Hội thi thổi cơm làng Thị Cấm trở thành nét đẹp văn hóa đang được gìn giữ


Tưởng nhớ công ơn các bậc tiền hiền

Sáng sớm mùng 8 tháng giêng (23.2), người dân xã Xuân Phương đã tất bật chuẩn bị lễ vật mang ra đình làng. Các đội thi nấu cơm trong hội chuẩn bị sẵn chày, cối, rơm... để trổ tài nấu cơm nhanh, thơm dẻo nhất. Càng gần đến giờ thi, dòng người nườm nượp nô nức đổ về. Những vị cao niên có uy tín trong làng trong trang phục khăn đóng, áo dài nghiêm trang, thành kính làm lễ dâng hương trước khi cuộc thi diễn ra.

Theo các vị cao niên trong làng, lễ hội thổi cơm thi bắt nguồn từ việc tưởng nhớ công của tướng quân Phan Tây Nhạc. Tương truyền, ông là tướng quân của vua Hùng thứ 18, từng đóng quân ở làng Thị Cấm. Khi tướng Phan Tây Nhạc và vợ là Hoa Dung trẩy quân qua làng để đi dẹp giặc, giữa lúc cuộc giao chiến vào thời điểm gay go ác liệt nhất, thì quân lương của Phan Công cạn kiệt, ông kêu gọi dân làng Thị Cấm chi viện quân lương, đồng sức, đồng lòng với quân của triều đình chống lại quân Thục. Đáp ứng lời kêu gọi của Phan Công, dân làng Thị Cấm từ già - trẻ - trai - gái lao ngay vào việc, người chạy đi lấy nước để có nước, người kéo lửa để được lửa, người giã thóc để thành gạo, trong giây lát gạo đã thành cơm. Sau khi dẹp yên được giặc phương bắc, đất nước thái bình, trăm họ yên vui, tướng Phan Công cùng quận thần trở lại Thị Cấm, nhận thấy người dân nơi đây có nhân, có thủy, có trung, có hiếu. Ông ngự lại đất này, dạy dân làng cấy cày, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải…

Ông Vũ Đăng Quyên (Ban Tổ chức Lễ hội làng Thị Cấm) cho biết: Sau khi tướng Phan Công mất dân làng, đã tôn ông làm thành hoàng làng và hằng năm vào ngày mùng 8 tết mở hội thổi cơm thi để nhắc nhở con cháu tưởng nhớ công ơn xưa, ca ngợi tình quân dân đồng sức, đồng lòng diệt giặc ngoại xâm.

Gìn giữ nét đẹp làng quê

Giữa sân đình làng, tiếng trống, tiếng chiêng vang rền, người người tấp nập dõi theo từng đội thi nấu cơm. Cuộc thi gồm 3 phần: Thi lấy nước, thi kéo lửa và thi thổi cơm.

Mỗi đội thi cử ra một thiếu niên nhanh nhẹn xuất phát từ sân đình làng đi lấy nước thổi cơm đặt ở bờ sông Nhuệ cách khoảng 1km. Ai lấy được be nước trở về nơi xuất phát trước tiên thì người đó được giải nhất.

Tiếp theo đó, mỗi đội sẽ cử ra hai người đi kéo lửa. Họ mang theo một nắm rơm vò nát làm bùi nhùi mồi lửa. Để kéo ra lửa, người ta lấy hai thanh giang kẹp vào bùi nhùi, dùng hai thanh tre ốp một mảnh trên và một mảnh dưới, giữ chắc hai đầu rồi hai người kéo co cho cật dang cọ sát vào cật tre nhiều lần. Khi nào thấy có khói lên thì dừng lại và thổi. Lửa bùng lên, người ta dùng mồi lửa này để thổi cơm.

Những người phụ nữ khéo tay nhất được chọn để thổi cơm đã giã thóc bằng chày gỗ, cối gỗ hoặc cối đá. Sau đó họ sàng sảy lại và giã đến khi nào gạo trắng thì lấy một lượng vừa đủ bỏ vào nồi đất để nấu. Nổi lửa, nghi ngút khói rơm rạ. Sau đó tro rơm được dùng vùi kín nồi để cơm chín. Mỗi đội cũng phải tạo nhiều đống rơm khác để đánh lừa các quan đi dò nồi, mất công tìm kiếm, tạo điều kiện có thời gian cho cơm chín thêm.

Ban tổ chức thường là các cụ cao niên trong làng sẽ tìm ra 4 nồi cơm, nếu nồi nào cơm chín dẻo và trắng, không có hạt sống sẽ được trao giải và 4 niêu cơm sẽ xới để cúng thành hoàng làng. Sau khi kết thúc hội thi, các đội chia cơm cho dân làng để cầu mong một năm no đủ, an lành.

Bà Phạm Thị Hằng - Nhóm trưởng Đội thi số 3, xã Xuân Phương - giải Nhất đội thi thổi cơm chia sẻ: Ngày nay, trong bối cảnh công nghiệp hóa, việc nấu cơm vào niêu trên những chiếc kiềng 3 chân bằng rơm rạ là điều ít thấy. Những lễ hội làng quê vừa giữ được những nét đẹp truyền thống, vừa giáo dục cho thế hệ sau nhớ về nguồn cuội. Các đội thi, ai nấy đều rất mong niêu cơm của đội mình được thơm, ngon, dẻo, trắng. Cơm dẻo, gạo trắng - hy vọng một năm làm ăn may mắn, mùa màng tốt tươi, nhân dân no ấm, đầy đủ, gia đình hạnh phúc.

Theo Lao động