Tôi vẫn luôn tự hào với bạn bè rằng ngoại là người rất khéo tay. Đó là khi tự tay ngoại đã tỉ mẩn làm nên cái gáo dừa không hề đơn giản. Dừa làm gáo, ngoại bảo phải chọn quả thật già, thật tròn đều. Ngoại ngồi tỉ mỉ hàng giờ bóc bỏ, cạo sạch phần xơ dừa cho nhẵn thín rồi cưa bỏ một phần ba phần trên sọ dừa. Tiếp theo là đến công đoạn khoét lỗ nhỏ hai bên sọ dừa. Và cuối cùng là vót đoạn tre cho tròn, xiên vào giữa hai lỗ làm cán gáo. Thấy tôi chăm chú quan sát, ngoại cười: Làm gáo dừa quan trọng là khi cưa bỏ đi phần sọ trên và khi khoét lỗ. Vì nếu không cẩn thận, gáo sẽ bị nứt, có khi bị hỏng.

Thích nhất với tôi vẫn là khi được cầm trên tay cái gáo dừa ngoại mới làm, hết ngắm nghía đã mắt rồi đem ra cái chum nước, múc lên một ngụm nước mát và tu ừng ực. Rồi những ngày sau đó, cái gáo dừa cứ ngang nhiên nằm chễm chệ trên cái chum sành làm nhiệm vụ múc nước.

Ngày xưa, tôi rất thích uống nước bằng gáo dừa. Sau những trò chơi tuổi thơ mệt nhoài, nhễ nhại mồ hôi, tôi lại chạy về cầm lấy gáo dừa vục đầy nước mưa trong chum uống đã thích. Mà đâu chỉ mình tôi, lũ thằng Tân, con Hằng cũng xun xoe chạy theo về xin uống cho bằng được. Chúng nhìn tôi lém lỉnh: Cũng là nước mà sao nước nhà ngoại của cậu uống ngọt đến thế. Khi ấy, tôi lại được phen nở mũi, tự hào: Vì nhờ chiếc gáo dừa tự tay ngoại tớ làm đấy! Thế là cả bọn lại được dịp gật gù tâm đắc.

Gáo dừa là vật không thể thiếu mỗi khi ngoại tôi gội đầu. Những khi ấy, tôi lại hý hửng đứng bên múc từng gáo nước gội đầu cho ngoại. Và rồi hình ảnh mái tóc dài bóng mượt, lác đác vài sợi bạc của ngoại tôi ngày ấy cứ neo đậu trong trí nhớ tôi nguyên vẹn đến tận bây giờ.

Nhớ sao những lần ngoại cầm gáo dừa múc nước đổ lên đầu, lên người tắm cho tôi mỗi trưa, mỗi chiều. Ngày xưa, ở quê ít có ca nhựa đủ màu xanh đỏ hay ca nhôm, inox tiện lợi như bây giờ. Chỉ chiếc gáo dừa giản dị là sẵn có. Và tôi thích cái cảm giác khoan khoái, dễ chịu, sung sướng đến râm ran trong lồng ngực với bao yêu thương bên chiếc gáo dừa ngoại làm.

Gáo dừa ngoại vẫn dùng múc nước rửa rau, vo gạo,… Gáo dừa vẫn được đặt ngang chum sành đựng nước mưa, nước giếng ngọt mát mùa nối mùa.

Những trưa nóng nực hay những tối trăng thanh, ngoại vẫn thường pha một ấm trà xanh để sẵn. Khi thì mấy cậu mấy dì về nhà nhâm nhi giải nhiệt, khi hàng xóm rủ nhau đến chơi, vừa uống nước trà xanh vừa tâm tình bàn chuyện làng, chuyện nước. Ai cũng khen nước trà ngon và không quên khen cả cái gáo dừa góp phần làm nên hương vị đặc biệt của thứ nước làng quê mộc mạc, ân tình.

Cuộc sống giờ đã đổi thay rất nhiều. Qua từng góc phố, làng quê nơi tôi đã đi, hiếm khi còn gặp hình ảnh chiếc gáo dừa nằm vắt ngang trên cái chum sành như thuở trước. Họa chăng là hình ảnh gáo dừa làm đồ mỹ nghệ trang trí trong những quán xá, nhà hàng. Thế nhưng những tháng ngày gian khó mà đong đầy yêu thương bên chiếc gáo dừa cùng ngoại vẫn vọng về trong tôi thao thức, làm dịu mát lòng tôi nơi đất khách quê người.

Mỗi lần về thăm nhà, tôi lại ngồi lên chiếc xe đạp của mẹ đủng đỉnh sang nhà ngoại. Tóc ngoại giờ đã ngả màu trắng phau, lưng ngoại đã còng như bông lúa trĩu hạt ngoài đồng, nhưng nụ cười và ánh mắt của ngoại vẫn vẹn nguyên vẻ nhân hậu, yêu thương. Và tôi vui biết mấy khi thấy ngoại vẫn giữ thói quen dùng cái gáo dừa múc nước chum sành.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn