Bánh thuẫn Gio Linh - NGUYỄN PHÚC

Với trẻ con, chợ luôn là một thiên đường với hằng hà sa số quà vặt ngon lành và vô vàn trò chơi thú vị “nấp bóng” những gian hàng chạp phô cũ kỹ. Tôi luôn thấy may mắn khi nhà ông bà nằm gần chợ Cầu - khu chợ nổi tiếng lâu đời ở thị trấn Gio Linh.

“Ru tam, tam théc cho muồi/Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu/Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh…”. Cái tên chợ Cầu đã theo lời bà à ơi đưa tôi vào những giấc ngủ an lành. Đến cái tuổi “không chịu ngồi yên” thì khu chợ trở thành thế giới thu nhỏ để tôi tha hồ len lỏi, khám phá đầy thích thú. Chẳng cần xem lịch hay hỏi bất kỳ ai, ngay từ nhỏ tôi đã nhận biết rất rõ sự chuyển đổi mùa màng mỗi lần “du ngoạn” vào “thế giới tí hon” này. Mùa thu hoạch bắp độ tháng bảy, tháng tám với những nồi bắp hầm trắng phau, ăn kèm chút đậu xanh tán nhuyễn và hành phi thơm nức mũi. Mùa thanh long mỗi độ cuối hè với những quả to tròn, “nhuộm” một màu hồng tươi trẻ đầy sức sống cho những gian hàng đơn điệu.

Mỗi dịp cuối tuần, đứa trẻ ưa ngủ nướng luôn bật dậy thật sớm để được đi chợ sáng cùng “mệ nội” (bà nội). Nắm tay mệ len lỏi giữa dòng người chen chúc, thấy ai ai cũng vội vàng. Tôi thích chợ phiên sáng chủ nhật, vì chỉ ngày này mới có hàng bánh thuẫn tôi ưa thích, hàng bánh của o Hà. Bánh thuẫn là đặc sản ở Quảng Trị, trông giống bánh bông lan nhưng phần nguyên liệu có chút khác biệt. Những chiếc bánh nướng tròn nhỏ xinh, vàng ươm như nghệ, thơm mùi bột chín quyện cùng với trứng, đủ sức làm bọn nhóc con mê tít. Trong chợ Cầu cũng có kha khá hàng bán bánh thuẫn, nhưng tôi chỉ là khách ruột của o Hà. Người phụ nữ trung niên với dáng người nhỏ bé và làn da sần, sạm nắng, tôi nghĩ có lẽ bao khắc nghiệt của mảnh đất miền Trung nắng như đổ lửa này đều ghi dấu lên o. “Mi en thim đi” (Con ăn thêm đi), câu o luôn nói kèm nụ cười xởi lởi đầy đôn hậu. O bảo o cũng đi cày thuê cuốc mướn, chỉ cuối tuần ra bán bánh kiếm thêm. Ấy vậy mà o vẫn “chơi sang”, cho tôi được ăn, được nói, được cả gói mang về nữa chứ! Bánh thuẫn o làm là có bí quyết gia truyền, o dùng trứng vịt chứ không dùng trứng gà ta như chỗ khác, nên bánh nở tròn đều, vị béo bùi hơn. Với nhiều người, những chiếc bánh của o Hà chỉ là một thứ quà vặt hay một món ăn mưu sinh cơm áo gạo tiền của một người phụ nữ. Nhưng với tôi, từng cái bánh thuẫn thấm đượm sự vất vả nhọc nhằn, ngọt ngào tấm lòng hào phóng và mến khách của người con đất Quảng Trị nắng gió ngặt nghèo.

Buổi “du ngoạn” chợ Cầu cuối tuần của tôi luôn khép lại bằng việc mệ nội thở phào nhẹ nhõm khi tìm thấy tôi đang túm tụm với đám con nít cùng lứa trước sạp đồ chơi của một quầy chạp phô. Kể ra tôi cũng hên lắm mới không bị lạc mất mệ. Đi riết thành quen, mỗi lần tôi tự ý bỏ đi khi mệ bận mua hàng là y như rằng sẽ có cô chú tiểu thương chỉ chỗ cho mệ tìm thấy tôi. Những con người thân thiện, chất phác ấy đã giúp tôi thêm yêu khu chợ, thêm yêu mảnh đất quê nội thân thương.

Từ ngày ba mẹ đón tôi và ông bà vào Sài Gòn ở hẳn, tôi nhận ra không chỉ bánh thuẫn mà tất cả mọi thứ Sài Gòn đều có đủ. Dẫu vậy, tôi vẫn giữ thói quen dậy sớm đi chợ cùng bà và mẹ mỗi cuối tuần, dù tôi biết rằng sẽ không khu chợ nào có một o Hà thứ hai, không khu chợ nào tôi có thể nghe nhiều những “mô, tê, răng, rứa” thân quen.

Theo thanhnien