Từng có một thời, áo dài là trang phục thịnh hành, được phụ nữ diện hàng ngày
và trong tất cả các dịp quan trọng


Những năm trước 1975, có thể gọi là “thời hoàng kim” của áo dài ở Sài Gòn. Phụ nữ miền Nam lúc bấy giờ mặc áo dài như một loại trang phục thường ngày.

“Năm đó tôi mới 9 tuổi, nhìn mấy cô đẹp đẹp mặc áo dài mà mê lắm. Người trẻ thì mặc những màu sáng như trắng, vàng mơ, màu hồng phấn. Có tuổi chút thì chọn mặc màu tối, họa tiết cũng đơn giản đi nhiều”, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (50 tuổi, chủ nhân đời thứ hai của nhà may Nha) kể lại.

Chị nói, chắc chị có duyên nợ với nghề may áo dài, nên ngay từ tấm bé đã bị mê hoặc bởi hình ảnh người phụ nữ dịu dàng, đằm thắm trong trang phục này. “Ngày xưa ông bà hay nói có hoa tay thì làm việc gì cũng khéo. Tôi thì chẳng có cái hoa tay nào, nhưng mà lại khéo may vá, thêu thùa”, chị Hiền bảo.
Không xuất thân từ gia đình có truyền thống nghề may, chị tự mày mò tập khâu các đường chỉ cho đều đặn và mềm mại trên chất liệu là những bộ quần áo cũ. “Tôi cũng xin đi học, nhưng chủ yếu là tìm tới mấy tiệm may phụ việc rồi được người ta bày vẽ thêm”, chị Hiền tâm sự.
Mới 15 tuổi chị đã biết cắt áo, đắp tà, 17 tuổi đã có thể may thuần thục một chiếc áo dài. Năm 22 tuổi, chị Hiền được nhận vào làm thợ thiết kế cho nhà may Nha và bén duyên cùng anh chàng cắt vải chính tên Tô Nguyễn Thanh Tùng (hiện 52 tuổi), cũng chính là con trai của bà Nha.
Cấu tạo áo dài truyền thống
Cổ áo:Cao khoảng 2 - 3cm, ôm hơi khít và tạo hình chữ V trước cổ.
Khuy áo:Thường dùng khuy bấm, từ cổ chéo sang vai rồi dọc xuống ngang hông. Khuy áo dài nằm ở phần thân trên được cố định tại 5 vị trí, giúp chiếc áo dài được ngay ngắn khi mặc. Đồng thời cũng là biểu tượng cho 5 đạo làm người của dân tộc Việt gồm:nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Thân áo:Gồm 2 phần là thân trước và thân sau. Được may dài từ cổ xuống mắt cá chân và sát theo phom người.
Tay áo:Dài, không có cầu vai, may kéo dài từ cổ áo đến cổ tay.
Tà áo:Có 2 phần gồm tàtrước và tà sau, xẻ từ ngang hông xuống gần mắt cá chân.
"Thời đó tiệm may của má chồng tôi rất đông khách, nhất là vào những tháng cuối năm, ai cũng có nhu cầu may áo dài để đi chúc tết. Cả tiệm may gần sáu, bảy con người mà thức làm việc thâu đêm còn sợ may không kịp. Kiểu áo dài khoét cổ hình thang, hình vuông, hình bầu dục... là được khách yêu cầu nhiều nhất", chị Hiền kể.
Gần 30 năm trôi qua, chị giờ đã thay mẹ chồng quản lý nhà may của dòng họ. Chị nói, chính nhờ làm việc trong nghề nên mới may mắn được chứng kiến sự thay đổi của chiếc áo dài rất rõ rệt.
"Vì nó theo thời, lúc thì người ta chuộng kiểu tay ngắn, khi lại thích kiểu áo cổ xẻ… Nhưng dù như thế nào thì vẫn có một thứ không bao giờ thay đổi được, đặc trưng của áo dài là loại trang phục không thể sản xuất đại trà”, truyền nhân của nhà may Nha cho biết.
Bởi, để may một chiếc áo dài đẹp thì quan trọng nhất là phải lấy số đo chính xác của người mặc, “vì không ai có số đo 3 vòng giống nhau cả”.
Theo chị, công thức may áo dài chỉ có một, nhưng tùy vào cách người thợ gia giảm, thêm bớt trong từng cm số đo mà sẽ cho ra đời những sản phẩm khác nhau.
Chị Hiền kể cho chúng tôi nghe về kiểu dáng, chất liệu và kỹ thuật đo, may áo dài qua từng thời kỳ bằng tất cả niềm say mê của mình.
Chị chia sẻ: “Làm nghề lâu năm, tôi vẫn thích may áo dài truyền thống nhất. Mỗi khi tôi hoàn thiện được một chiếc áo dài theo phong cách truyền thống là tôi lại ngồi ngắm nhìn nó một lúc lâu, cảm giác như mình sống lại cái thời tuổi trẻ ngày trước vậy”.
Nhà may Nha dưới thời của chị Hiền có một nội quy là “không cắt nhiều hơn hai mươi bộ áo dài mỗi ngày”, dù cho thời gian để chị cắt một bộ chỉ mất khoảng 15 phút. “Mình mà ham số lượng nhiều, chủ quan với tay nghề thì dễ sinh ra cẩu thả, không tạo ra sản phẩm đẹp được. Mà một lần mất uy tín với khách thì coi như mất hết”.

Mỗi người làm nghề đều sẽ có một vị khách khiến họ ấn tượng nhất, có thể theo cách không vui hoặc ngược lại. Với chị Hiền thì vị khách đó là một cô gái nói giọng lơ lớ miền Bắc. "Lúc trước cổ may áo dài ở đây, sau khi đi du học một thời gian thì về nghỉ phép cũng tìm tới đặt may bảy bộ nữa.
Trong đó năm bộ được may kiểu truyền thống, vải trơn hoặc họa tiết đơn giản để mặc hàng ngày, hai bộ may cầu kỳ hơn để cổ đi các dịp quan trọng  Tôi hỏi sao không mặc quần jean, áo thun cho khỏe thì cổ nói thích mặc áo dài. Ở nước xa lạ mà mặc chiếc áo dài lên cảm giác bản thân tự tin hơn rất nhiều”, chị Thu Hiền hồi tưởng
Với những thợ may lâu năm như chị, có được người nối nghiệp chính là một “phước phần”, là sự may mắn khi cái nghề gia truyền vẫn tiếp tục được gìn giữ. Ngược lại, ai chưa có thì cứ mãi trăn trở về một ngày phải đóng cửa tiệm, thương hiệu cả đời xây dựng sớm muộn gì cũng bị mọi người lãng quên.
Tuy nhiên, chị cũng khẳng định sẽ không ép nếu con trai không muốn tiếp tục theo nghề và duy trì nhà may Nha. Hoặc giả như con trai chị muốn nối nghiệp, mà "không gìn giữ được nét truyền thống của áo dài, chỉ chăm chăm thay đổi thì cũng không nên. Vì công việc nào cũng có những vất vả riêng, phải đủ đam mê và cái tâm thì mới làm đến nơi đến chốn. Không thì chẳng khác gì tự mình phá hủy đi tất cả”.

Theo Thanh niên