Thông thường tháng tư âm lịch mới vào mùa sứa nhưng năm nay ngư dân đánh bắt được sứa sớm hơn, ngay từ tháng 3 âm lịch. Cần phải nói ngay rằng, với công nghệ chế biến và bảo quản hiện nay, người tiêu dùng có thể thưởng thức các món ăn từ sứa biển vào bất cứ lúc nào trong năm. Tuy nhiên, sứa biển tươi ngon do ngư dân đánh bắt trong mùa sứa ngon hơn, giòn hơn, ngọt hơn, do vậy cũng hút khách ăn hơn.

Có nhiều cách ăn sứa, nhưng hai món phổ biến ở Hà Nội là gỏi sứa và nộm sứa. Gỏi sứa đặc biệt và thân quen đến mức nhiều người nghĩ tới sứa là chỉ nghĩ tới gỏi. Sứa được muối bằng sú vẹt, chất từ sú vẹt tiết ra giúp sứa không tanh, lại giòn và hay nhất là có thêm màu đỏ hấp dẫn. Những việc này sẽ được ngư dân và thương lái thực hiện ngay sau khi đánh bắt sứa. Khi tới Hà Nội, sứa được đổ ra chậu nước sạch, trong đó có thả vài miếng quất cắt lát. Sứa ướp trong nước có tinh dầu quất vị thơm mát, át đi cái mùi khai khai của sú vẹt. Ăn món sứa này vừa thơm mát, vừa có cái thú của một món rất xưa mà miếng đậu nướng nghệ trong đó là chỉ báo.

Còn nhớ, những năm bao cấp trở về trước, tại các chợ lớn ở Hà Nội đều có những mẹt đậu phụ trắng và bên cạnh đó là lò than đỏ lửa. Khách đến mua đậu phụ nướng về nấu những món như ốc chuối đậu, cà bung hoặc chấm muối ớt ăn ngay. Giờ đây, những bìa đậu nướng như thế rất hiếm. Tuy nhiên, với món sứa đỏ, đậu phụ nướng vẫn là một thứ nguyên liệu không thể thiếu. Một miếng món sứa đỏ chỉnh tề gồm lát sứa trong và đỏ tươi, miếng đậu phụ nướng nghệ vàng sáng, cùi dừa trắng tinh đặt trên nền rau thơm tía tô, kinh giới. Cuối cùng là chấm miếng ngon này vào bát mắm tôm đã được thêm đường, chanh, ớt và đánh sủi bọt để cảm nhận cái giòn đặc trưng của sứa, cộng thêm cái béo mượt của đậu, vị bùi ngọt của cùi dừa và cuối cùng là vị đậm đà của mắm tôm.

Đa dạng nộm sứa, thú vị sứa thả

Hàng sứa đỏ nổi danh nhất Hà Nội có lẽ chính là gánh sứa ở vỉa hè Hàng Chiếu, ngay đoạn ngõ chợ Đồng Xuân. Người bán từ rất lâu rồi là cụ Gái, vốn gốc Hải Phòng nhưng đã sống ở Hà Nội mấy chục năm. Giờ đây, con gái cụ bán hàng thay mẹ nhưng vị sứa thì vẫn như xưa. Mỗi lần có người tới ăn, chủ hàng lại cắt sứa bằng nứa thành những miếng đỏ tươi, giòn sần sật. Cảm giác rất xưa cũ vẫn còn trong thứ dụng cụ bếp bằng nứa đó, trong miếng đậu phụ nướng đó.

Vào mùa sứa, nhiều quán nhậu phục vụ nộm sứa. Nộm gần như vẫn được trộn với các nguyên liệu thông thường như một chút đu đủ, cà rốt bào. Đĩa nộm chủ yếu là sứa khi đó đã thấm vị chua ngọt, kinh giới mát, rắc thêm dừa nạo và lạc rang giã nhỏ. Cũng có những nhà hàng lại chọn cách đẩy sứa vào nộm trên nền xoài xanh bào nhỏ, hoặc hoa chuối. Điệu đà hơn có thể cho thêm tôm. So với sứa đỏ, nộm sứa tuy dễ ăn hơn nhưng lại mất đi vị nguyên thủy của sứa.

Ngoài những món kể trên, người thích ăn sứa còn hay thưởng thức món sứa thả. Sứa thả nghĩa là không trộn gì vào sứa trước khi dọn mâm. Khi ăn thì gắp sứa vào bát rồi ai thích chua ngọt thì chấm chua ngọt, ai thích đậm thì chấm sốt vị mặn, kèm theo lá răm ăn kèm. Sứa vẫn thanh vị sứa trên nền vị mới mà khách chọn cũng là cách ăn thú vị.

Theo Quehuongonline