leftcenterrightdel
Anh Trân và chị Nga đã có 31 năm cùng nhau “lên thác, xuống ghềnh” với lựa chọn của mình và họ luôn mãn nguyện 

Bạn xã vừa vào bệnh viện vì tim có vấn đề. Đây là lần nhập viện thứ hai, còn đợt một là trước khi dịch bùng phát.

Ở tuổi 60, sức khỏe của chúng tôi bắt đầu “có vấn đề”. Tôi dễ mệt hơn, ít dẻo dai hơn. Bạn xã thì sức khỏe kém hơn, do bạn có thể trạng không tốt và không được chăm sóc đúng từ nhỏ.

Chúng tôi có thời gian yêu nhau khá lâu, tìm hiểu nhau cũng khá kỹ (tám năm). 29 tuổi, chúng tôi quyết định làm đám cưới từ tiền do hai đứa dành dụm. Bên nhà chàng ngăn một cái vách nhỏ, làm phòng cho hai đứa chung sống. Dĩ nhiên, cuộc sống chung có nhiều đụng chạm nên ngay từ đầu, khi yêu rồi cưới, nàng đã bày tỏ chuyện không muốn có con. Chàng cũng không ham con nít.

Nhà có chị, có anh, cưới nhau xong là triền miên lo chuyện kinh tế. Sinh ra em bé, nuôi dạy em bé, tã sữa, tiền ăn, tiền bánh (chưa tính tiền học) trở thành chuyện để tính toán, so đo, thậm chí để tham lam vô độ. Rồi tiếng trẻ con khóc, tiếng gây cãi của người lớn. Chàng bị ám ảnh. Khi đó, công việc của nàng đang bị cạnh tranh khốc liệt. Nhiều người trong công ty mong cô có bầu, nghỉ thai sản để thay vào vị trí của cô.

Vợ chồng cứ thế cày bừa cần mẫn. Nhà có cha mẹ già, anh, chị, cháu ở chung nên đủ thứ phải chi; công việc, thu nhập càng phải cố giữ. Chồng lại là người con có hiếu, không thể sống cho riêng mình. Hơn nữa, chồng sợ vợ mang bầu sẽ nguy hiểm, rồi thấy phụ nữ chung quanh có bầu xổ ra, nhìn lôi thôi, bầy hầy, rồi nhìn la hét, mắng mỏ, tóc tai rũ rượi khi con ị, tè, thò lò mũi dãi, ghẻ lở, nhọt chốc… chồng càng hoảng, sợ vợ mình sẽ trở thành người đàn bà như thế. Nên khi mẹ chồng hỏi, bạn bè hỏi “sao không có con”, cả hai chỉ cười hì hì.

Cuộc sống cứ thế trôi qua, cô dâu, chú rể ngày nào tóc còn xanh, giờ đã chớm cọng bạc, ra quán mấy nhóc phục vụ không kêu anh chị nữa mà “thưa cô chú”. Nhưng vẫn vô tư lắm. Không bao giờ tháng Chín phải chạy long tóc gáy lo vụ “tiền trường”, rồi tháng 12, cuối năm “tiền tết”, rồi quanh năm suốt tháng tiền tiền tiền. Tiền để con mình bằng với người ta. Rồi đau đầu với tuổi nổi loạn, với chuyện học hành, quen biết, yêu đương, giận hờn của “sắp nhỏ”. Rồi mua xe máy, rồi công ăn việc làm cho tụi nhỏ.

Ba của chàng bệnh, chàng lao vô chăm, nàng lo vòng ngoài. Không phải lấy cớ “phải lo cơm nước cho tụi nhỏ ở nhà”, cũng không lấn cấn “bên trọng, bên khinh”. Rồi mẹ của chàng ra vào bệnh viện mỗi năm bốn, năm lần, mùa cuối năm là ăn tết bên giường bệnh. Không vướng bận bìu ríu, chàng bao hết. 

Rồi khi cha mẹ chàng mất, vợ chồng ra quán, tụi nhỏ phục vụ chuyển sang gọi “ông bà”. Hai người thong dong đi làm, đi chơi. Mùa nước nổi miền Tây, hai người xách xe máy chiều thứ Sáu đi, tối Chủ nhật về. Mùa dã quỳ, mai anh đào Đà Lạt, mùa lúa chín Tây Bắc, cứ gom gom ít tiền là đủ cho một chuyến đi, ăn quán ven đường, ngủ ở nhà trọ nào tiện nhất. Hai người thường ghé vào những căn nhà nhỏ hướng ra vùng đồng trống (do người dân chưa kịp xây dựng), đón chó hoang về nuôi. Có lúc, trong nhà nuôi hai con chó mẹ với hai đàn chó con. 

Giờ thì, sau bao năm lao lực, lo lắng nuôi gia đình bên mình, sức khỏe chàng bắt đầu kêu gào đòi trả nợ: mổ bướu lành, mổ sạn thận, bất ngờ mổ vì sa ruột (bệnh hiếm). Chàng đi bệnh viện, nàng đi nuôi. Cứ từ từ, bình tĩnh thu xếp. Nước lên tới đâu, thuyền dâng tới đó. Vợ chồng cùng lo cho nhau.

31 năm trôi qua, nhiều lần đùa nhau, nếu cho chọn lại thì sao? Chúng tôi cũng sẽ quyết… sống y như đã từng. Bởi có con chưa chắc khỏe, phải lo cho con. Lo nuôi lo dạy, lo ăn lo học, lo dựng vợ gả chồng, lo hạnh phúc tụi nó. Rồi lo tới cho cháu. Không con, cứ mình ên thảnh thơi. Mai kia, chim bay về núi, cũng đã kịp chơi vui hết cả cuộc đời. 

Theo phunuonline