Những người Việt sống tại đây thường sống bằng nghề đánh bắt cá.



Người Việt đã di cư tới Thái Lan từ bao giờ? - có lẽ đây là một đề tài phức tạp mà giới lịch sử cần nghiên cứu. Chỉ biết rằng, ở đất nước của những ngôi chùa, sự tồn tại của những người gốc Việt gắn liền với những cuộc di cư đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử.

Trong một chuyến công tác tới cố đô Ayutthaya cách thủ đô Bangkok chừng hơn một giờ lái xe, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành đã gặp một người, qua câu chuyện, ông đã tới thăm một ngôi làng ven sông, đó chính là khu làng mà người Việt đã sinh sống cả trăm năm.

Câu chuyện về vùng đất cả trăm năm

Người Việt đến đây đã lập từng xóm làng, mang theo những nét văn hoá, ẩm thực, cách ăn mặc và tín ngưỡng với những ngôi chùa. Trong dòng người di cư từ hàng trăm năm về trước đó, cũng có những đồng bào công giáo, họ tới nước Thái, lập nên những quần thể người Việt quanh khu vực nhà thờ Samsen ở Bangkok hay tỉnh Chanthaburi, biên giới với Campuchia.

Một phần những người Việt tại hai khu vực trên lại tiếp tục di chuyển sâu vào nội địa Thái, tới một vùng đất nằm bên cạnh sông Chao Phraya, tạo nên một quần thể mới tại đây. Việc đi lại khó khăn cộng với vùng đất nằm tách biệt với bên ngoài khiến cộng đồng nhỏ này dần bị lãng quên.

Trải qua 5 thế hệ, những nét văn hoá của quê hương dần mai một nhưng “giọt máu đào hơn ao nước lã”, những người Việt tại đây đã tìm được câu trả lời, đâu mới là quê hương thực sự của mình.

Làng Bang Say thuộc cố đô Ayuthaya của Thái Lan là một nơi heo hút, nằm cạnh dòng Chao Praya uốn lượn, nơi họ sống là một cái cồn nhỏ giữa sông mà cách duy nhất để có thể đặt chân tới là đi thuyền.

Con sông Chao Praya vốn hiền hoà và dường như nó cũng tạo cho tính cách con người gốc Việt nơi đây như vậy. Họ không mấy quan tâm tới đời sống bên ngoài, tự cung tự cấp mọi thứ và thậm chí chính quyền Thái xưa kia cũng không biết tới sự tồn tại của cộng đồng này.

Sau hơn một giờ lái xe, theo hướng ngược dòng sông, chúng tôi tới một bến thuyền mà ở đó có một người đàn ông trung niên đang đợi sẵn, ông vận trang phục giản dị và đón tiếp chúng tôi với nụ cười thân thiện. Ông tên là Wanchai Yindeemit, một cái tên Thái.

“Xin chào!” - giọng người đàn ông này cất lên khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ. Ông mời chúng tôi lên thuyền và cởi mở trò chuyện: “Đã lâu lắm rồi, từ ngày tôi còn bé mới có người từ An Nam tới đây”, ông nói với thứ tiếng Việt đã không còn rõ ràng.

Từ An Nam được ông sử dụng thay vì Việt Nam, một tên gọi đã rất lâu đời. Ông cười: “Tiếng nói của mình và những người Yuan ở đây không tốt (Yuan là tiếng Thái cổ chỉ những người gốc Việt). Ở nhà mọi người gọi mình là anh Năm, từ nhỏ vẫn sử dụng tên như thế, sau này ra ngoài, đi làm giấy tờ mới đổi tên là Wanchai”.

Hơn 20 phút đi thuyền dọc sông, nắng và gió của dòng Chao Praya cũng không cản được câu chuyện. Ông Năm vừa ngồi trên thuyền vừa giới thiệu, đây là làng của người Yuan, đến đây từ rất lâu, từ thời vua Quang Trung, chúa Nguyễn Ánh.

Ban đầu, tổ tiên của ông Năm từ Huế đi qua đất Campuchia rồi định cư ở vùng Chanthaburi, sau đó, cuộc sống ở đó khó khăn, họ lại tiếp tục tìm vùng đất mới, có khoảng 10 gia đình cùng nhau đi. “Tôi nghe kể, mọi người chỉ biết đi thuyền, muốn đến đâu thì đến, rồi cuối cùng tìm ra cái đảo này và sinh sống ở đây tới tận bây giờ. Tôi là đời thứ 5. Giờ tôi cũng đã có cháu”.

Mang theo những nét văn hóa Việt

Chiếc cối xay bột để làm bánh tráng hàng trăm năm tuổi vẫn được nhà ông Năm (trái)
thường xuyên sử dụng

Tới một vùng đất phì nhiêu và thanh bình, cộng đồng người Việt bắt đầu phát triển, từ lúc chỉ có khoảng 10 gia đình, hiện tại đã lên tới vài trăm người. Trên thuyền, ông Năm chỉ cho chúng tôi những ngôi nhà người Việt, những người tới đây mới đầu chủ yếu làm nghề đánh bắt cá, sau đó nuôi cá. Họ mang cá sang bờ bên kia và đổi lấy gạo từ người Thái. Cuộc sống cứ như vậy trôi qua cả trăm năm.

Thời gian là thứ tàn nhẫn có thể xoá nhoà tất cả, các vật dụng liên quan tới người Việt dần mất đi. Nhưng phong tục tập quán vẫn được duy trì một phần nào đó. Họ cũng có một nghĩa trang để chôn cất những người đã khuất.

 Điều này khác với người Thái bản địa, những người chết được hoả thiêu và đưa tro cốt vào chùa. Điều đặc biệt, trong các ngôi nhà của người gốc Việt đều có một chiếc võng, đó là dấu hiệu nhận biết tưởng chừng đơn sơ nhưng lại rất quan trọng.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc hơn cả là tiếng Việt giờ đây đã mai một nhiều và có nguy cơ bị mất hẳn. Những người có thể sử dụng được tiếng Việt như ông Năm tại đây chỉ tính trên đầu ngón tay.

Sau khi đi một vòng quanh đảo, ông Năm dẫn chúng tôi vào làng. Không như trước kia, bây giờ đường sá đã tốt, việc liên hệ, giao lưu với bên ngoài cũng dễ dàng, đã có cầu nối đất liền với đảo, có điện, cuộc sống của người dân cũng khấm khá hơn.

Ngôi nhà của ông Năm giản dị như chính con người của ông. Không phải nhà sàn kiểu Thái mà là nhà mặt đất của người Việt. Ngoài sân vẫn có bộ bàn ghế ngồi uống nước và chiếc cối xay bằng đá, hằng ngày vẫn xay gạo để làm bánh tráng - một món ăn đậm nét Việt Nam. “Con cháu của chúng tôi thoát ly khỏi làng hết cả, ở ngoài kia đời sống tốt hơn nhiều. Trong làng này chỉ còn những người già như tôi ở lại” - ông Năm kể.

Biết có những người Việt tới thăm, bà con xung quanh cũng tới, trong đó có cụ bà hơn 90 tuổi. Việc duy trì văn hoá sinh hoạt cộng đồng cũng là một nét đặc trưng của những người Việt nơi đây.

Bà Cristhapat Sooksawat, 61 tuổi bày tỏ: “Tôi tự hào vì biết mình là người Việt Nam. Có nhiều bản chất tốt đẹp của người Việt vẫn chảy trong huyết quản của những người dân nơi đây như sự chăm chỉ, tình yêu thương giúp đỡ nhau trong cộng đồng và ngấm sâu vào lối sống của chúng tôi.

Tôi không biết văn hóa Việt Nam hiện tại như thế nào nhưng những gì tổ tiên để lại cho chúng tôi đó là việc gọi anh, em trong gia đình theo thứ tự như anh Hai là con cả, Ba là anh chị thứ hai và tên thì cũng gọi như thế. Đôi khi chúng tôi gọi nhau đi ăn cơm không bằng từ “Kin-Khao” (tiếng Thái) mà gọi bằng tiếng Việt. Tôi cũng biết Bác Hồ trước đây đã từng ở Thái Lan”.

Những người gốc Việt ở đây đang cố gắng để gìn giữ những nét văn hoá vốn có của họ như việc ăn Tết Nguyên đán, tưởng nhớ tới tổ tiên và đặc biệt là việc liên hệ với các cộng đồng người gốc Việt khác trên đất Thái để có thể giao lưu, học thêm tiếng Việt. Đó cũng là cách để họ gìn giữ mạch ngầm nguồn cội cho thế hệ mai sau.

Theo Đại đoàn kết