Để chống chọi với những dịp thiếu đói, gia đình tôi cũng như các gia đình trong làng thường nấu cháo, bởi cháo là món ăn thay cơm dễ nấu, lại không tốn nhiều gạo cũng như các đồ ăn khác đi kèm. Ngoài món cháo gạo mà dân quê hay gọi là cháo hoa, nghĩa là cháo nấu không có kèm thịt cá, người dân quê tôi cũng hay mang nhiều thứ nấu thành cháo để đổi món, thay đổi khẩu vị nhằm chống ngán, đó là: cháo khoai lang, cháo ngô, cháo bột sắn… Nếu gặp đúng mùa thu hái đậu đỗ thì nồi cháo “sang” hơn khi được nêm vào đó thêm chút hạt đậu cho bùi béo...


Trong số các món cháo của ngày tôi còn ấu thơ, có lẽ tôi cùng mấy anh chị em trong nhà “ấn tượng” nhất vẫn là món cháo hến. Mà chẳng phải riêng nhà tôi, các thành viên của nhiều gia đình hàng xóm cũng rất thích món cháo hến này, bởi nó ngọt ngào, ngon miệng, lại vô cùng chất lượng. Món cháo hến là cách mà người dân quê tôi đã biến tấu trong cách chế biến, bởi ăn mãi cháo hoa ngán nên bỏ hến nấu cùng ăn cho lạ miệng. Món cháo hến vì thế cũng thi thoảng được mẹ tôi nấu, khi có những dịp, chỉ cách độ dăm ba hôm là mẹ lại làm một nồi cháo hến to đùng.

Cách chế biến món cháo hến cũng rất dễ, chỉ là gạo trắng vo sạch, bỏ vào nồi nước luộc hến nấu nhừ lên. Những con hến được đãi rửa sạch, sau đó cho vào chảo xào cho ngấm mắm muối, khi chuẩn bị chín cháo, đổ thịt hến vào quấy đều là được. Trước khi tắt lửa bắc nồi xuống, bỏ thêm chút hành hoa, rau răm thái nhỏ vào thì tuyệt ngon. Nếu có chút tiêu bột, chút ớt bột khô rắc vào tô cháo thì độ thơm ngon càng tăng lên. Nồi cháo hến nóng hổi vừa bắc từ bếp xuống, chưa kịp giảm độ nóng là tôi cùng mấy đứa em đã vội quây tròn để múc ăn, mặc cho cha mẹ nhắc nhở là đợi nó nguội chút mới ăn kẻo bị bỏng. Cháo hến vì đã có đủ muối, mắm khi xào thịt hến nên lúc ăn rất vừa miệng. Nếu ai ăn mặn hơn chút xíu, có thể dùng thêm cà pháo muối chua, hoặc dưa cải muối chua cũng được...

Món cháo hến ngon và vô cùng dễ ăn, mà theo như bà nội tôi nói là nó có đủ đầy chất đạm, canxi, một số dưỡng chất khác, vì vậy mà tôi luôn coi món này là món ăn “bổ dưỡng”. Bữa nào nhà nấu cháo hến là tôi ăn tới no, tới cạn nồi rồi mà vẫn còn muốn ăn bởi vì nó quá ngon. Nhiều bữa khi cháo hết, tôi còn giành chiếc nồi với anh cả của tôi chỉ để vét, cạo nốt phần cháy còn đọng lại nơi đáy nồi. Phần cháy của cháo ấy cũng vô cùng thơm ngon, ngọt ngào, dẫu nó chỉ là một lớp mong mỏng, không quá nhiều...

Ông trời quả là quá ưu ái cho mảnh đất quê tôi, khi đã ban tặng một dòng sông dài chảy uốn lượn ôm sát bìa làng. Dòng sông hiền hòa ấy không chỉ cung cấp nước để tưới tiêu cho cây trồng mùa màng không phải chịu cảnh khô hạn, mà nơi ấy còn có nhiều tôm, cá, cua ốc, hến để các gia đình ra bắt mang về cải thiện cho bữa cơm mỗi ngày thêm phần tươm tất. Tôi còn nhớ, sau các buổi tan trường vào buổi sáng, hễ ăn cơm trưa xong là tôi cùng lũ trẻ trong xóm, cả những người lớn ra bìa sông đằm mình xuống nước để bắt hến. Những buổi vừa bắt hến vừa tắm sông quả là vui, khi cả bọn vừa được thỏa thích nô đùa dưới làn nước mát trong, lại vừa được hến mang về cải thiện bữa ăn gia đình.

Năm tháng tuổi thơ đầy vất vả của tôi đã qua đi từ rất lâu rồi, giờ quê tôi đã thay da đổi thịt, cuộc sống của hết thảy các hộ dân đều đã khấm khá, và đặc biệt không còn cảnh thiếu đói như ngày xưa. Dòng sông thì vẫn hiền hòa còn đó, và hến ở dưới sông vẫn sinh sôi nảy nở rất nhiều. Thế nhưng, mỗi lần trở về thăm quê nhà, khi đi qua chiếc cầu bắc ngang qua đầu làng, tôi không còn thấy cảnh người dân quê ra bắt hến đông đúc như ngày xưa nữa, mà chỉ thi thoảng có những con thuyền của người nơi khác tới cào hến mang ra chợ bán mà thôi. Tôi lại thầm cảm ơn dòng sông đã nuôi sống tôi, gia đình tôi, dân làng tôi. Sông chẳng khác nào “bầu sữa” của một người mẹ hiền đã nuôi những đứa con khôn lớn, dìu dắt dân làng đi qua một giai đoạn đầy gian lao khó khăn đói khổ để dân làng có những bữa cháo hến ngọt ngào... 

Theo Người Hà Nội