Mấy chục năm trời ăn, ngủ, sống cùng chiếc xích lô, không có nghề nghiệp nào khác, tuổi lại cao, quá trễ để họ có thể bắt đầu một công việc mới. Vì thế, đạp xích lô như cái nghiệp dính chặt vào họ.
“Cú đêm” chợ Bến Thành
Vay nặng lãi để mua lại xích lô
Ông Nguyễn Văn Tám cho biết năm ngoái ông bị lực lượng chức năng thu xích lô, chật vật lắm mới sắm lại được. “Mấy chục năm trầy trật, chạy vạy kiểu này miết thành quen. Năm ngoái tui bị tịch thu xe, mà làm gì có tiền sắm lại vì xích lô cũ giá cũng vài triệu đồng. Bí quá, tui vay nặng lãi của người ta rồi trả góp từng ngày. Mua chiếc xe cũ mèm hết 2 triệu đồng, tui tu sửa, sơn lại nên giờ nhìn mới được như vầy nè”, ông Tám chỉ vào tài sản quý giá nhất của mình nói.
Đều đặn hằng đêm, ông Nguyễn Văn Hai (85 tuổi) tà tà đạp xích lô từ phòng trọ ra chợ Bến Thành, khu phố Tây (Q.1) kiếm vài cuốc xe. Mặc độc chiếc quần xà lỏn, mang dép tổ ong vá chằng vá đụp, ông Hai được xem là người đạp xích lô già nhất chưa giải nghệ.
Buổi tối ông Hai thường đứng ngay cửa Tây chợ Bến Thành mời khách. Tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc... ông đều giao tiếp làu làu. Thấy ai đi ngang, ông vỗ tay “bép, bép”, miệng la to: “Hi you, would you like xich lo bike?”. Khách người nhoẻn miệng cười trừ, người lắc đầu, người lẳng lặng bước đi, hiếm lắm mới có ai đó gật gù, chịu hỏi giá.
“Tui chạy xích lô 42 năm. Trường đời dạy nên tui giao tiếp được với hầu hết người nước ngoài chứ chẳng qua trường lớp nào cả!”, ông nói.
Có lần, ông Hai kiếm được cuốc xe từ chợ Bến Thành ra tòa nhà Bitexco (đường Hải Triều, Q.1). Móm mém cười khoái chí, ông kể nhìn tướng khách cứ ngỡ Tây, xổ một tràng tiếng Anh rồi sau đó… chưng hửng khi khách đáp: “Sao, chú nói sao? Giờ ra tòa nhà Bitexco, con trả chú 50.000 đồng nhé”.


85 tuổi ông Nguyễn Văn Hai vẫn đủ sức đạp xích lô chở theo hai vị khách
đi dạo khắp phố phường

3 giờ sáng, chợ Bến Thành im ắng. Ông chầm chậm đạp ra khu phố Tây tìm khách tới 4 giờ sáng mới về phòng trọ nằm cuối đường18 (xã Phong Phú, H.Bình Chánh). Ông Hai tiếp khách mà ngại ngùng vì phòng ngổn ngang vật dụng được các nhóm thiện nguyện cho hằng đêm. “Chú ghé chơi nhưng đừng chụp hình quay phim nghen, nhà cửa bừa bộn thế này kỳ lắm...”, ông cười hiền nói với tôi
Ngày đạp xích lô ở chợ Thái Bình (Q.1), đêm ra chợ Bến Thành kiếm thêm, ông Nguyễn Văn Tám, 52 tuổi nhưng đã có thâm niên chạy xích lô tới 35 năm. Ông đơn chiếc, không vợ con. “Số kiếp mình bôn ba vầy sao dám nghĩ tới chuyện vợ con. Với thấy mấy ông anh tui... sợ vợ quá nên tui càng không có ý định lập gia đình”, ông nửa đùa nửa thật.
Đôi mắt lim dim trước cơn buồn ngủ chực chờ, ông Tám kể nửa đời chạy xích lô, ông có nhiều khách quen. Có hôm ông gặp lại cô khách mối mấy chục năm trước từng thường xuyên đón đưa đi chợ, xem ca nhạc.
Gặp lại người quen, cô rủ ông Tám vào quán thật sang, “bắt” ăn một bữa thật no nê rồi dúi vào tay cho thêm 600.000 đồng. Thấy mặt mày ông Tám phờ phạc, áo quần lấm lem, cô xúc động hỏi sao không chạy xe ôm mà cứ chạy xích lô, lận đận mãi thế này. Ông Tám lắc đầu cười nhẹ: “Tui không biết lái xe máy, lúc trước chuyển qua nghề thợ mộc mấy tháng nhưng làm không được nên tiếp tục quay lại nghề cũ”.
Ngủ bụi
Vẫn còn tình trạng “chặt chém”
Theo nhiều người đạp xích lô ở trung tâm thành phố, tình trạng các xích lô câu kết thành từng nhóm để chặt chém khách du lịch vẫn diễn ra. Ông Nguyễn Văn Hai chia sẻ: “Giới xích lô cũng phức tạp lắm. Lúc ngã giá nói 100.000 đồng, tới nơi nói với khách... 100 USD, chưa kể có xích lô còn bán cả bồ đà (chất gây nghiện) cho khách Tây. Vì vậy, tui đạp xích lô “đơn thân độc mã” mấy chục năm nay, ít giao du với bạn xích lô khác”.
Nghề đạp xích lô (nhất là dân chạy đêm) ngủ ngoài đường đôi khi còn nhiều hơn ở nhà.
“Tui đạp xích lô từ năm 1978 tới nay. Hồi đó tui đã quen ngủ khắp lề đường xó chợ nên dù có nhà bên đường Trần Xuân Soạn, Q.7 do cha mẹ để lại nhưng cũng ít về. Vợ mất 5 năm nay, buồn quá nên tui ngủ miết ngoài đường luôn”, ông Nguyễn Ngọc Phước, 73 tuổi, biệt danh “Phước xích lô đỏ” kể. Có biệt danh này vì ông mê độc màu đỏ: Xích lô màu đỏ, ghế đỏ, nón đỏ, áo cũng đỏ.
Không giao tiếp được với khách nước ngoài nên ông Phước thường đậu xe ở góc đường vắng, chờ điện thoại của các công ty du lịch gọi chở khách tham quan theo tour. Ông cho biết một tiếng chở khách ông được trả 50.000 đồng. Một ngày mỗi xích lô dịch vụ kiếm được khoảng 100.000 - 200.000 đồng, trúng mánh thì 300.000 - 400.000 đồng. “Cũng may khách thường boa thêm 1 - 2 USD chứ không đói nhe răng. Đạp một tiếng liên tục mông bắt đầu ê nhức, khách ghé chỗ này nọ tham quan may ra được hồi sức còn không thì đuối chết luôn”, ông chia sẻ.


Ông Trần Văn Liêm (75 tuổi) có nhà cửa, vợ con đầy đủ
nhưng thường xuyên ngủ ngoài đường vì mấy chục năm đạp xích lô nên quen

Ông Trần Văn Liêm (75 tuổi) trước đạp xích lô giao gas cho khách, giờ cũng chạy xích lô dịch vụ cho các công ty du lịch. Ông Liêm nhà ở đường Trường Chinh (Q.Tân Bình), vợ con đầy đủ nhưng ông lang thang đạp xích lô ở trung tâm thành phố cỡ chục ngày mới về nhà. “Đi vậy vợ con không la rầy sao?”, tôi thắc mắc. “Làm nghề hai mươi mấy năm ngủ ngoài đường nên vợ con tui quen rồi. Dư được dăm ba trăm hay 1 triệu đồng, tui về nhà đưa hết cho bả nên la gì nữa”, ông Liêm cười khà khà.
Trong nhóm xích lô dịch vụ, không phải ai cũng may mắn có nhà để trở về. Nhiều người tứ xứ chạy xích lô nên sống luôn ngoài đường. Cần tắm rửa, vệ sinh thì trả 5.000 đồng/lần.
Ông Lê Văn Lạc (63 tuổi, quê H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) vừa nhai ổ bánh mì đã nguội lạnh vừa kể: “Tui nằm ngoài trời suốt mấy mươi năm, đau bệnh nhờ bạn xích lô cạo gió cho. Tắm giặt vào nhà vệ sinh dưới chân cầu Ông Lãnh, đồ giặt xong đụng đâu phơi đó, đồ xích lô nên chẳng ai trộm làm gì. Tụi tui chạy theo tour nên bữa đực bữa cái, hôm chạy mệt nghỉ, hôm chẳng có cuốc xe nào”.
Tối, ông Lạc cùng nhóm bạn xích lô dịch vụ đậu xe ngay vỉa hè đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Cư Trinh (Q.1) vừa chờ khách vừa nhìn dòng người đông đúc cho đỡ buồn. Chiếc radio cũ được bật lên để mọi người cùng nghe. Ai buồn ngủ thì lẳng lặng đạp xe tìm chỗ nào vắng đánh một giấc. Một ngày của đời xích lô lại trôi qua...

Theo Thanh niên