Vợ chồng cố Giáo sư Nguyễn Lân.

 

Gia đình cố Giáo sư Nguyễn Lân

Hiếm gia đình nào mà cả 8 người con đều là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ như gia đình cố Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân (1906-2003).

Người đi trước dìu dắt người đi sau, các thành viên đã xây đắp nên hình mẫu một đại gia đình hiếu học, tài hoa, chuẩn mực.

Dù theo đuổi các chuyên ngành khác nhau, song cả 8 người con 7 trai 1 gái của cố Giáo sư Nguyễn Lân đều chọn nghề làm thầy cao quý, đó là thầy giáo và thầy thuốc.

Nguyễn Lân là giáo sư, nhà giáo nhân dân, nhà biên soạn từ điển, là học giả nổi tiếng của Việt Nam. Ông đã cống hiến trọn đời cho nền giáo dục và là người có công lớn trong việc xây dựng bộ môn và khoa tâm lí học, giáo dục học trong hệ thống các trường Sư phạm ở Việt Nam.

Đại gia đình lớn của ông bà (với gần 60 người) luôn giữ được nền nếp gia phong. Hiếm khi ông bà nặng lời với các con. Chỉ một lần Giáo sư Nguyễn Lân đánh con là khi người con cả Nguyễn Lân Tuất nghịch ngợm cắt cụt tóc của chị giúp việc.

Sau này, khi các con đã có gia đình riêng, ông khuyên giải “không nên đánh con, vì đánh hay mạt sát bọn trẻ đều thể hiện sự bất lực của mình. Phải khuyên giải cho chúng thấy được điều hay lẽ phải”.

Vợ chồng Giáo sư Nguyễn Lân bên các con.

Không chỉ 8 người con đẻ thành đạt mà nhiều con rể, con dâu của ông bà cũng là những trí thức có uy tín. Tính đến 3 đời, con trai, con gái, dâu rể, các cháu trong gia đình Nguyễn Lân đã có gần 20 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ.

Gia đình cố Giáo sư Tôn Thất Tùng

Nhắc đến ngành Y Việt Nam, chúng ta không thể không nói đến gia đình cố Giáo sư - Bác sĩ Tôn Thất Tùng (1912-1982).

Ông là bác sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực gan và giải phẫu gan. Ngoài công trình được xem là phát minh kinh điển về cách phân chia mạch máu trong gan gửi về Viện hàn lâm Pháp, được tặng huy chương Bạc của Trường Đại học Tổng hợp Paris, ông còn để lại 123 công trình khoa học khác trong y văn thế giới.

Giáo sư Tôn Thất Tùng cùng vợ và cháu nội.

 

Ông là người đầu tiên nghiên cứu thành công phương pháp "cắt gan có quy trình", còn được gọi là "phương pháp mổ gan khô" hay "phương pháp Tôn Thất Tùng". Phương pháp này được đưa vào "Bách khoa thư Nội thương - Phẫu thuật" của Pháp và được in trong "Chọn lọc các Tài liệu sản khoa và phẫu thuật" của Mỹ.

Cố Giáo sư Tôn Thất Tùng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô. Ngoài ra, ông còn được Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris tặng Huy chương Lannelongue cho nhà phẫu thuật xuất sắc nhất thế giới. Ông cũng là người có công lớn trong việc đào tạo đội ngũ các thầy thuốc có y đức, giỏi chuyên môn.

Đại gia đình nhà Giáo sư Tôn Thất Tùng.

Ba người con của ông là Tôn Nữ Ngọc Trân, Tôn Nữ Hồng Tâm và Tôn Thất Bách đều tiếp nối sự nghiệp cha bước vào ngành Y. Trong đó, nổi tiếng nhất là Phó Giáo sư, Viện sĩ, Bác sĩ Tôn Thất Bách (1946 - 2004), nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ông là chuyên gia đầu ngành về tim mạch của Việt Nam và thế giới; Được phong Phó Giáo sư Y học, Nhà giáo Nhân dân, Viện sỹ Viện hàn lâm ngoại khoa Pháp, Viện sỹ Viện hàn lâm khoa học New York, Tiến sĩ danh dự Trường Đại học Lille - Pháp, Tiến sĩ danh dự trường Đại học Odessa - Ukraina...

Có thể nói gia đình cố Giáo sư Tôn Thất Tùng đã ghi danh mình vào lịch sử y học cả ở Việt Nam và trên thế giới.

Gia đình Giáo sư Đặng Vũ Khiêu

Được người đương thời tôn xưng là “nhà nho cuối cùng” của Việt Nam, Giáo sư Đặng Vũ Khiêu nổi tiếng trong nền văn hóa Việt Nam đương đại và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học ở Việt Nam. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, Huân chương Độc lập hạng nhất và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Giáo sư Vũ Khiêu có 4 người con, mỗi người đều để lại dấu ấn của mình ở những lĩnh vực khác nhau. Con gái cả của ông là Đặng Thị Quỳnh Khanh, một cử nhân ngành sử học. Người con trai thứ hai Đặng Vũ Cảnh Khanh - Giáo sư, Tiến sĩ ngành xã hội học. Người con thứ ba là Đặng Vũ Hạ là một kỹ sư vô tuyến điện và người con thứ tư là Đặng Vũ Hoa Thạch là họa sĩ.

Giáo sư Vũ Khiêu bên con cháu.

Trong số 4 người con của Giáo sư Vũ Khiêu, nổi tiếng nhất là Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Cảnh Khanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên và hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển và vợ là Giáo sư - Tiến sĩ Lê Thị Quý, là nhà nghiên cứu đầu ngành về giới và gia đình. Bà hiện cũng đang là Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển, tham gia nhóm chuyên gia tư vấn về các vấn đề giới và gia đình cho Quốc hội…

Giáo sư Vũ Khiêu từng tâm sự, trong việc giáo dục con cháu, ông luôn đề cao sự tự do về tư tưởng, cảm xúc, không bao giờ ép buộc con cái phải tuân theo ý mình. Tuy nhiên, ông luôn đòi hỏi các con phải tự lập, sống bằng sức lao động của bản thân; đồng thời, phải biết đoàn kết, gánh vác và chia sẻ những công việc trong gia đình.

Để tạo nếp học cho các con ngay từ nhỏ, trong nhà Giáo sư Vũ Khiêu luôn treo trang trọng một chữ “Tri” để răn dạy con cháu, ở dưới đề câu nói của Khổng Tử: “Sinh nhi Tri, học nhi Tri, khốn nhi Tri” tức con người sinh ra là để có tri thức, học hành cũng là vì cần có tri thức, rồi khốn khổ cũng là vì tri thức.

Gia đình Giáo sư Ngô Huy Cẩn

Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Ngô Huy Cẩn sinh năm 1941 từng du học ở Nga chuyên ngành cơ học và có nhiều năm công tác ở Viện cơ học.

Ông nguyên là cán bộ Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước. Ông là cha của Giáo sư Ngô Bảo Châu với những thành tựu xuất sắc về toán học được thế giới đánh giá cao. Mẹ của giáo sư Ngô Bảo Châu là Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Lưu Vân Hiền, nguyên cán bộ Viện Y học cổ truyền Trung ương.

Giáo sư Ngô Bảo Châu cùng bố mẹ và các con.

 

Năm 1988, Ngô Bảo Châu tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế tại Australia và giành huy chương vàng. Năm sau, anh tiếp tục giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế tại Đức. Năm 1989, Ngô Bảo Châu sang Pháp học tại ĐH Paris 6 và bảo vệ luận án tiến sĩ khi mới 25 tuổi tại ĐH Sư phạm Paris - ngôi trường danh tiếng bậc nhất nước Pháp.

Năm 2003, ở tuổi 31, Ngô Bảo Châu hoàn thành luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học) tại ĐH Paris 11 và đầu năm sau trở thành giáo sư của đại học này. Năm 2005, ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm giáo sư tại Việt Nam.

Ngày 19/8/2010, tại đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad (Ấn Độ), Giáo sư Ngô Bảo Châu được trao huy chương Fields - giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực toán học.

Phụ nữ Việt Nam