Từ thuở xa xưa, người Mường, người Thái ở đất Tây Bắc đã biết sử dụng cọn nước như là một chiếc máy dẫn nước vào tưới ruộng đồng. Hai dân tộc này thường chọn nơi ven suối để lập bản, dựng Mường. Sống với núi rừng nhiều năm, họ đã biết khai thác tối đa nguồn thủy năng này. Cọn nước là một công trình sáng tạo của người Thái, người Mường.


Cọn nước gắn bó với tuổi thơ yêu dấu của bao người con đất Tây Bắc.

Ruộng của bà con thường nằm ven suối để tiện cho việc canh tác. Nguyên liệu làm cọn nước được lấy từ tre, nứa và dây mây. Họ chọn những thân tre tốt, mềm, dẻo rồi kết thành chiếc bánh xe. Giữa các vòng được đan bằng những chiếc nan rất vững chắc tựa như nan hoa của bánh xe bò. Các nan này kết với vòng trục ở giữa rồi tỏa ra giữ những vòng rộng lớn. Mọi chi tiết của chiếc bánh xe khổng lồ này được làm rất tỉ mỉ và chính xác như một chiếc máy của thời công nghiệp.

Chỉ những nghệ nhân khéo tay và có đầu óc sáng tạo mới tạo ra được những cọn nước có thể chạy ngày đêm mà không hỏng.

Sau khi làm xong cọn nước, bà con sẽ mang ra ven suối chọn chỗ nước chảy xiết rồi nối cọn nước với một trục gỗ được cỗ định vào bờ suối. Lợi dụng suối chảy, cọn nước này sẽ quay. Các ống nước được lắp ở các vòng tròn của cọn nước sẽ đưa nước vào một cái máng dẫn vào ruộng. Cọn nước đã giúp bà con giảm tối đa sức lao động mà ruộng đồng lúc nào cũng được tưới nước, giúp cho cây lúa phát triển tốt. 


Những chiếc cọn nước ngày đêm dẫn thủy nhập điền. Đến giờ nhiều vùng ở xứ Mường vẫn sử dụng cọn nước.

Xuân Tuấn