Mỗi nghệ nhân là linh hồn của làng nghề


Đến với Festival Tơ lụa - Thổ cẩm Việt Nam và thế giới 2017, Du khách được chiêm ngưỡng từng quy trình, công đoạn khác nhau, từ ngắm một vườn dâu, có cây hàng trăm năm tuổi, nơi nuôi tằm nhả tơ đến nơi nghệ nhân kéo tơ dệt vải và những sản phẩm hoàn chỉnh. Có lẽ, những cô gái xứ tằm tang Quảng Nam, những nghệ nhân dệt thổ cẩm tài hoa từ nhiều tỉnh/thành trong nước và cả các nước trên thế giới là linh hồn của Festival lần này. Ngày xưa, họ là những người làm đẹp cho các giai nhân thì ngày nay họ kiêm thêm nhiệm vụ phát triển du lịch cho địa phương, là tâm điểm giúp Festival thành công rực rỡ. Cũng vì đặc trưng riêng nên nghề quay tơ dệt lụa nghệ nhân chủ yếu là nữ, công việc đòi hỏi họ không chỉ không chỉ có kỹ năng khéo léo, tay nghề cao mà còn có tâm hồn nghệ thuật, sự tỉ mỉ và niềm đam mê sâu sắc.  

Tại Festival Tơ lụa - Thổ cẩm Việt Nam và thế giới, các nữ nghệ nhân không chỉ trình diễn cho du khách xem quy trình làm lụa mà còn trao đổi bí quyết tạo sắc, cách dệt nên sản phẩm hoàn chỉnh giữa các nghệ nhân với nhau, để cùng phát triển các làng nghề truyền thống.  Đan xen là những câu chuyện về Bà Chúa Tằm Tang được kể lại từ trong truyền thuyết, hay những vị tổ làng nghề và những người thực việc thực từng có công lớn với ngành dệt. Địa điểm Làng lụa Hội An với không gian nhà Rường (hay còn được gọi là nhà Việt cổ) kết hợp phong cách kiến trúc độc đáo, hoài cổ, đậm nét triết lý phương Đông từ thế kỷ XIX càng tái hiện rõ nét sự sầm uất của con đường tơ lụa một thời vang bóng.

Mỗi nghệ nhân, mỗi làng nghề như “sợi tơ vàng” làm thức dậy vị trí của tơ lụa trong đời sống đương đại. Bên cạnh các nghệ nhân làng lụa của tỉnh đăng cai - Quảng Nam - còn có sự tham gia của gần 80 nghệ nhân đến từ miền núi phía Bắc như thổ cẩm Hà Giang, nghệ nhân Khmer ở biên giới Tây Nam tỉnh An Giang, nghệ nhân Cơ Tu của vùng núi miền Trung, nghệ nhân dân tộc Thái của vùng phía Tây tỉnh Nghệ An… những làng nghề truyền thống có danh tiếng hàng trăm năm như làng lụa Nha Xá, Vạn Phúc, Nam Cao ở đồng bằng Bắc bộ, Tân Châu ở An Giang, Chăm Ninh Thuận…  

Hơn thế, những gian hàng triển lãm tơ lụa của các quốc gia cũng hội ngộ về đây. Nghệ nhân mỗi nước đã mang đến những sản phẩm tơ lụa với nhiều dáng vẻ khác nhau. Cụ thể, Ấn Độ với lụa vùng Mumbai (xưa gọi là lụa Bombay) và dòng lụa Cashmere xuất phát từ biên giới Ấn Độ - Pakistan. Hiệp hội Tơ lụa Nhật Bản giới thiệu loại lụa mang nhãn hiệu “Made in Japan” danh tiếng. Trung Quốc mang đến sản phẩm của các tập đoàn lớn tại thủ phủ lụa Hàng Châu, Tô Châu, Tứ Xuyên, Thẩm Quyến. Các nghệ nhân Myanmar giới thiệu dòng lụa Myanmar có hoa văn rất đặc biệt và luôn dành riêng cho các cô dâu trong ngày cưới. Bên cạnh đó là các dòng lụa Thái Lan, lụa Campuchia…

Có thể nói, Festival nhằm tôn vinh văn hóa nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống nói chung và những người nhiệt huyết với nghề nói riêng, từ đó kết nối giao lưu để tìm đầu ra cho thị trường tơ lụa Việt, từng bước đưa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam vươn tầm thế giới.

Nằm trong khuôn khổ Festival Hành trình di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, Festival Tơ lụa -Thổ cẩm Việt Nam và thế giới 2017 diễn ra từ 12 đến 13/6 tại Làng lụa Hội An, với sự tham dự của 7 nước châu Á và 12 làng nghề tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam. Những chương trình nổi bật bao gồm: Lễ dâng hương Bà Chúa Tằm Tang và ra mắt BCH Hiệp hội Tơ Lụa Việt Nam tại Làng Lụa Hội An; Hội thảo với đề tài: Tơ Lụa trong đời sống hiện đại và giải pháp để phát triển ngành tơ lụa Việt Nam ; Chương trình biểu diễn 18 bộ sưu tập của các nhà thiết kế trên chất liệu Lụa tại Khổng Miếu Hội An (do nhà thiết kế Minh Hạnh đạo diễn); Hội thảo về: Con đường Tơ Lụa Việt Nam…

                                                                                              Theo Phunuvietnam.vn