Ảnh minh họa 


Thời tiết ôn hòa trong hơn một tháng trước Tết, anh Nguyễn Văn Toản ở phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) làm đất gieo gần 80kg ngò giống, trên diện tích gần 2.000m2 đất. Chưa tính chi phí làm đất và phân bón, anh Toản phải chi gần 5 triệu đồng tiền giống. Thời tiết thuận lợi, rau ngò phát triển nhanh và cho thu hoạch đúng dịp Tết, thời kỳ cao điểm của tiêu thụ rau xanh.

Anh Toản chia sẻ, tất cả chi phí đầu tư trên 20 triệu đồng, song do lượng sản xuất lớn, lại rơi vào cùng một thời điểm nên thị trường tiêu thụ không hết. Không có thương lái đến ruộng thu mua, gia đình phải tự thu hoạch mang ra chợ bán lẻ. Nhưng giá cũng chỉ 10 ngàn đồng cho 10 bó ngò. Giá bán không đủ tiền công thu hoạch. Tuy thế, nhưng anh vẫn may mắn hơn nhiều nông hộ khác là còn bán được, thu hồi được ít vốn để làm tiếp vụ khác. Nhiều hộ dân tại địa phương bán không hết, người thì đổ bỏ đi về, có người thì cho bò ăn thay cỏ.Tuy nhiên, thị trường không thuận lợi như anh Toản dự tính, bởi lúc đó nhà nhà trồng rau tết, người người trồng rau tết ở cái xứ sở được cho là vựa rau xanh này. Theo đó, lượng cung vượt cầu, giá rau vì thế cũng rẻ như bèo.

Không riêng khu vực duyên hải miền Trung, các vựa rau tại khu vực Tây Nguyên cũng chung số phận. Đơn cử, hàng trăm nông hộ vùng rau xanh phía Đông tỉnh Gia Lai cũng tiến thoái lưỡng nan khi thu hoạch rau xanh. Với thời tiết khá thuận lợi nên diện tích rau tại thị xã An Khê hay huyện Đăk Pơ (Gia Lai) cho năng suất cao. Cùng với việc xuống giống đại trà, trên diện rộng, nên một lượng lớn rau xanh cho thu hoạch đồng loạt dẫn đến ùn ứ, giá liên tục giảm.

Không riêng trong dịp Tết, hiện nay nhiều nông dân trồng rau tại An Khê, Đăk Pơ cũng đang đắng lòng khi rau xanh liên tục rớt giá chưa chưa có dấu hiệu phục hồi. Bà Ly, huyện Đăk Pơ cho hay, gia đình trồng 2.000m2 cải và 1.000m2 sào ngò. Trước Tết, ngò bán với giá 600 đồng/bó, nay tăng lên 1.000 đồng/bó. Còn rau cải, nghe đại lý báo giá hiện nay 1.500 đồng/kg. Với giá này, trừ tiền điện, giống, phân bón cũng chỉ lời 5-7 triệu đồng/sào. Nhưng cải thì khoảng chục ngày nữa mới nhổ bán được, không biết khi đó giá cả như thế nào.

Thời điểm này, dọc 2 bên quốc lộ 19 đoạn qua huyện Đăk Pơ, thị xã An Khê, hàng chục đại lý đang bốc rau, củ để chuyển đi tiêu thụ tại các địa phương khác. Một chủ vựa thu mua rau củ quả, xã Tân An (Đăk Pơ) cho biết, từ mồng 4 tết đã thu mua trở lại.

Nhưng các mối nhận hàng tại các địa phương báo về, thị trường tiêu thụ chậm nên chỉ nhập cầm chừng. Chuyến hàng đầu năm mà lượng hàng mới có 6 tạ dưa leo, 3 tạ khổ qua, 1 tấn bí đao và 4 tạ cô ve. Số hàng này chuyển đi Đà Nẵng và Hà Nội bán.

Hiện tại, dưa leo có giá 700 đồng/kg, đậu cô ve 1.500 đồng/kg, bí đao 6.000-6.500 đồng/kg tùy loại, bắp cải 1.000 đồng/kg, hành lá 6.000 đồng/kg, cà chua 3.000-4.000 đồng/kg tùy loại, cần tây 4.000 đồng/kg. Chỉ có cải dưa là giá nhích lên 500 đồng/kg vì nhu cầu sau tết tăng, còn các loại rau, củ, quả khác đều giảm giá 50-70% so với trước tết.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng trên là do thời tiết. Thời điểm cuối năm ngoái, khu vực miền Trung và Tây Nguyên liên tục xảy ra lũ lụt, làm cho người nông dân không thể xuống giống rau vụ đông. Đến thời điểm cận Tết, lũ rút hết, người dân đồng loạt xuống giống vụ ra Đông Xuân nên thu hoạch cùng thời điểm trên diện rộng.

Cùng với đó, lũ lụt mang theo phù sa về, đất đai màu mỡ, dẫn đến sản lượng rau đạt cao hơn mọi năm. Cả hai yếu tố này cộng lại làm cho lượng rau xanh cung cấp ra thị trường cùng một thời điểm vượt xa với nhu cầu tiêu thụ.

Theo Thời báo Ngân hàng