Ảnh minh họa

Tôi còn nhớ mãi cái mùa xuân năm Tân Mùi 1991 qua lời kể của Cha tôi, lúc đó tôi tròn một tháng tuổi, thời đó ai cũng nghèo cũng khổ điện không có, phương tiện đi lại cũng khó chủ yếu di chuyển bằng ghe xuồng hay có khi phải cuốc bộ hàng chục cây số để tới được chợ huyện, để mua những thứ đồ cần thiết mà ở chợ xã chợ làng không có.

Nghe Mẹ và Dì kể, ngày ấy tôi tròn một tháng tuổi cũng là đúng dịp cuối năm bước sang Tết Tân Mùi, đối với một đứa trẻ bình thường lành lặn thì họ lớn lên bằng sữa mẹ là chuyện không có gì để nói, còn đối với đứa trẻ đặc biệt như tôi từ khi mới ra đời đã không may mắn như bao người vì phải mang dị tật bẩm sinh hở hàm ếch. Có lẽ vì vậy mà hầu như đặc thù là tôi không bú được sữa mẹ, mà chỉ uống bằng ly hoặc đút bằng muỗng.

Thời ấy làm gì được như bây giờ mà có những loại sữa ngon bổ dưỡng bán đầy rẫy khắp thị trường, muốn mua ở đâu lúc nào cũng có. 

Thời ấy thứ thượng hạng là sữa bò nhãn hiệu ông Thọ, nhà lại nghèo cái ăn cái mặc luôn là nỗi lo, nhất là những ngày xuân về, nên ngoài sữa mẹ lúc ấy loại sữa mà tôi thường uống nhiều nhất chính là bột gạo lứt xay, mà tới giờ mẹ và dì tôi nói vui là ‘sữa lứt’) hay những lúc hết "sữa lứt" thì mẹ tôi thường thay vào bằng nước cơm trắng.

 

Để có được bột gạo lứt không phải dễ dàng gì, vì như lời mẹ kể: cha tôi phải mang gạo lên tận chợ huyện mới có nhà máy xay, mỗi lần đi là vất vả trăm bề mất cả ngày trời mới về tới nhà, nhà ở xa chợ huyện muốn đi phương tiện lúc ấy đỡ mệt duy nhất là xuồng, chứ làm gì có được xe cộ đại trà như bây giờ.

Mẹ kể năm ấy đúng ngày 23 tháng chạp ngày tiễn ông Táo về trời, cha phải thức dậy từ hai giờ sáng để chèo xuồng cho kịp con nước đường xa trời tối với chiếc đèn dầu leo loét đặt trước mũi xuồng. Cha thoăn thoắt đôi tay chèo cho kịp con nước xuôi về thị trấn để đi về kịp trong ngày, nếu không tôi ở nhà thiếu sữa sẽ khóc đòi sữa thì không biết lấy đâu mà có. 

Vả lại vì cuối năm ai cũng tranh thủ đi xay lúa xay bột về nhà, người trữ gạo ăn mấy ngày Tết, người xay bột làm bánh đủ thứ, nên các nhà máy lúc đó đông kín người xếp hàng chờ đến lượt rất lâu.

Theo phong tục thì nhà máy xay lúa xay bột ngày xưa thường nghỉ Tết sớm và bắt đầu làm lại đến tận ngày mồng mười sau khi cúng lễ hạ thổ, nếu không tranh thủ thì thiếu hụt trong ba ngày Tết lại càng không hay. 

Cha nói lúc đó chợ huyện đông vui như hội, đúng là Tết cái gì cũng khác ngày thường, người ta đi mua đồ Tết thấy mà nôn nao trong bụng, nhưng thương con lo không về kịp trong ngày lấy bột đâu mà có cho con uống, vì vậy cứ xay bột xong là cha chèo xuồng về ngay, không dám đi dạo một vòng chợ huyện để xem, chứ đừng nói gì tới việc đi mua sắm Tết.

Mỗi lần đi là mỗi lần vất vả, giờ khôn lớn nghĩ lại tôi thương cha tôi biết chừng nào, cứ tháng này qua tháng nọ năm này qua năm khác cha vẫn chèo chống trên chiếc xuồng bé nhỏ để chở từng bao gạo lứt như chở mùa xuân về cho con trẻ được lớn khôn. 

Tôi lớn lên từ những hạt gạo lứt của quê nhà từ những giọt mồ hôi nhọc nhằn rơi trên đôi má của cha tôi và tôi vẫn mạnh khỏe thông minh như bạn bè cùng trang lứa, được học hành đến nơi đến chốn, rồi có được việc làm ổn định như cha và mẹ tôi hằng mong ước.

27 năm trôi qua là 27 mùa xuân cha và mẹ đã mang đến cho tôi và cả cuộc đời này cha mẹ vẫn là mùa xuân vĩnh hằng bất diệt trong tôi. Mỗi năm dù công việc bận bịu đến thế nào chăng nữa, tôi cũng tranh thủ về quê để được phụ giúp cha mẹ, chở mẹ đi chợ Tết và vẫn thích được chở mẹ đi chợ Tết và vẫn thích được mẹ mua cho cả nhà quần áo mới để đi thăm hỏi chúc Tết ông bà. 

Nhưng dù có giúp cha, mẹ tôi trăm công nghìn việc gì chăng nữa cũng không thể đáp lại công ơn trời biển mà cả cuộc đời cha mẹ đã vất vả đối với tôi. Tôi vẫn nhớ mãi mùa xuân năm ấy, mùa xuân mà trọn cuộc đời cha mẹ chỉ dành riêng tặng cho các con yêu quý của mình.

Theo Tuổi trẻ