học, hay đi làm đồng về mà làm vài bát nước vối đun sôi để nguội thì rất thú vị. Cơn khát như bị xua tan nhanh chóng. Nếu có mấy viên đá lạnh bỏ vào thì thật tuyệt. Sáng sớm nào cũng vậy, mẹ dậy nấu cám cho lợn, chuẩn bị luộc khoai sáng cho cả nhà là mẹ lại đun một nồi nước nụ vối thật to để uống cả ngày. Chiếc liễn to dùng đựng nước vối nguội để ở bàn, còn phích nhỏ đựng nước vối nóng dùng dự trữ nhỡ khi nhà có khách muốn uống ngụm nước ấm.

Nước nụ vối ngon, mát và có khá nhiều tác dụng trong chữa bệnh được khoa học phát hiện ra đã khiến cho hai cây vối nhà tôi càng có giá. Nụ vối nhà tôi không những dùng để gia đình uống quanh năm mà còn dùng để bán. Mấy năm tôi lớn rồi, mỗi năm mẹ bán được mấy chục cân nụ vối khô thu về một chút đáng kể để phục vụ chi tiêu trong gia đình. Thế nhưng, dù nụ vối “có giá”, mẹ vẫn giữ thói quen san sẻ với hàng xóm và bà con họ hàng để mọi người cùng có nụ, lá vối dùng đun nước uống.

Vẫn biết ở thành phố sự xuất hiện của thứ đồ uống này là khá lỉnh kỉnh, nhưng mỗi khi có dịp về quê tôi lại được mẹ gói ghém cho một gói nụ vối thật to để mang đi uống dần, cũng như làm quà biếu. Mấy năm gần đây tôi giữ thói quen dùng nụ vối uống hàng ngày chứ không dùng trà hay nhân trần, bởi giờ đây mua loại “trà” này ở bất cứ đâu trong thành phố cũng không quá khó như ngày trước.

Và mỗi khi đun nước chế nụ vối để bỏ vào tủ lạnh uống dần trong ngày, hình ảnh người mẹ vất vả, nghèo khó của tôi vẫn thức dậy mỗi sớm mai đun nước cho cha con tôi uống luôn hiện về. Nghĩ về mẹ tôi thấy thương vô cùng. Giờ đây bà đã là người thiên cổ.   

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn