Hồi ấy chị em tôi làm gì có diễm phúc được nghe tiếng cắc tùng tùng, được coi múa lân như những đứa trẻ ở huyện, ở phố. Niềm vui ăn bánh nướng, đi coi múa lân chỉ có trong những… giấc mơ của những đứa trẻ quê ngày ấy.

Thì tại nhà tôi nhỏ, ở trong một cái xóm nhỏ, xóm hơi bị hẻo (quá hẻo thì đúng hơn), nên không có đoàn lân nào lai vãng. Không được coi múa lân đã đành nhưng Trung thu thì phải có lồng đèn, phải phá cỗ. Lồng đèn cá chép sáng rực lung linh, cỗ bánh Trung thu sực nức, béo ngậy là những thứ vô cùng xa xỉ đối với một hộ nghèo. Nhưng Trung thu là Tết của trẻ nhỏ. Nghèo khổ thế nào thì trẻ cũng phải có Trung thu, nghèo thì có Trung thu nghèo, ba mẹ tôi đều thống nhất ý kiến như vậy.

Mới đầu tháng tám, trăng non còn sáng yếu ớt thì tôi và con Út đã nhèo nhẹo đòi lồng đèn. Ba tôi rất cưng hai nàng “mít ướt” nên sẵn sàng bỏ một ngày làm đồng để ở nhà chế tác lồng đèn cho các con gái. Ba đi tìm tre, chẻ nhỏ thành sợi rồi chuốt nhẵn, vuốt mềm đem uốn, xếp thành hình ngôi sao. Mẹ trêu chưa chi mà cha con mày khéo rộn thì ba cười bảo làm sớm cho sắp nhỏ chơi nguyên mùa Trung thu luôn. Đã có khung rồi thì công đoạn lấy giấy màu phất xung quanh rồi cắt sợi, cột lủng lẳng ở các cánh là phần việc của hai chị em. Hý hửng làm nhưng khi hoàn tất lại thấy lồng đèn bằng tre thô ráp, không lấp lánh như của bạn bè, ban đầu hai chị em cũng có chút não nề phụng phịu nhưng mẹ dỗ, có lồng đèn chơi là được rồi, đừng có phụng phịu, ba buồn kìa… Hồi ấy ba là thần tượng của chị em tôi nên nói ba buồn là hai đứa “hoảng” liền, vậy là vui vẻ bỏ cây nến vô, cầm đi tung tăng trên những con đường nhỏ trong xóm.

Đi đã rồi thì về tổ chức trò chơi. Từ những đêm trăng thượng huyền chúng tôi đã có trò để chơi. Chúng tôi ở đây là cả gia đình. Buổi tối, trăng lên lấp ló sau bụi tre là chị cầm chổi quét, tôi vô nhà lấy chiếc chiếu trải ra giữa sân để cả gia đình vui chơi. Đêm trăng non nên trời có nhiều sao, hết trò đếm sao, đố sao thì đến tiết mục kể chuyện. Là mẹ, mẹ chưa từng đến trường, nhưng mẹ thủ thỉ kể những câu chuyện ngày xửa ngày xưa rất ly kỳ, còn ba chỉ kể truyện cười, truyện ngụ ngôn. Kể tới chừng ba nàng tiên ngáy khò khò thì ba sẽ bồng từng nàng vào giường.

Đêm trăng tròn tháng tám là đêm trăng đẹp nhất. Chương trình vui chơi trong đêm trăng chín được giao cho nàng Út thiết kế. Ba bảo, Trung thu là tết của trẻ em nên Út được toàn quyền định đoạt trò chơi. Bắt đầu là tiết mục hát rồi qua chương trình đố vui. Tất tật những câu đố, có thể là trong sách vở, có thể là ngẫu hứng tự nghĩ. Và cuối cùng sẽ là tiết mục được trông chờ nhất, tiết mục phá cỗ dưới trăng. Cỗ bánh Trung thu là một xoong chè đậu xanh. Cả nhà vừa ăn vừa rôm rả trò chuyện. Trung thu nghèo quá hả? Vâng, nghèo mà vui. Không thể đòi hơn được đâu. Nhà nghèo con đông mà. Nhà có đậu có đường nhưng phải là dịp gì quan trọng mẹ mới thết đãi chứ tất cả đều ưu tiên cho chiến dịch bán kiếm tiền lo sách vở, trường lớp. Nồi chè đêm Trung thu là cả một sự ưu ái lớn rồi.

Tôi lớn lên, lấy chồng, sinh con. Trung thu năm nào tôi cũng lo cho con đầy đủ vì nghĩ không để tuổi thơ con nghèo nàn như mẹ ngày xưa.

Chuẩn bị tới Trung thu, năm nay con đã vô lớp sáu, nhớ lại những mùa Trung thu trước, tôi nhận ra sự hào nhoáng của mình là xa xỉ, là không cần thiết nên mùa trăng năm nay, tôi sẽ ưu tiên cho sự đơn giản nhưng nồng ấm. Tôi muốn con hiểu rằng, Trung thu đẹp bởi trăng Trung thu là vầng trăng yêu thương.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn