Vợ tôi nhắc khéo, màu xanh ấy là từ những chiều xách nước tưới đẫm. Hoa phi điệp thả dáng ấy là từ những phin café uống dở đã bỏ bã chứ chẳng có chút lộc trời nào ban cho anh đâu. Thì tháng bẩy mà vẫn vắng những cơn mưa, những cơn mưa tầm tã níu chân người, ngập ao, chuôm, hồ, đầm, ngăn trở những dự định mà ta vẫn mong mỏi.

Chiều nay, tôi khoác chiếc túi nhẹ với mấy bộ quần áo cộc, vài cuốn sách và chiếc máy ảnh. Thường thì mùa xuân có hoa đào hoa ban nở, mùa thu lúa chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang người ta mới có chuyến đi. Nhưng, tôi lại thích có một chuyến đi như thế, theo những lối mòn có dấu chân trâu nhà mình, lên những ngọn đồi có nhát dao phát cây của cha tôi, sống những ngày nắng nỏ từ bình minh đến hoàng hôn trong khi cơn mưa đi vắng.

Đón tôi là cái lu nước ngày xưa đã mẻ miệng. Nước mưa của một ngày xa lắm, giờ không lấm tấm bèo hoa dâu mà nắng gắt thấm vào từng giọt nóng hổi. Ngày xưa nắng thế chứ nắng nữa, tôi vẫn theo chúng bạn đi bắt cá cờ, loài cá khỏe và chịu nóng tốt. Những con cá như trêu ngươi cứ lẩn quất rồi lại khoe cái đuôi cờ đỏ trong hốc đá. Bắt được rồi, cái đuôi lửa ấy ánh lên dưới nắng chiều trong bàn tay tuổi thơ và nụ cười vang khắp mặt suối, trên kia là bầu trời xanh lắm. Tuổi thơ ơi, có được bao nhiêu chiều như thế rồi không sao tìm thấy nữa. 

Mùa này, lúa nhà tôi đã gặt xong, gốc rạ soi bóng dưới nước trầm ngâm sau một mùa gặt rộn rã. Chỉ vài hôm, rơm đi đằng rơm, thóc đằng thóc, đường làng chỉ còn vương vấn những cọng rơm thừa bởi những tấp nập của xe cộ, những người làng lại đi tìm công việc mới lúc nông nhàn. Tôi thức dậy, những chuyến xe, chuyến đò đã đưa họ rời làng, nhìn theo chỉ thấy những cọng rơm ấy thật buồn. Nỗi buồn của một người mới về thăm quê mà như người ở lại.

Trời ít mưa cũng đủ làm mẹ tôi lại trở mình hằng đêm lo cho cái vườn. Ở thành phố lắm bận cả ngày trong văn phòng, điều hòa chạy ro ro đâu có biết ngoài trời đương mưa hay nắng. Tôi có một không gian, một khí hậu khác xa với quê nhà thành nếp nghĩ ăn sâu vào tiềm thức như thế. Sáng ra, mẹ lại dậy rất sớm, sớm trước cả cái nắng của ngày mới, thế mới biết có những lúc con người ta phải vội vã chạy trốn ánh ban mai. 

Thế rồi khi tôi vừa trở về thành phố, chợt nghe tiếng mẹ hào hứng trong điện thoại. “Mưa rồi con ạ”, tôi biết mẹ không rảnh để khoe mưa, mà bởi nhẹ lòng trước vườn tược đã được giải nhiệt cơn khát mùa hè. Trong điện thoại, tôi nghe tiếng mưa không to lắm mà chắc cũng mau tạnh thôi. Thương mẹ, tôi bảo trên này cũng đang mưa mẹ ạ, nhưng vì chúng con đóng cửa nên mẹ không thể nghe thấy tiếng mưa rơi trong điện thoại thôi. Mẹ cười, dường như mẹ vui lắm dù biết ở thành phố con, cháu mình đâu có trồng cấy gì mà cần mưa với nắng. Nhưng trong mưa mẹ cũng giấu được tiếng thở dài bởi trời chuyển mình vết thương nơi chiến trường của cha lại tái phát. Mẹ giấu mà chúng tôi vẫn biết chứ đâu được như vợ chồng tôi giấu mẹ là thành phố lúc này vẫn đang khô như rang.

Khi còn ở nhà, nhiều lần nghe cha tôi kể những mùa mưa của chiến trường B, mưa như không có ngày dứt. Cái chân ông gửi lại miền đất có hai mùa mưa, nắng rõ rệt ấy rồi cũng dần nguôi ngoai bằng dấu nạng gỗ tròn trịa quanh làng. Lâu rồi, ba tôi không lên đồi được nữa dù con đường thoai thoải, vậy mà mỗi khi chúng tôi về, mẹ tôi vẫn bảo con đường này ngày trước là do cha phát quang để mở lối. Tôi nghe lời mẹ dịu dàng như một cơn mưa. Đêm nay, ngoài cửa sổ có gì đọng lại, đó là những hạt mưa bụi hiếm hoi của chốn thành thị? Mưa của phương Nam trong đêm hành quân trong câu chuyện ba kể hay đó là dư âm của những kỉ niệm xưa. Dẫu tháng bẩy những cơn mưa đi vắng thì vẫn có những cơn mưa tưới mát tâm hồn mình. Ở phía ấy, nơi quê nhà xa lắm lúc nào cũng có những cơn mưa. 
                                                                                                                                     Bùi Việt Phương




Theo Người Hà Nội