Một buổi chiều ngày 17/10/1998, cậu bé Mao Yin, 2 tuổi 8 tháng chơi cùng bố, Mao Zhenjing trước sảnh một khách sạn ở Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây. Chợt Mao Yin đòi uống nước. Người cha để con đó, chạy về bàn lễ tân xin nước. Chỉ 2-3 phút sau quay lại, đứa con biến mất.

Đang công tác nước ngoài, chị Li Jingzhi nhận điện: "Về nhà gấp". Trên đường trở về, Li nghĩ đến hàng chục tình huống. Điều chị không mong đợi nhất là tin dữ về con. Khoảnh khắc biết con trai mất tích, Li Jingzhi ngã gục ngay tại chỗ.

Đáng lý ở tuổi 28, chị Li có thể sống những ngày vui cười khi có gia đình hạnh phúc, sự nghiệp ổn định. Nhưng không, kể từ lúc con mất tích, cuộc đời chị chìm trong nước mắt.

                    Li và con trai Mao Yin. Ảnh: QQ.

Người mẹ bắt đầu một hành trình dài tìm con. Một ngày nọ, biết ở Thương Lạc (Thiểm Tây) có đứa trẻ giống con mình, Li vội vã tìm đến. Tới nơi người ta lại nói đứa bé đã được đưa trở lại Tây An. Li khởi hành ngay trong đêm trở về, song đứa trẻ lại bị đưa tới An Khang. Chị đuổi theo, sau đó chạy sang cả Tứ Xuyên. Cuối cùng cũng tìm ra đứa bé này, nhưng lại không phải Mao Yin. Người mẹ kiệt sức...

Sau đó, Li Jingzhi thường bị ảo giác. Chị hay nghe thấy giọng con trai gọi mẹ trong đêm. Nửa đêm Li thường chạy khỏi nhà gọi con. Người mẹ già ôm Li Jingzhi khuyên nhủ: "Con gái! Con không thể gục ngã. Cháu vẫn đang đợi con.".

Nhiều người đã thuyết phục Li sinh đứa con khác. Không ít người bảo tìm một đứa trẻ bắt cóc như mò kim đáy bể. Nhưng Li Jingzhi nói: "Nếu tôi từ bỏ tìm kiếm con, tôi có thể không còn sức mạnh và can đảm để sống".

Từ năm 1999, Li đã xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình ở Trung Quốc để nâng cao nhận thức về nạn bắt cóc trẻ em. Chị cũng hi vọng con mình có thể xem chương trình vào một ngày nào đó.

Những năm gần đây, Li đã in 100.000 tờ thông báo tìm con, dán ở hàng trăm thành phố và thị trấn của 20 tỉnh. Chị tìm thấy hơn 300 manh mối liên quan đến con trai và cũng thấy hơn 300 trẻ em có thể là con mình. Thật không may, không có đứa trẻ nào là Mao Yin cả.

Năm 2007, Li Jingzhi trở thành tình nguyện viên của "Baby Go Home". Bởi vì đến thời điểm đó Li đã tìm kiếm con trai gần 2 thập kỷ. Chị biết hành trình ấy khó khăn đến mức nào nên muốn giúp đỡ các gia đình. Đến nay Li đã giúp được khoảng 30 gia đình đoàn tụ. "Khi tôi thấy cha mẹ và con của họ ôm nhau, tôi cũng đang suy nghĩ "Ngày nào tôi có thể ôm con trai?"...

                           Bà Li vẫn giữ những chiếc áo, chiếc quần của con 32 năm qua. Ảnh: QQ.

Bên cạnh sự tìm kiếm của người mẹ, cảnh sát Trung Quốc đã mở nhiều cuộc điều tra tìm kiếm Mao Yin, biến vụ việc trở thành một trong những vụ bắt cóc nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. 

Vào cuối tháng 4 năm nay, cảnh sát Tây An đã thu được manh mối rằng một cặp vợ chồng vô sinh ở Tứ Xuyên đã chi 6.000 tệ (hơn 20 triệu đồng) để mua một đứa trẻ từ nhiều năm trước. Cảnh sát sàng lọc các đối tượng và phát hiện người đàn ông Tứ Xuyên tên Gu Mouning và Mao Yin rất giống nhau. Kết quả ADN xác minh Gu Mouning chính là Mao Yin - đứa trẻ bị bắt cóc 32 năm trước.

Hôm 10/5, Li Jingzhi nhận được tin từ cảnh sát báo đã tìm thấy con trai chị. "Đây là món quà vô giá", bà Li, nay 60 tuổi, hạnh phúc nói.

                       Mao Yin (giữa) đoàn tụ với bố mẹ sau 32 năm. Ảnh: SCMP.

Hôm 18/5, cuộc đoàn tụ của Mao và cha mẹ được đã cảnh sát tổ chức và phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình CCTV. Trong ngày đoàn tụ, bà Li không thể ngừng khóc. "Mẹ không muốn xa con nữa", bà nắm chặt tay con nói. Mao Yin, hiện điều hành một doanh nghiệp trang trí nhà cửa, cho biết sẽ sắp xếp để sớm nhất về sống gần với bố mẹ ruột.

Cảnh sát vẫn sẽ tiếp tục truy tìm đường dây mua bán Mao Yin và trừng trị thích đáng những kẻ nhẫn tâm chia cắt gia đình.

Theo vnexpress