Rời công việc, là một Trần Hoài Sơn say sưa ôm đàn

Nghe anh đàn, mọi người “nghi ngờ”: “Một ông chồng ở nhà ôm đàn, liệu có gây “ô nhiễm tiếng ồn“ cho vợ con không anh?”. Anh cười: “Tôi mê đàn, tập tành từ năm mười tuổi, lấy vợ thì đã chơi đàn khá ngon rồi. Ngày mới quen nhau, cô ấy yêu và lấy tôi vì thấy tôi “hay hay, hóm hóm” chứ cô ấy đâu biết tôi chơi đàn, nên tôi chắc là cổ yêu tôi chứ không yêu đàn”. 

Sau khi chung sống hơn 30 năm, anh Sơn tự tin khẳng định: bà xã yêu cả chồng lẫn đàn. Từ một người “mù nhạc”, vợ anh đã am hiểu về loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, sau 45 năm chơi đàn, anh vẫn thường xuyên luyện tập để bà xã không bao giờ “bị” nghe nhạc.

Đàn ông thường có những đam mê ngoài công việc. Những thú vui chơi lan, bonsai, các loại thú cưng như chim quý, cá lạ… có thể tốn đến tiền tỷ. Còn cây đàn ưng ý của anh chỉ vài triệu, thêm cái “phòng thu âm” và vài cái micro chuyên dụng, cạc âm thanh, phối âm, chân mic, dây nhợ… cũng chỉ vài triệu… không ảnh hưởng nhiều đến chi tiêu gia đình. 

Chơi đàn, anh rèn được tính kiên nhẫn, điềm tĩnh. Vì thế mà anh có thể ngồi nghe vợ nói cả giờ, có thể trả lời hết thắc mắc của các con từ tuổi lên ba đến tuổi dậy thì. Con đến tuổi trưởng thành, cha con anh vẫn dành nhiều thời gian trò chuyện với nhau.

Các con anh học ngành luật, sư phạm… và cứ rảnh là ôm đàn say sưa đệm hát. Organ, violin, mỗi cô một “món tủ”, nhưng đều biết “món guitar” của ba. Ngày nghỉ, người thân, bạn bè đến chơi thường yêu cầu “ban nhạc gia đình” biểu diễn. Không khí gia đình nhà anh Sơn luôn vui như tết. Vợ anh hay bảo: “Nhà mình không cần đi xem ca nhạc nữa, đỡ tốn tiền…”.

Anh nói rất ít khi “bạn ới là ra quán bia”, vì người chơi đàn buộc phải có một đôi tay “tĩnh”, có sức tỳ. Vậy nên muốn tập tành đàng hoàng, buộc anh phải bớt nhậu, uống nhiều là run tay, không đàn được. Từ đó, anh nhận ra việc chơi đàn rất... ích lợi cho gia đình. 

“Nhiều lợi ích vậy, thế nhưng khi “nhà bao việc”, chẳng có bà vợ nào vui vẻ khi thấy ông xã ôm đàn đâu nhỉ?”, tôi hỏi. Anh trả lời ngay: “À, nhà tôi phân công lao động rõ ràng. Bà xã phụ trách đi chợ, chế biến thức ăn, việc này cô ấy rất giỏi. Các con gái phụ mẹ nấu, và thay nhau dọn dẹp, rửa chén. Còn lại là việc của tôi”. 

Anh khoe cái kho đồ nghề phong phú các loại máy khoan, máy cắt, đục, hàn, tu vít các loại… Nhờ bố hướng dẫn tập tành sửa đồ nhà từ nhỏ nên bây giờ anh Sơn có thể sửa máy tính, điện, nước, bếp ga”… Trong cái kho đồ nghề còn có cả dụng cụ sửa ô tô. Mấy năm trước, anh Sơn mua một chiếc ô tô “cùi bắp” về, dành ba tháng trời để đọc sách hướng dẫn rồi “banh” nguyên chiếc ô tô để biến nó thành một chiếc xe “ngon” hơn, chạy trơn tru hàng ngàn cây số và tiết kiệm cho gia đình một khoản tiền kha khá.

“Chỉ cần vợ “lệnh” một tiếng làm tôi buông đàn lao vào việc nhà ngay. Bù lại là vợ tôi sẵn sàng xào nấu theo tiếng đàn của chồng”, anh cho biết. 

Anh Sơn bên mẹ, bà xã và các con gái

Khi đã thuần thục trong những ngón đàn, anh Sơn bắt đầu thu âm rồi chia sẻ clip đến bạn bè và những người chơi đàn chuyên nghiệp hơn để nhờ họ chỉnh sửa, góp ý. Anh nói: “Tôi chơi guitar cổ điển nên hội bạn đàn của tôi trên Facebook toàn mấy ông già già cỡ tôi vào còm, like, nên bà xã rất yên lòng”. 

Anh kể: “Nói thế chứ ông chồng nào cũng thích có vợ ghen một tí, “dòm ngó” chồng một chút. Có hôm bà xã tôi ngủ một giấc rồi bật dậy vì không thấy chồng đâu, vội chạy đi tìm. Cô ấy lên lầu rón rén, thập thò, thấy chồng mặc áo sơ mi (đang thu clip) thì thụp xuống rồi về phòng yên tâm ngủ tiếp chứ không dám đánh động, vì có tiếng chen vào là tôi phải bỏ hết làm lại từ đầu“. 

Đến nhà chơi, bạn bè hay hỏi đùa: “Anh ôm đàn suốt thì thời gian đâu mà ôm vợ?”. Với câu hỏi này, anh nhìn chị cười hạnh phúc: “Tôi yêu em như yêu đàn mà”.

Theo phunuonline