Các nhóm tụ tập ăn uống và trò chuyện của giới trẻ được chính phủ Hàn Quốc khuyến khích - BÍCH CHIÊU

Park Ki-woong (32 tuổi) rời Busan đến sống một mình ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã 12 năm và hiện đang phải gặp bác sĩ tâm lý mỗi tuần 1 lần để điều trị trầm cảm. “Cảm giác cô đơn xâm chiếm mình những lúc bất ngờ nhất. Chẳng hạn sau khi đi làm về, bật đèn lên và tôi chợt cảm thấy mình cô độc nhất trần đời”, tờ The Korea Herald dẫn lời Park chia sẻ. “Có nhiều lý do khiến tôi bị trầm cảm song tôi nghĩ mình sẽ đỡ hơn nếu có ai đó cùng trò chuyện”, anh nói thêm.

Nhân viên văn phòng này không phải là trường hợp cá biệt tại Hàn Quốc khi số liệu từ Cục Thống kê thuộc Bộ Tài chính cho thấy hiện gần 6 triệu hộ gia đình đơn thân, chiếm khoảng 30% tổng số hộ gia đình toàn quốc (riêng ở Busan là 34%). Nhà chức trách thậm chí dự báo con số này có thể tăng lên 36% vào năm 2045.

Tương tự, khảo sát của Hãng Hankook Research cho thấy 46% số người trưởng thành tại Hàn Quốc cảm thấy “thường xuyên” cô đơn. Theo các chuyên gia, áp lực công việc, gánh nặng tài chính gia tăng và nỗi lo về nuôi dạy con cái khiến nhiều thanh niên Hàn Quốc ngại hẹn hò và chọn sống một mình. Từng được xem là hiện tượng cá biệt nhưng hiện hình ảnh thanh niên lặng lẽ ngồi ăn tối một mình, chăm chú nhìn điện thoại đã trở nên quen thuộc.

Từ trải nghiệm sống đơn độc ở Seoul suốt 6 năm, cô Lee Ji-soo bắt đầu lên mạng tìm kiếm những thanh niên có cùng cảnh ngộ để lập nhóm tụ tập ăn uống và trò chuyện. Hiện Lee đang quản lý nhóm mang tên “Jingu’s Table” chuyên tổ chức các buổi ăn tối, giao lưu cho những người độc thân. Qua mạng xã hội, Lee tổ chức được các buổi gồm 10 - 12 người mỗi tháng để cùng nấu ăn, chia sẻ khó khăn và kết bạn. Hiện đây là mô hình kết nối rất được ưa chuộng tại Hàn Quốc và được các chuyên gia đánh giá cao. “Con người sinh ra là để tương tác xã hội nên những người sống cô đơn cần xã hội hỗ trợ”, Giáo sư tâm lý Kwak Keum-joo thuộc Đại học quốc gia Seoul nhận định với The Korea Herald.

Chính phủ cũng đang rất nỗ lực tìm nhiều biện pháp cải thiện tình trạng cô đơn ở giới trẻ và vừa thông báo dành ngân sách 300 triệu won cho các chương trình kết nối người độc thân trong năm tài chính 2019 - 2020. Trong đó, người trẻ sống một mình được khuyến khích tham gia các buổi làm quà lưu niệm, du lịch, thể thao, nấu nướng, khiêu vũ... Tại Busan, chính quyền thành phố lập bản đồ những khu vực có đông người sống một mình, đồng thời mở các trung tâm tư vấn để người dân đến trò chuyện với chuyên gia. Theo các quan chức địa phương, nhiều thành phố khác ở Hàn Quốc cũng đã bắt đầu quan tâm tìm hiểu mô hình này.

Tỷ lệ sinh thấp

Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc thuộc hàng thấp nhất thế giới, giảm mạnh xuống chỉ còn 0,95 con/phụ nữ vào cuối năm 2018, tờ South China Morning Post dẫn nguồn từ Cục Thống kê Hàn Quốc cho hay. Theo LHQ, để đảm bảo dân số phát triển ổn định, tỷ lệ trung bình của một quốc gia phải đạt mức 2,1 con/phụ nữ. Ngay từ năm 2014, quốc hội Hàn Quốc đã công bố nghiên cứu cảnh báo nước này có thể “đối diện sự tuyệt chủng” vào năm 2750 nếu tỷ lệ sinh ở mức 1,19. 

Theo thanhnien