Ảnh minh họa

Ngày xưa, đối diện nhà tôi là cánh đồng. Tiếng là ruộng nhưng vì nằm ở vùng trũng thấp nên quanh năm đọng nước nhiều bùn lầy. Ruộng chỉ khô nước vào những ngày nắng rát còn bình thường, người lớn lội tới gối, tới mùa mưa nước có thể lên tới hông. Đất ngập nước nên cây cối khó trồng, bị bỏ hoang, cây cỏ mọc cao hơn vai người. “Tấc đất tấc vàng”, không thể để cỏ mọc lấn lướt, vậy là mẹ một mình dọn cỏ, biến đám ruộng hoang thành đìa rau.

Rau muống dễ trồng, dễ sống, dễ sinh sôi. Chỉ cần chọn những nhánh rau khỏe khoắn, có nhiều đốt và rễ, cắm xuống bùn, vài ngày sau rau sẽ bén rễ lên xanh.

Hồi ấy còn nhỏ lắm, chưa thể hảo tất tần tật những món ăn liên quan đến rau nhưng ngày nào cô bé là tôi cũng ra đứng bên đìa rau. Chẳng biết để làm gì nhưng không thấy đìa rau của mẹ thì cảm giác sẽ thiêu thiếu cái gì đó. Cả đìa rau xanh mướt, lộng gió, thấy trong trẻo và thư thái kỳ lạ. Có hôm tôi đứng một mình, có khi chạy lại lăng xăng trên bờ hái những bông hoa tim tím cài lên tóc.

Thích nhất vẫn là được nhìn mẹ mang chiếc rổ tre ra đìa hái rau. Nhìn cách mẹ làm khiến tôi không thể rời mắt. Mẹ hái rau, cẩn trọng như người ta hái một quả đào tiên. Mẹ đưa tay đỡ, vuốt những cọng rau vẹo vọ rồi khẽ khàng bấm nhẹ như sợ những cọng rau bị đau rồi bỏ ngay ngắn từng cọng theo lớp lang vào rổ. Rổ rau muống của mẹ ăm ắp, vun đều, nhìn thiệt đẹp mắt.

Thích nhất là những buổi sáng sau một đêm có mưa, những đọt rau vươn dài, xanh non, mũm mĩm. Ngắt cọng rau non nớt, mủ ứa ra trắng đục như sữa, nghe “bụp, bụp” thiệt đã tai.

Cả nhà (trừ tôi) ai cũng thích ăn rau muống, đặc biệt là mẹ. Bữa cơm nào của mẹ cũng phải có rau, rau muống luôn là lựa chọn số một. Mẹ chế biến thành nhiều món khác nhau: luộc, xào, nấu canh, làm gỏi và cả ăn sống. Ba thích nhất món canh rau muống nấu tôm. Chị hai bảo, rau muống xào tỏi là nhất. Còn mẹ, tín đồ của rau muống thì trước sau khẳng định, rau muống nước chỉ đem luộc là ngon nhất, cọng rau xanh mềm, giòn rụm.

Gắp một gắp khẳm, quệt mạnh vào mắm rồi lua cơm vào, thiệt không có món sơn hào hải vị nào bằng. Chưa hết, phần nước luộc rau bỏ vào ít lá me non sau hè hoặc vắt lát chanh, cho thêm chút gia vị nữa đã có một tô canh hảo hạng. Tôi ban đầu không ăn rau muống được nhưng nhìn mẹ ăn riết rồi phát thèm, từ từ tập ăn, ăn được rồi đến thích, các giai đoạn mỏng manh như tờ giấy.

Canh rau muống của mẹ thiệt dân dã nhưng ăn hoài lại ghiền. Đến nỗi sau này, mỗi khi nhà có dịp ăn uống hoành tráng, thịt cá ê hề nhưng ăn xong sẽ có một đứa con của mẹ phát biểu: giờ mà có tô canh rau muống của mẹ nữa là… y bài.

Tôi chắc mình là đứa con duy nhất trong nhà nghe được câu chuyện của mẹ. Mẹ kể thời quê tôi vỡ đập chứa nước, dân lâm cảnh cơ cực đói khát. Tới bữa cơm, mẹ nhịn nồi cơm độn khoai độn bắp cho chồng và các con còn mẹ ra đìa, bấm đọt rau muống ăn với muối hột. Trời ơi, ăn no bụng rồi thì nước dãi cứ chảy ra ròng rã, không nuốt kịp. Câu chuyện của mẹ làm tôi mủi lòng muốn khóc.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn