Ông bà Tiến - Oanh và những đứa trẻ hiện nay được ông bà nuôi dưỡng tại “Gia đình trẻ em mồ côi xa mẹ” - Ảnh: HÀ THANH

"Em mới vào nhà này", cô bé Trang, 16 tuổi, quê Vĩnh Phúc, nhanh nhảu xin chia sẻ trước câu chuyện về mình. Nói là mới vào, nhưng Trang đã gắn bó với "ngôi nhà thứ hai" ngót nghét 3 năm qua. 

Không có cha, một mình mẹ bươn chải nuôi em nhưng cuộc sống quá khó khăn, một người cậu giới thiệu em với ông bà Tiến - Oanh, kể từ ngày đó Trang khăn gói xuống thủ đô Hà Nội, được ông bà nhận nuôi ăn học. 

Trang, Hoài Anh, Vân, Hiếu, Hùng, Quyền, Tuyển... là những đứa trẻ mồ côi đang được ông Vũ Tiến (78 tuổi) cùng vợ là Vũ Thị Ngọc Oanh (75 tuổi) nhận nuôi dạy trong ngôi nhà mang tên "Gia đình trẻ em mồ côi xa mẹ".

Vừa nuôi vừa dạy...

Hơn 30 năm trước, những đứa trẻ lang thang ở ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội) tìm đến quán của ông bà Tiến - Oanh xin ăn. 

"Cháu nào ốm đau tôi sẽ cho ở lại, quần áo rách rưới tôi cho quần áo. Nhưng để nuôi những đứa trẻ như nuôi con mình là rất khó, bởi dạy con người rất phức tạp, mỗi cháu một cá tính", bà Oanh nhớ lại lời đề nghị của chồng cách đây 3 thập niên về việc nuôi dạy những đứa trẻ. 

Hai lần đầu bà lắc đầu từ chối, chỉ nhận cho trẻ ăn, dạy học. Đến lần thứ ba bà gặng hỏi, ông Tiến mới kể ra chuyện trước đây chính ông cũng từng là trẻ lang thang ở ga Hàng Cỏ.

"Đến bây giờ trưởng thành rồi, thỉnh thoảng tôi vẫn ra ga, đến chợ Long Biên nhớ lại ký ức thời thơ ấu, bắt gặp những đứa trẻ cũng đói rách, gầy guộc, đen đúa, đi làm thuê, ăn xin... Thấy hình ảnh này, tôi nhớ lại thời xưa nên đồng cảm, muốn giúp các cháu có nơi ăn chốn ở, không đi vất vưởng", ông Tiến mở lời.

Vậy là từ năm 1989, bà giáo Oanh, một giáo viên về hưu có kinh nghiệm giáo dục trẻ nhỏ, bắt tay cùng chồng trong việc "trồng người" tại gia. Bà nói trong một gia đình người chồng người cha làm kinh tế, nhưng "tay hòm chìa khóa" nuôi dạy trẻ phải là người mẹ. 

"Nếu hai người hai ưu điểm gộp lại, trẻ sẽ được nhờ", bà Oanh quả quyết. Lúc bấy giờ, ông bà nhận nuôi khoảng 20 đứa trẻ, tên gọi "Tổ bán báo xa mẹ". Nhưng rồi ông Tiến nghĩ đi nhận báo, sau đó giao lại cho các cháu bán thu tiền thì chẳng khác gì "ông cai".

"Muốn hay không muốn người ta cũng nghĩ mình ăn chặn lãi của trẻ", ông Tiến giãi bày. Không để trẻ bán báo nữa, ông bà quyết tâm nuôi dạy, cho chúng được đến trường như bạn bè đồng trang lứa, đứa lớn thì cho đi học nghề.

Nhưng cho ăn là một chuyện, giáo dục những đứa trẻ lại là chuyện khác, ông bà dồn hết thời gian, tâm trí dạy dỗ, khuyên răn những đứa trẻ. Mỗi đứa một cá tính, ông bà phải dựa vào kinh nghiệm của mình mới hiểu được tâm lý của những đứa trẻ mới lớn. 

Bà Oanh thừa nhận có những đứa trẻ nay vâng lời, mai lại làm khác đi. Hay như thời gian trước bán báo, có em nhỏ mang báo đi bán kiếm được tiền là bỏ đi luôn, dăm bữa nửa tháng lại thất thểu tìm về, đi chân đất, mặc quần áo rách rưới.

"Con về, chỉ có một lời xin lỗi thôi mà tôi bỏ qua hết, thương lắm. Dần dần qua thời gian dạy bảo, may mắn là nhiều cháu nghe lời, chịu khó học hành, học nghề, đi làm, có nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống để trở thành những công dân lương thiện, có ích cho xã hội", bà giáo Oanh trải lòng.

Nhiều đứa trẻ được ông bà nuôi dạy nay trưởng thành, đi hỏi vợ, gả chồng cho và có cuộc sống tốt đẹp hơn Ảnh: HÀ THANH chụp lại

... Bằng tình thương chân thành

Hôm trước Trang quên khóa bình gas, ông bà hỏi thì Trang nằng nặc đổ lỗi cho bạn. "Em mới viết bản tự kiểm gửi cho bà. Em biết mình sai, sai khi đổ lỗi cho bạn", ánh mắt Trang cụp xuống, di đi di lại từng ngón tay. 

Không đánh, không mắng, mắc lỗi nặng phải viết bản tự kiểm là cách mà bà giáo Oanh nuôi dạy những đứa trẻ trong "Gia đình trẻ em mồ côi xa mẹ". Sau đó, bà sẽ gặp riêng từng em nói chuyện, nhắc nhở hằng ngày, có những đứa trẻ phải viết đi viết lại bản tự kiểm rất nhiều lần.

"Bằng tình thương chân thành, trẻ nhận biết được lỗi sai, dần dần phục thiện. Tôi nghĩ như trong một gia đình có cha có mẹ với người cha thường nghiêm khắc hơn, nhưng người mẹ khuyên răn, dạy bảo dần. 

Với những đứa trẻ đã va chạm trong xã hội, là trẻ bụi đời, có trẻ đi móc túi, dần dần mới cảm hóa được. Vui nhất là những đứa trẻ này nghe lời khuyên bảo, chịu khó học văn hóa, học nghề, trở thành những công dân lương thiện, có ích cho xã hội. Làm đẹp được cho xã hội, tôi rất vui", bà giáo Oanh bộc bạch.

Cứ vậy, hơn 30 năm qua, ông bà Tiến - Oanh đã nuôi dạy hơn 600 đứa trẻ. Những đứa trẻ ngày ấy nay trưởng thành, đi học nghề, lập gia đình. Nuôi dạy những đứa trẻ mồ côi, đặc biệt là trẻ lang thang nhiều vất vả, cực nhọc, nhưng không phải ai cũng khen. 

Ông bà bộc bạch ngày trước phải nghe nhiều lời dị nghị từ dư luận nhưng rồi bằng tình thương chân thành, bỏ qua những lời dị nghị, hai vợ chồng quyết tâm nuôi dạy các con trưởng thành như ngày hôm nay.

"Hơn 30 năm nuôi trẻ bằng công sức, bằng tiền bạc chúng tôi làm ra, nếu nói mình làm phúc cho trẻ là chưa đủ mà nhờ đó mình được hoàn thiện, trưởng thành lên. Chúng tôi làm cả quá trình, cả một đời người, làm bằng cả tấm lòng. Nhưng tấm lòng thôi chưa đủ, kinh tế thôi cũng chưa đủ, mà bằng cả kỹ năng giáo dục, kiến thức giáo dục, qua sách báo, văn nghệ", ông Tiến quả quyết. 

Nay những đứa trẻ trong "Gia đình trẻ em mồ côi xa mẹ" không chỉ được đến trường mà còn được học đàn hát, học múa dân gian mỗi ngày. Ông bà mong mỏi nhờ âm nhạc, nghệ thuật sẽ "chữa lành" tâm hồn, giáo dục trẻ về lòng nhân ái, vị tha, giúp trẻ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

"Ông bà dạy em phải biết vươn lên, em sẽ cố gắng nghe lời ông bà dạy bảo để sau này trở thành công dân tốt. Em mong ông bà sống khỏe mạnh, sống lâu hơn để nuôi dạy chúng em lớn lên và nuôi dạy nhiều em nhỏ khác nữa. Sau này có điều kiện, em sẽ giúp đỡ các em nhỏ mồ côi, khó khăn" - em Quách Hoài Anh, 13 tuổi, quê Hưng Yên, gắn bó ở ngôi nhà suốt 7 năm, bộc bạch.

Muốn làm người có ích

"Theo giấy khai sinh, mình tên là Nguyễn Tiến Đạt. Năm mình 3 tuổi, thấy mình lang thang ở cầu Long Biên, ông bà nhặt về nuôi và đặt tên cho mình là Long Biên, lấy theo họ của ông. Từ đó, mình mang tên Vũ Long Biên và được ông bà cho đi học.

Dù không phải máu mủ ruột thịt nhưng ông bà cho mình cuộc sống mới, cho cơ hội được sống như ngày hôm nay. Thực sự lời cảm ơn không thể diễn tả hết, nhưng mình chỉ mong làm con người có ích cho xã hội như lời ông bà dạy bảo chứ không phải lang thang đầu đường xó chợ", Long Biên chia sẻ.

Cậu bé 3 tuổi ngày nào được ông bà nhận nuôi vừa tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành du lịch và mới đây đã tìm lại được gia đình của mình.

Theo tuoitre