Minh họa

Ghét thứ nhì là đã ốm mà còn mời ăn cháo. Thuở đi học có giai đoạn tôi ở trọ nhà bác ruột được hai năm, nhớ đời cái bận đau bụng phải cầu vái tới Berberin. Tôi nằm bẹp mất mấy ngày. Bác gái chăm sóc tôi tận tình, nấu cháo cho tôi ăn, mà lại là cháo muối loãng.

Lúc ốm mệt là khi đắng miệng khó ăn nhất trên đời, lại còn mời món ghét nhất thế giới. Tôi nói khéo, bảo thôi bác đừng phiền, cháu cứ ăn như mọi người cũng được rồi, mắc công bác nấu món khác. Bác kiên trì như dỗ tôi uống thuốc thánh.

- Chết chết, đau bụng thế sao ăn được thịt gà. Ăn cháo cho mau lành bệnh. Khó ăn à? Để bác cho thêm tí đường vào nhé.

Rồi vừa hào phóng rắc cho tôi ít đường bác vừa lẩm bẩm.

- Chiều cháu thôi chứ cho đường vào cũng không tốt tí nào. Đang cảm tả thì cháo muối loãng là tốt nhất.

Ôi! Bình thường cháo gà, cháo cá quả tôi cũng không coi đấy là thực phẩm, nữa là giờ phải ăn món cháo lờ lợ này. Nếu bạn muốn biết “cháo - chữa - đau - bụng” như thế nào thì cứ nấu cháo hoa rồi dặm thêm ít đường và muối hạt. Ăn ngọt ngọt mặn mặn rất kinh hồn. Một thế kỷ sau chắc tôi cũng không quên được nó.

Món ngon khó quên. Món kinh cũng khó phai nốt. Tôi nhớ mãi cảm giác mắt lén liếc đĩa thịt gà một cách khổ sở trong lúc đánh vật với bát cháo loãng.

Từ ấy tôi càng thêm ghét cháo.

Nhưng một ngày, thiện cảm với cháo bỗng quay trở lại nhờ Sài Gòn. Lần đầu tiên tôi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất là vừa tròn 19 tuổi. Mùa mưa năm ấy tôi đón nhận những cơn mưa rào tuyệt đẹp rơi vồn vã trên khúc đường rợp bóng Võ Văn Tần, Trần Quốc Thảo, rồi vòng về Lê Văn Sỹ.

Sài Gòn nhói tim tôi bằng những quán cà phê rộng lớn trong con ngõ vắng tanh toàn biệt thự và hoa giấy. Hà Nội tới lúc ấy chẳng có quán xá nào thênh thang và yên tĩnh và sang trọng đến nhường vậy. Sài Gòn mê mị tôi bằng chai Corona lúc nửa đêm trên vũ trường Gossip có những tay rocker hát Pink Floyd thần sầu.

Sài Gòn lưu luyến của những chiều đang rực nắng bỗng tối sầm vì mưa, và nước sẽ rỏ tí tách trên những viên cuội trắng trong sân một quán cà phê vườn ngoại ô, để người bản địa an ủi tôi bằng một ly bạc xỉu đá trong lúc chờ đợi: Đừng sốt ruột em, mưa Sài Gòn nhanh tạnh lắm, nửa tiếng nữa là lại nắng lên bây giờ. Và Sài Gòn hạ gục tôi bằng... cháo.

Trước cổng khách sạn Cựu Kim Sơn trên đường Lê Văn Sỹ có một gánh cháo vỉa hè. Mà chỉ chập tối mới mở hàng nhưng bán tận đêm khuya. Những đêm lang thang trên đường phố Sài Gòn rồi trở về khách sạn, bạn bè tôi hay tấp lại quán cháo ấy để lót dạ cho vùi bớt đám bia rượu đã vội cồn cào dạ dày. Chưa kịp từ chối thì một bát cháo đã tọt xuống trước mặt.

Dịch vụ của người Sài Gòn thì miễn chê, nhất là khoản nhanh gọn và thuận tiện, dù quán có đông nượp vỉa hè. Thực chán quá đi mất. Cháo đậu phụ trời ạ. Thuở tí teo tôi đã thấy bà Thường hàng xóm quẩy gánh rong đi rao khắp phố phường món cháo này. Cháo đậu xanh ăn với đậu phụ rim và cà pháo.

Ai cũng kêu món ấy mùa hè ăn mát ruột. Cha mẹ ơi, mùa hè nóng chảy mỡ, ngồi xì xụp bát cháo bốc hơi nghi ngút ấy mà mát nỗi gì. Có vừa ăn vừa vã mồ hôi ròng ròng.

Tôi cũng đang bê một bát cháo trắng với đậu phụ rim. Bỏ nguyên bát thì cũng ngại, ăn thì ghét. Nhưng mà này... thìa thứ nhất... thìa thứ hai... thứ ba... thứ... Nếu đã là cháo thì không thể ngon thế này được. Trước hết là thứ gạo để nấu cháo, thơm chẳng đâu bằng, nó có vị lúa đòng, vị lá dứa, vị tinh khiết, ngọt bùi của tấm gạo. Chắc hẳn bà chủ quán lựa loại gạo ngon nhất trên những cánh đồng phương Nam rồi.

Cháo nấu khéo nên dù ăn cháo trắng không thôi cũng đã thơm ngon, cả đậu phụ rim hành nữa. Cần phải nói thêm rằng mãi chục năm trở lại đây thì người Hà Nội mới lại được ăn đậu ngon, còn trước đấy, không hiểu sao đậu vừa chua vừa chuội, ăn bở mà bứ miệng, cứ như thể bã đậu. Bữa nào mà nhìn thấy đĩa đậu là biết hôm nay nhà tiết kiệm tiền nên ăn khổ. Khéo lắm mới tìm được hàng đậu Mơ.

Đậu sống mà cứ trắng tinh như thạch cao, ấy chắc cú là không ngon. Đậu phải màu ngà, mềm mà rạn nhẹ bề mặt, lúc rán vàng lên vỏ ngoài thì giòn, bên trong êm mịn cỡ gần bằng tàu phớ, béo ngậy vị đậu tương.

Cũng có thể đời sống lên cao, người ta đã phải ăn đậu thì là yêu cầu phải ngon, cũng như một thức đặc sản. Ăn ngon mặc đẹp, chứ chẳng thì ăn chắc mặc bền cho no cái bụng.

Có thể đậu phụ ở quán cháo vỉa hè cũng là loại tinh tuyển mà năm 1997 tôi hiếm thấy ở Hà Nội, rim lại vừa miệng nữa. Đậu ngấm nước mắm ngon thơm nức, được nêm chút đường gia giảm và tẩm hành hoa vẫn còn hơi tái.

Nhưng chưa hết, nhân cháo còn thêm mấy loại “topping” nữa, là chà bông, tép rim và cà pháo dầm. Người Sài Gòn tấp xe vỉa hè kêu chủ quán “Cho một tô nhiều chà bông!”. Người Hà Nội chũm chọe ngồi ghế đẩu náo nức tưởng món gì mà có tên gọi nên thơ thế, hóa ra là ruốc. Còn tép rang đích thị là tôm khô rim ngọt.

Riêng món cà pháo kiểu Sài Gòn lại rất hợp với cháo trắng, vì nó không chua mặn đơn sơ như người Bắc mà được ngâm thêm đường và ớt xay.

Tóm lại là húp bát cháo thơm nức mùi tấm gạo ấy, lại quyện với đậu rim bùi béo, tôm khô mặn mòi ngọt lịm, thi thoảng có nhánh chà bông đậm đà lạc vô miệng rồi cà pháo giòn tan cay xé lưỡi, những chua cay mặn ngọt khiến khách xì xụp vỉa hè đâm thăng hoa vì cháo, phởn chí vì cháo trong hiu hiu mát lạnh của một đêm Sài Gòn sau mưa.

Sau này về nhà thèm cháo đường Lê Văn Sỹ quá mà tôi cũng bắt chước chuẩn bị ngần ấy thức rồi tự nấu cháo, ăn cũng ngon nhưng vẫn đôi chút bứt rứt vì có điều chi chưa chuẩn. Cháo như dường hơi đặc mà lại kém thơm, chà bông cũng bớt... bông hơn thì phải, và nhất là cà pháo thì không sao bắt chước được.

Cà pháo kiểu Sài Gòn ăn với thứ gì cũng ngang, trừ món cháo này cứ như trời sinh một cặp.

Nhưng thiếu nhất, có lẽ là cái khúc đường Lê Văn Sỹ vắng tanh lúc nửa đêm mà heo heo gió lạnh, với tiếng bát khua lách cách và tiếng người ăn rì rầm chứ chẳng ồn ào. Giữa phòng ăn sáng choang ánh điện neon này, biết cách nao mà vay mượn được cái vỉa hè Sài Gòn?

Người Sài Gòn đều gọi cả tôm lẫn tép bằng tên chung là tép.

Theo Lao động