An Thường công chúa tên thật là Nguyễn Phước Lương Đức sinh năm Đinh Sửu 1817, vốn tên là Tam Xuân, sau đổi là Lương Đức, hiệu là Mỹ Thục. Mẹ bà là Mỹ nhân Nguyễn Thị Sâm.

Trong số các con của vua Minh Mạng, từ nhỏ An Thường công chúa đã tỏ ra là người từ bi hiếu thuận hơn cả. Đức tính này của bà được sách Đại Nam liệt truyện của nhà Nguyễn ghi lại qua một mẩu chuyện xúc động.

Năm lên 9 tuổi, mẹ bà ốm nặng, công chúa ngày đêm quanh quẩn hầu hạ mẹ. Vào dịp lễ Vạn thọ (lễ mừng thọ vua), công chúa cùng mọi người trong hoàng thất ngồi ăn tiệc. Trên mâm có nhiều sơn hào hải vị, công chúa chỉ ngồi ăn lặng lẽ, không tỏ vẻ vui thích. Thấy vậy, khi nhà bếp bưng ra món nầm dê được làm rất ngon, vua Minh Mạng gắp cho con gái một miếng, công chúa chỉ đưa lên miệng ngậm rồi bỏ qua một bên.

Vua lấy làm lạ truyền công chúa đến hỏi. Công chúa khóc nói: “Mẹ con đau nặng không cùng đến dự để được đội ơn hưởng đồ trân quý, con nghe nói món này bổ lắm nên để dành đem về dâng mẹ”. Vua Minh Mạng ứa nước mắt trước cô con gái hiếu thảo giàu tình cảm, ông truyền lấy riêng một phần thịt nầm dê mang đến cung riêng của Mỹ nhân Nguyễn Thị Sâm.

cng-ph.jpg
Cổng vào phủ An Thường công chúa

 

Đại Nam liệt truyện còn ghi lại những mẩu chuyện sau: “Lúc đã bắt đầu lớn, cho ra ở điện Trinh Minh, sai nữ quan dạy cho biết về sử sách và đại lược về nữ công. Năm Minh Mạng thứ 9 (tức năm 1828), mùa hạ, tháng tư bởi nữ tì ở điện Trinh Minh giữ lửa bất cẩn, đang đêm mà có hỏa hoạn, lửa thiêu hết cả màn trướng. Công chúa hoảng sợ thức dậy, kêu người trực đi cứu chữa rồi tự mình đốc suất việc này. Vua đi thăm Thuận An về, nghe tâu lại sự thể, vừa ngợi khen vừa thưởng cho ba lạng vàng".

 … “Năm Minh Mạng thứ 15 (tức năm 1834), vua đi tuần phương Nam, sai đến hầu cung Từ Thọ (nơi ở của Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, thân mẫu của vua Minh Mạng). Công chúa lúc nào cũng tươi tỉnh, Từ Cung rất lấy làm vui, thường cho gọi đến để cùng vui chơi. Trở về, nhà vua thưởng một tấm thẻ bài để đeo, làm bằng ngọc màu mỡ dê, có dây thao rủ xuống.

Năm Minh Mạng thứ 18, thân mẫu qua đời, công chúa thương xót, để cho thân xác gầy còm. Năm Minh Mạng thứ 21, vua không được khỏe. Công chúa đích thân sắc thuốc và nấu cháo để dâng tiến, sớm hôm hầu hạ không mỏi.

Vua mất, công chúa thương xót đến ngất đi, tưởng là tắt thở… Khi đem vua đi mai táng, công chúa theo hầu bàn thờ và sau lại chực hầu đền thờ ở lăng, trọn cả 3 năm chưa từng cười đùa”.

Khi trưởng thành, công chúa lấy Phấn dũng tướng quân Đô úy Phan Văn Oánh, con thứ tư của Đô thống Chưởng phủ sự Chương Nghĩa hầu Phan Văn Thúy. Khi về nhà chồng, bà luôn mẫu mực trong cư xử, được mọi người kính trọng. “Công chúa chẳng hề tỏ vẻ là con vua, biết kính thờ mẹ chồng, lo việc dạy con và giữ đức khuê môn" (Đại Nam liệt truyện). Vợ chồng công chúa sinh nhiều con nhưng đều mất sớm chỉ còn lại một người là Phan Văn Huy.

Đến năm Tự Đức thứ 1 (1848), bà được tấn phong là An Thường công chúa.

Năm Nhâm Tuất 1862, chồng bà qua đời, khi đó bà mới 46 tuổi. Vốn có tâm đạo, sau khi chồng mất, bà quy y cửa Phật với pháp danh là Thanh Từ. Từ đó bà dốc lòng vào việc Phật. Bà thường thuê thợ khắc ván in kinh rồi đem dâng cho các chùa hoặc cho các anh chị em, bà con lân cận, góp phần hoằng dương Phật giáo.

hng-hin-in-th.jpg
Hàng hiên ở điện thờ trong phủ

 

Tuy sinh ra trong hoàng tộc, địa vị cao sang nhưng suốt cuộc đời, công chúa An Thường luôn sống giản dị mộc mạc, đầy thiện tâm. Đặc biệt tấm lòng hiếu thuận của bà được nhiều thế hệ người dân đất Huế lưu truyền ngợi ca.

Năm Tân Mão 1891, bà tạ thế, thọ 74 tuổi.

Tuy Lý vương Miên Trinh, ông hoàng của thi ca đất Huế, một người em cùng cha của bà từng viết về chị mình như sau:

Tốt đẹp thay chị ta

Dịu dàng hiền thục

Đội mũ, gài tóc, khoan thai

Nói không ra ngoài bực cửa

Là con vua tôn quý

Mà cần kiệm, khiêm nhường…

Phụ nữ Việt Nam