Nhưng người già họ có quá đầy đủ mỏi mệt trong cả cuộc đời tranh đấu cho con cái rồi, đừng để họ phải cô đơn trong “những năm tháng thu tàn” (*).

Các nhà khoa học xác nhận rằng trong não bộ có một khu vực được gọi là “vùng cô đơn” - chịu trách nhiệm cho trạng thái trầm cảm. Khi cô đơn, hormone stress cortisol sẽ tăng cao. Quá trình này sẽ đẩy nhanh huyết áp, nhưng đồng thời làm giảm lưu lượng máu tới các bộ phận quan trọng của cơ thể, và làm suy nhược hệ miễn dịch.

Vì vậy, cô đơn không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe của người già.

Trong khi đó, dường như càng lúc người trẻ chúng ta càng trở nên xa rời với người già. Những ông bà cha mẹ ở quê, lâu lâu mới được một lần con cháu về thăm, hoặc ông bà lặn lội khăn gói lên thành phố thăm con. Còn lại quanh năm suốt tháng là những ngày hiu quạnh. Ông bà cha mẹ ở thành phố, tưởng chừng hạnh phúc hơn vì ở chung nhà con cháu. Nhưng thực tế thì sao? Ở chung nhà nhưng phòng ai nấy ở, hàng ngày con cháu đi làm, đi học, tối về đóng kín cửa phòng, muốn hỏi han gì phải gọi điện. Xa mặt cách lòng, mà gần ngay đó sao tình cảm cũng xa xôi quá!

Người già hiện đại không hay hờn dỗi, mè nheo, trách cứ con cái. Người già hiện đại tự chủ cuộc sống của mình, không làm phiền người khác. Bạn sẽ không thấy cha mẹ mình nhờ vả hay yêu cầu con ở cạnh, con thăm hỏi, con bầu bạn chuyện trò... Bạn thấy họ rất tự tin trong cuộc sống: đi bộ buổi sáng, ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc, đọc sách, làm vườn... với thái độ ung dung. Nhưng bạn làm sao biết tận trong thâm tâm, họ cần có sự hiện diện của con cháu, người thân biết bao.

Bạn về quê, cha mẹ mừng rỡ tươi cười, xông xáo làm món này, mua món kia cho con cháu. Bạn có biết khi gia đình nhỏ của bạn lên xe về lại thành phố, căn nhà còn lại hai ông bà, trống trải, im ắng và quạnh quẽ biết bao nhiêu?

Buổi tối của đại gia đình bạn ở thành phố rôm rả tiếng nói cười, nhưng khi kết thúc bữa ăn, ai rút về phòng nấy, còn lại ông bà bơ vơ giữa phòng khách với cái ti vi bỗng trở nên vô duyên biết chừng nào?

Bạn có biết ông bà, cha mẹ mình nghĩ gì lúc đó không? Đó là nỗi cô đơn thầm lặng, ngấm ngầm thấm vào lòng, ngày này qua ngày nọ, tạo thành một mối trầm uất khó lòng giải tỏa.

Vậy thì những người con của cha mẹ già, những đứa cháu của ông bà, hãy dành thời gian nhiều hơn nữa bên cạnh người già thân thương của mình.

Bạn là con gái, con dâu thành phố, về quê vài bữa, chịu khó dậy sớm cùng mẹ quét tước sân nhà, hỏi han gà qué vườn tược, lắng nghe những chuyện vụn vặt vì bình thường mẹ mình đâu biết kể ai nghe.

Hãy cùng mẹ ngoắc tay trong tay đi chợ, bàn luận món này món nọ, về nhà nấu nướng và bày biện, nhân tiện học hỏi kinh nghiệm gia chánh của mẹ... Đó sẽ là những bữa cơm gia đình ấm áp nhất mà bạn tặng cho cha mẹ mình.

Bạn là con trai cưng, con rể quý, đừng cắm mặt vào điện thoại mỗi khi về nhà. Hãy đánh cùng một ván cờ, đi bộ vài vòng công viên, hay cùng “ông bô” đánh vật với mấy cái máy móc hỏng hóc trong gia đình. Những việc làm cùng nhau đó, là sự sẻ chia thân ái, tình cảm mà bất cứ người già nào cũng mong muốn.

Đừng để những người già thân thương của mình lầm lũi trong thế giới tĩnh lặng của họ. Hãy đến cạnh bên, một cái nắm tay, một cái ôm, và thật nhiều câu chuyện cùng nhau rủ rỉ mỗi ngày sẽ khiến vùng cô đơn trong tâm trí người già tan biến.

Sống thong thả, an nhiên và luôn được vui vẻ trong lòng sẽ khiến cơ thể mỗi người đẩy lùi bệnh tật. Rất nhiều công trình khoa học đã chứng minh điều đó.

Ai trong chúng ta lại không muốn ông bà cha mẹ mình luôn khỏe mạnh? Không cần một điều kiện vật chất xa hoa, không cần những món ngon vật lạ hay thuốc quý đắt tiền bồi bổ dành cho người già. Phương thuốc hữu hiệu nhất chỉ là sự hiện diện của chúng ta, cùng với một sự sẻ chia ân cần.

Đừng bao giờ để người già bên cạnh bạn cô đơn.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn