Khi ấy, trong xóm ngoài làng nhà nào cũng hối hả đón cho được anh thợ cối. Tôi còn nhớ mỗi gánh thợ cối chỉ có hai người mà làng tôi vẫn quen gọi là phó cả và thợ phụ (học việc).

Với hành trang hết sức giản đơn, chỉ hai chiếc bồ do người thợ phụ gánh. Bên trong một chiếc bồ là quần áo và lương thực trên đường. Một chiếc kia là đồ nghề của thợ cối gồm có vẫy, đục, dao, búa và một chiếc cưa do người thợ cả đeo trên vai, vừa đi đường người thợ cả vừa rao “ai đóng cối không”.

Để làm ra một cối tre tiêu tốn rất nhiều tre. Chỉ trong 48 tiếng đồng hồ, họ có thể vừa chặt tre pha tre, vừa đóng xong chiếc cối xay nặng chừng 1 tạ khi đã đắp đất hoàn tất. Họ ra đi hành nghề như thế có khi 3,4 tháng ròng, một năm họ chỉ về làng 2 lần vào dịp Tết xuân âm lịch và hội làng.

Mỗi cối xay lúa được coi là đạt yêu cầu kỹ thuật phải là: gạo xay ra không gãy; cối khi xay phải phát ra âm thanh, trong quá trình xay, đầu giằng không bị bật ra ngoài; que quét hoạt động bình thường, không bắn gạo trấu ra ngoài. Tất nhiên, để làm được điều đó, người thợ Đa Chất phải có “bí kíp” riêng.

Vì tò mò nên tôi chạy theo gánh thợ hết nhà này sang nhà khác để xem họ nói gì. Nhưng cũng chỉ có thể hiểu khi họ đã giải thích cặn kẽ.

Dùng cối xay tre, hạt thóc không bị gãy vụn nhiều, vỏ gạo bị bào món ít, cơm nấu ngon dẻo hơn. Trên những chặng đường mà người thợ nghỉ chân, họ đều xây dựng những mối quan hệ thân thiết với nhà chủ bằng cách đóng cối bền hơn, rẻ hơn, có quà cho chủ hoặc kết thân, kết nghĩa.

                                                                                                              Theo Quehuongonline