Minh họa

PV: Anh có thể nói gì về sự thay đổi của Hà Nội trong những năm qua?

KTS Hoàng Thúc Hào: Tôi thấy phần cũ của Hà Nội vẫn thế – nó vẫn giữ nguyên sự vừa đẹp, vừa nhếch nhác. Khu phố cổ, khu phố cũ cũng không có gì thay đổi ngoài việc mọc thêm một số công trình trong khu phố Pháp. Phố cổ người dân có cải tạo, sửa chữa nhưng về cơ bản vẫn là những cái nhà ống. Những khu giữ được nhiều nhất là các biệt thự Pháp ở các khu phố Tây mà giờ đây lúc thì chủ trương cấm, lúc lại thấy mọc lên các nhà cao tầng từ những biệt thự ấy. Trong khi đó bài toán hạ tầng phố cổ vẫn nhếch nhác, Hồ Gươm vẫn tranh luận mà chưa có giải pháp cụ thể.


                                                                   KTS Hoàng Thúc Hào

Phần mới của Hà Nội thì đang diễn ra ở phía Tây với việc hình thành hạt nhân các công trình quan trọng như Trung tâm hội nghị Quốc gia, Sân vận động Mỹ Đình và hàng loạt khu đô thị, các nhà cao tầng cho tầng lớp trung lưu trở lên như Keangnam, Sông Đà – Mỹ Đình, The Manor, trường Amsterdam, các công trình thương mại cao cấp như The Menor Garden, khách sạn 5 sao Mariot… 

Nhưng ngay cả ở khu vực phía Tây tương đối hiện đại ấy vẫn thể hiện một Hà Nội kém về quy hoạch tổng thể và chưa tìm thấy đường nét, ngôn ngữ kiến trúc riêng. Bạ chỗ nào cũng thành nhà chung cư, khu đô thị và các khu chẳng ăn nhập với nhau.

Sự phát triển nhanh và hiện đại ngày nay của Hà Nội liệu có tỉ lệ thuận với không gian sống tốt hơn cho người Hà Nội không?

- Ta cứ tạm coi Ciputra là tốt nhất Hà Nội về không gian cảnh quan, về mật độ xây dựng còn môi trường thì là bên Hồ Tây, bên sông Hồng. Vậy là đẳng cấp còn gì. Nhưng ngôn ngữ kiến trúc thì không hiểu nó là ngôn ngữ Âu, Á hay Hồi giáo. Mà đến đấy như tôi là dân kiến trúc – quy hoạch đến rất nhiều lần vẫn nhầm lẫn, vì nó như trại lính, chỗ nào cũng giống chỗ nào, khả năng nhận biết hay định hướng không gian do quy hoạch kiến trúc đem lại cứ rối tung lên, rất đơn điệu. Trung Hòa – Nhân Chính thì như một rừng bê tông, nhà vài chục tầng là những cục bê tông nặng nề mà 4 mặt Đông – Tây – Nam – Bắc như nhau, cửa như nhau, mặt hướng Tây nhiều nắng chiếu vào cũng giống hệt như mặt hướng Bắc, không có gì khác, nhà không xanh và không tiết kiệm năng lượng, vườn hoa và không gian vui chơi thì hoàn toàn không có. Khu Linh Đàm, đã từng là “kiểu mẫu” với mật độ thưa, tỉ lệ mặt nước cây xanh đảm bảo (nhưng tiếc rằng ngôn ngữ cụ thể của chung cư lại không có, đơn điệu và giống thời kỳ bao cấp) thì đến bây giờ đã không còn.

Khu The Manor theo kiểu kiến trúc Pháp “rởm”, có vẻ tạo được không khí châu Âu, đến đó cũng có cảm giác “tây tây”, mặt hàng, quán xá có tinh thần châu Âu, bắt mắt và dễ thuyết phục khách hàng. Nhưng về mặt đóng góp bản sắc kiến trúc thì không có, ngay cả mặt thuần túy vật lý sức khỏe (như gió, oxy, tiếng ồn, bụi) ở đó cũng không có, không có cây xanh, mặt nước, hồ ao gì, đường xá mật độ xe cộ lớn. 

Theo anh đâu là một hình thái đô thị tốt?

– Một nhà nghiên cứu người Mỹ có đưa ra một lý thuyết về hình thái đô thị chuẩn tắc. Những gì tôi vừa nói nằm trong tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá một hình thái đô thị, đó là việc khu vực định cư đô thị phải đảm bảo tốt nhất về mặt sức khỏe (vật lý) cho cư dân. Vậy là ngay cả những khu “cao cấp” vừa kể cũng chưa đạt tới tiêu chuẩn tốt nhất. Tiêu chuẩn thứ 2 là khả năng tiếp cận đến các điểm và nút ở trong đô thị phải dễ dàng. Tất cả cư dân các khu vực ở trong một thành phố đều phải được hưởng các tiện ích như nhau, một cách công bằng. Tiêu chí này tôi e là Hà Nội còn phải phấn đấu rất lâu nữa mới đạt được.

Tiêu chí thứ 3 của lý thuyết về một hình thái đô thị tốt, đó là khả năng kiểm soát. Một hình thái đô thị chất lượng thì phải có khả năng kiểm soát lượng người nhập cư vào, ra thành phố. Ví dụ thành phố có năng lực đáp ứng 1 triệu người, 1,5 triệu thì nó quá tải, vậy thì phải có chính sách kiểm soát, tất cả thủ đô khác trên thế giới người ta đều phải kiểm soát, trong khi Hà Nội đang loay hoay với chính sách nhập cư. Các thành phần nhập cư ở Hà Nội giờ quá đông, nhất là lượng nhập cư ra Thủ đô học xong ở lại tìm kiếm việc làm.

Chưa có thống kê hoặc tôi chưa đọc được thống kê đó chăng, nên không biết lượng người nhập cư ở Hà Nội thuê nhà (lượng rất lớn người các tỉnh về mua nhà đã đành rồi), thậm chí đã lập gia đình, có con vẫn ở nhà thuê, số lượng ấy là bao nhiêu. Khả năng kiểm soát của chính quyền đô thị đến đâu?

Tiêu chí thứ tư của một hình thái đô thị là hình ảnh và ngữ nghĩa của một đô thị. Hà Nội có thành Hà Nội, có khu phố cổ và có hệ thống sông hồ, đó là cái quý nhất của Hà Nội. Sông Hồng chảy trong lòng Hà Nội mà người dân chả bao giờ nhìn thấy nếu không đi qua cầu. Là bởi vì muốn thấy người ta phải trèo qua con đê, rồi cái ám ảnh lâu nay về những khu ổ chuột bên bờ sông Hồng. Con sông gần như không đóng góp được gì vào cảnh quan Hà Nội. Đó là lãng phí rất lớn.

Biểu tượng, ngữ nghĩa cho Hà Nội như phố cổ ngày một mất đi, phố Pháp thì thỉnh thoảng “lòi ra” một cái khối cao tầng của “đại gia” ngoi lên. Hồ là “đặc sản” của Hà Nội nhưng cũng đang rất lãng phí, con đê sông Hồng cũng là một di sản của Hà Nội. Sau mấy đợt sốt giả, sốt thật, đất đai các làng cổ của Hà Nội cũng đã mất hết như Nghi Tàm, Nhật Tân…

Nghĩa là có rất nhiều điều đáng tiếc cho Hà Nội?

– Tôi tiếc Hà Nội ngày xưa khi các “đặc sản” chưa bị mất. Lúc tôi học cấp 3 trường Việt – Đức, hồ ao còn nhiều, xung quanh Hồ Gươm chưa có nhà cao tầng, khu phố Tây vẫn rất nhiều nhà Pháp. Tuyệt vời lắm. Hồi ấy Hà Nội như nàng Lọ Lem chỉ cần có hoàng tử đến phủi bụi trên mặt là đẹp nhưng bây giờ thì chịu rồi, vết lọ lem đã thành vết sẹo khó tẩy.

Vấn đề vẫn nằm ở vĩ mô, quản lý đô thị vẫn bất cập thành ra quỹ di sản kiến trúc cũ của Hà Nội biến đổi hàng ngày, hàng giờ. 

Xin cảm ơn anh! 

Theo Đại đoàn kết