Ảnh minh họa

Vì bên bến bồi nên trước nhà tôi có nhiều cây cỏ xanh um tươi tốt: mù u, gáo, cà na, xoài, chuối, mít... Có một điểm đặc trưng của người dân phía bến bồi là nhà nào cũng xây một bến nước để tắm giặt, đậu ghe, gọi đò. Tùy theo thẩm mỹ và sự sáng tạo của mỗi gia đình mà bến nước được thiết kế khác nhau. Thực ra bến nước là một chiếc cầu bằng gỗ hoặc xi măng, chạy dài ra một khoảng sông. Nhưng chủ yếu bến nước được làm bằng gỗ vì đỡ được kinh phí cũng như dễ đóng cừ thủ công.

Ngày đó thôn quê làm gì có nước máy. Người dân còn phải hứng nước trời chứa trong lu uống dần. Riêng nước sông phù sa thì để tắm, giặt, rửa rau quả mỗi ngày. Được cái hay là không thấy ai mắc phải bệnh gì về da. Tôi nhớ, cứ mỗi lần mặt trời rúc sau lũy tre làng, người làm nông lũ lượt từ đồng ruộng kéo nhau về nhà cũng là lúc bến nước nhộn nhịp hẳn lên. Cánh thanh niên có phần thoải mái khi cởi trần, mặc chiếc quần đùi là nhảy ùm xuống sông tắm. Họ bơi tới bơi lui từ bến nước này tới bến nước kia để trò chuyện và để ghẹo các chị gái tuổi xuân thì. Không sỗ sàng, cũng chẳng dung tục, chỉ là những câu bông đùa bâng quơ nhưng làm các chị đỏ bừng đôi má, giấu nụ cười mỉm sau mái tóc đen huyền. Cũng vì vậy nên phụ nữ, nhất là những người đang độ tuổi đôi mươi nhiều mắc cỡ sẽ không mấy khi xuống sông, hay ngồi trên bến tắm mà họ xách nước ra nhà tắm phía sau hè. Cho nên, các anh trai làng muốn tiếp cận các chị phải đợi đến khi họ ra bến giặt đồ hay rửa rau. Trẻ con chúng tôi thường được làm cầu nối, gửi thông điệp yêu thương, còn đứa nào có chị gái dĩ nhiên trở thành mối quan tâm đặc biệt.

Thích nhất là những buổi trưa khi người lớn đang bận rộn với công việc cấy lúa, cày bừa. Khi bọn trẻ chúng tôi đi học về, chẳng biết làm gì, thế là lại kéo nhau ra bến nước để ngóng trông những chiếc ghe hàng chạy ngang qua. Hồi đó, ở quê tôi thường trao đổi hàng hóa từ những chiếc ghe hàng cũng là bởi giao thông chưa phát triển, từ nhà ra chợ xã, chợ huyện còn nhiều khó khăn. Nên những chiếc ghe hàng ra đời không chỉ là cứu cánh cho các bà nội trợ mà còn làm hài lòng trẻ con vùng sông nước. Đứa nào cũng chuẩn bị sẵn vài lít lúa, gạo, hoặc tiền để đổi quà bánh. Đó là một ly sirô, bịch cốm, ly chè, kẹo dẻo hay là đồ chơi. Chỉ cần nghe từ đằng xa, cô bán hàng rao: “Ai mua chè, bánh, rau, củ, quả không?” là cả bầy trẻ con nhao nhao như ong vỡ tổ. Đứa nào cũng tranh mua trước nhưng khi cô chủ lên tiếng dỗ dành: “Các con cứ từ từ, đứng vào xếp hàng ngay ngắn, đứa nào đứng trước cô bán trước” là không cần đợi cô nhắc đến lần thứ hai, tất cả ngoan ngoãn đứng vào thẳng hàng... Bến nước còn là nơi người quê tôi chờ đợi những chuyến đò vào buổi tinh mơ để đi chợ, đến trường, hay ra tỉnh thăm con cháu trọ học xa nhà...

Bến nước dần lui vào quá khứ, khi mà những con đường bê tông hóa về làng. Giờ thì ai cũng có nước máy để dùng, chẳng còn tụ họp đông vui dưới bến sông bồi vào mỗi buổi chiều tà. Bến nước vì thế già cỗi lặng im phó mặc rong rêu vây kín theo thời gian.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn