1. Những cánh sưa vàng cuối cùng đã về với đất. Chúng gieo vào lòng người khoảng trời mênh mông rực rỡ chói chang giữa cái nắng đầu hè. Mỗi lần lướt qua ngắm nhìn những bông hoa bé tí tung tăng trong gió, lòng tôi bỗng xốn xang lạ kỳ. Khi sưa vàng bung nở cũng là lúc một mùa vàng khác lại về, gọi hình hài tôi khôn lớn trong bữa cơm thơm tho mùi đất, mùi bùn. Hoa sưa thì đẹp và chỉ thoáng qua trong một khoảnh khắc nào đó. Bởi vì mùa sưa trôi qua nhanh quá nên được trân trọng nâng niu, đi vào thi ca như một minh chứng cho nỗi niềm tiếc nuối của thi sĩ. Sưa vàng đong đầy tâm hồn trinh nguyên của dải đất miền Trung đầy nắng gió. Cánh sưa trầm mình trải thảm để nghe hương lúa thì thầm vị mặn phù sa. 

Trên vuông đất ấy, dáng mẹ với chiếc liềm cong cong thoăn thoắt cắt từng nhúm lúa trĩu nặng. Thuở ấy, làm chi có máy gặt, máy bung như chừ nên gặt bộ, đập lúa là chính. Vì thế nên vào mùa gặt đàn bà dưới ruộng đàn ông trên bờ, con trâu đi theo sau lưng gặm vạt cỏ xanh tươi là hình ảnh đã đánh thức nỗi nhớ. Bây chừ, dù có hiện đại hơn đôi chút nhưng chổ lúa ngã vẫn phải oằn mình gặt bộ và nhứt thiết khái niệm “ăn gặt” để chỉ sự quan trọng của ngày mùa chiếm lĩnh tâm thức. Bữa hôm về quê, tôi thật sự không kìm được xuyến xao khi trước mắt mình là cánh đồng trải dài một màu vàng óng ả, lấp ló dáng hình mẹ cha qua bao mùa gặt vẫy gọi đứa con thơ trên cánh đồng. 

Tạt vào nghỉ chân, gặp anh, anh nói ít bữa kêu người ăn gặt, dặn vợ đi chợ mua thêm thức ăn cất trong tủ lạnh để làm mấy món ngon ngon mời người làm. Không biết đã đi qua bao mùa gặt, đi qua bao đận nắng mưa khét trời mềm đất nhưng cứ thấy lúa chín là trong lòng dâng trào nỗi niềm khó tả, mặc dầu quê tôi bây chừ làm lúa chỉ để có cái ăn, còn kiếm tiền thì phải đi làm thuê làm mướn đủ đường. Ôi, cái mảnh đất chật hẹp trơ trọi sỏi đá nhưng không hiểu vì sao lại ẩn chứa nhiều bí ẩn đến thế, tựa như tiếng thác reo ầm ầm từ núi vọng về, bóng ma trơi đêm đêm lũ trẻ vẫn kháo nhau đến nỗi không dám mò ra vườn nhà. 

2. Mẹ gọi tôi ra quán và dặn tôi mua cái nón mới để đi gặt, chứ không lẽ mang cái nón cời ri đi ra đồng ngoài gặt với người ta. Tôi lẳng lặng nhìn lên cái nón tả tơi vì mưa nắng, hình ảnh nón lá gần gũi quen thuộc đi theo ba mẹ suốt cả cuộc đời. Nhìn bóng mẹ nhấp nhô nón cời đi ra đồng mà lòng không khỏi khôn nguôi nhớ về ngày tháng xưa cũ. Tôi nghĩ, dẫu có tiền trăm bạc vạn cũng không thể đong đếm hết tình cảm của người dân quê tôi dành cho chiếc nón cời. Chiếc nón gắn bó từ thưở dòng sữa ngọt ngào còn đọng trên đôi môi, cứ thế mà nuôi lớn biết bao phận người... 

Tôi nhớ trong một tản văn mùa cũ, có lần tôi viết: “Rơm rạ xót đến từng làn da thớ thịt nhưng lại cho người nông dân có cơm ăn, áo mặc, cho trẻ con được đến trường và hơn thế nữa. Kí ức tuổi thơ thấm sâu vào tiềm thức luôn gắn chặt với cánh đồng quê hương mà đám con nhà nông làm sao có thể quên được”. 

Tôi biết rồi tôi không thể dứt ra khỏi làng, nơi thấp thoáng mái nhà nuôi tôi khôn lớn, nơi chôn nhau cắt rốn của tổ tiên ẩn hiện trong sâu thẳm lớp đất đá cát bụi quê hương. Dòng suối nhỏ vẫn chảy ngang xóm nhỏ, khuất sau hàng tre làn khói trắng lơ lửng giữa bầu trời như mời như gọi hồn tôi bay vào trăng sao. Cánh diều giấy giờ không còn tung bay trên cánh đồng ngút gió, đám trẻ bây chừ đã có chiếc smartphone làm bạn. Nhưng đối với tôi, suốt cuộc hành trình giữa dòng đời, hình ảnh cánh đồng khô khốc nứt nẻ, bờ ruộng vừa hẹp vừa cao nhiều lần vấp té như ghim từng mảnh từng mảnh vào da thịt, càng đi xa lại càng thấy cồn cào nỗi nhớ. Có lẽ tôi muốn vấp té thêm nhiều lần nữa để tự mình đứng lên, bay cao theo cánh diều...

3. Mỗi lần chạy xe ngang qua đường làng, tôi đều bị mắc phải mấy cọng rơm đang được phơi giữa cái nắng như thiêu như đốt đầu hạ. Chúng cứ quấn lấy không chịu rời bỏ, phải chăng rơm đang thổn thức ghé chào bước chân người con xa xứ. Mẹ vẫn đang lúi húi trên đồng ôm trọn những bó lúa vào lòng mặc cho cơn sốt, hơi nóng hầm hập bủa vây lồng ngực. Hơn nửa đời người gắn bó với lúa, mẹ tôi đã thấm thía cái cực vì lúa và cái khổ vì không có lúa. Nên lúa gắn bó với mẹ hơn cả sinh mạng, nuôi sống tâm hồn và cả thể xác. 

Tôi thì mãi đi tìm vẻ đẹp huyễn hoặc nơi đất khách quê người mà quên mất rằng cái đẹp đang hiện diện ở từng bờ tre góc đất, nơi một miền tuổi thơ cứ dài dằng dặc trong ký ức. Lặng lẽ trải bạt phơi lúa tôi đi tìm bàn tay thô ráp nắng cháy của mẹ giữa trưa hè. Nắng càng gay gắt thì càng được nâng niu, trân trọng. Bởi rứa, khi nắng lên hầu như không có thời gian để nghỉ ngơi mà phải tranh thủ hết sức có thể để nhanh chóng làm khô đống lúa đang vùng vẫy khắp hiên nhà. Phơi khô nhanh nhanh còn được hít hà mùi thơm của gạo mới, cơm mới... 

Phan Nam
Theo Người Hà Nội