Ông cố tóc bạc phơ, búi thành “củ tỏi” sau đầu. Dáng đi nhanh nhẹn, lúc nào trong túi cũng có cái ống ngoáy cùng mấy lát cau khô, mấy lá trầu xanh đã quét vôi và cục thuốc xỉa. Người ăn trầu lâu năm, thiếu trầu không được. Trầu cay nồng vậy mà gây mê lòng người.

Hồi nhỏ, mỗi lần ba dắt lại nhà cố chơi là tôi lại chạy ngay đến bàn ăn trầu của cố. Tôi mê tít với khay trầu, trèo vào lòng cố, lấy cái bình vôi, quậy. Mỗi lần như vậy cố cười, nói: “Con đừng đảo cái bình vôi của cố, vôi nó nồng lên, cố ăn trầu phỏng miệng, biết chưa!”. Cố vẫn nhẹ nhàng, điềm đạm như giọng nói của ông.

Tuy thích khay trầu của cố, nhưng mỗi lần ông ăn trầu là tôi sợ. Ông nhai trầu đỏ tươi cả miệng, nhổ ra nước trầu như máu. Tôi khóc, cố ôm tôi cười. Nhưng lúc đó miệng cố móm mém cười thật đẹp làm sao. Mãi đến sau này, cố đã đi xa, mỗi lần nằm mơ thấy cố, tôi vẫn thấy ông cười, nụ cười đỏ tươi màu trầu trên môi tuyệt đẹp.

Ông cố sống một đời bình thường như bao nông dân khác trong vùng. Ông làm tá điền mười mấy năm, nhịn ăn nhịn mặc mua khoán một dãy đất lau sậy ở rẻo đất hoang vu phía đuôi cồn. Từ bàn tay khối óc cùng cái dao cái cuốc, ông cố khai phá, mở mang nên một dãy đất cồn trù phú. Ông lại dang lưng, ở trần trùng trục, đổ mồ hôi trên cánh đồng châu thổ.

Người ta nhắc đến ông cố qua những ký ức về ông quây quần bên dãy đất ven sông; bên con trâu mỗi chiều nằm nhai rơm trong mẻ ung khói tỏa bốn bề trắng xóa; bên luống cày, cái phản, cái cuốc, cái dao; bên con cá rô lẫy đẫy vũng chân trâu, con cá linh về trong mùa nước nổi. Nhưng khung cảnh ấy sẽ thiếu vắng biết bao nếu kề bên ông cố không có miếng trầu và gói thuốc. Chi tiết nhỏ đơn sơ ấy là biết bao nỗi nhớ về ông, mà mỗi lần bất chợt gặp lại là tôi lại bùi ngùi như thấy khói đi ngang qua mắt.

Con đường đất từ lộ cái vào nhà cố xanh mát bởi hai hàng cau xanh, bóng nắng trải đầy lối đi như đang rộ nở. Con đường ấy đã nhiều năm tôi không đến nữa từ ngày cố mất. Có nhiều lý do để người ta không trở lại một con đường. Đôi khi vắng đi một con đường này vì trong lòng đã mở ra nhiều con đường khác. Mấy năm rời quê lên phố học, thỉnh thoảng tôi có về quê. Nhưng con đường đất sình lầy làm tôi ái ngại. Nơi đó cố không còn ngồi bên bàn ăn trầu. Nơi đó cố không còn hiện diện. Ý nghĩa về ngôi nhà có hàng cau rợp bóng dần dần mờ đi, đôi lúc tưởng chừng khuất lấp vào thăm thẳm lá vàng rơi. Tôi cứ nghĩ cố đã về trời. Và con đường xưa rợp hàng cau dần dần chạy xa vào tiềm thức.

Người ta mở rộng con đường đất, láng nhựa thẳng tắp từ lộ cái đến vàm sông. Con đường mới đi ngang nhà cố. Tôi chạy xe bon bon từ thành phố về quê, đi một mạch vào nhà cố mà thấy như mình đi lạc. Tuổi thơ của tôi đã trôi nơi đâu hay tôi đi lạc vào một con đường nào khác. Nỗi hoang mang khi đi lạc giữa quê mình làm tôi thổn thức. Ký ức chỉ còn sót hình ảnh ông cố ngồi ăn trầu ở mờ xa, phía đó có ngôi nhà cổ nằm nép sau hàng cau giờ thông thoáng hơn, sáng hơn, vì hàng cau đã bị đốn mất, chừa lại một khoảng sân đầy nắng.

Ngôi nhà của cố còn sót lại hai cây cau, nhưng là cau kiểng, ra trái đỏ tươi. Hai cây cau được trồng kề nhà, phía trước là khoảng sân rộng trồng nhiều cây kiểng. Chú tôi nói, bây giờ ở xóm mình không còn ai ăn trầu nữa. Chú hồi xưa ở với cố có tập ăn, nhưng giờ thấy cũng bất tiện nên không còn ăn nữa. Hàng cau sau ngày cố mất đã bị đốn đi để xây đường. Chú trồng lại hai cây cau kiểng để nhớ cố, để cho cố có về nhà thì nhìn cây cau mà biết. Nhưng thím tôi nói, có những lúc chú nằm nhìn cây cau mà ứa nước mắt, hỏi vì sao, chú nói chú nhớ cố quá chừng.

Ngày giỗ cố mọi người tụ về đông. Đám được bày biện nhiều món ngon Tây Tàu đủ loại. Có ông anh từ xa đem về cúng cố gói xì gà hút cho thơm miệng, hay ông chú từ Pháp về cúng cố chai rượu Napoléon... Lúc đó tôi thấy mình lạc lõng trong ngôi nhà của cố. Thấy nhớ cố vô cùng, nhưng nỗi nhớ mông lung không biết tựa vào đâu, bám víu vào đâu một hình ảnh để thời gian đừng cuốn trôi đi, lạc mất.

Ông chú tên Tèo, người giữ rẫy bắp cho cố, giờ già lụm cụm, cầm giỏ đệm, đem theo một dĩa trầu, cau và cục thuốc xỉa: “Mấy món này tao gửi để bàn thờ cúng ông”. Ông chú nhắc, “ông cố mày hồi xưa có thể nhịn ăn đi ruộng, nhưng không thể nhịn trầu được. Đám giỗ mà thiếu trầu thì ổng buồn”. Tự dưng tôi ứa nước mắt, đúng rồi, trầu. Là cái món nồng cay ấy, món mà cố suốt đời mang theo, người dân quê suốt đời gắn bó ấy, giản dị mà thanh cao, đơn sơ mà đượm nồng tình nghĩa.

Tôi nói với chú, hay là mình trồng lại một hàng cau. Chú nhìn tôi ưng bụng. Mùa mưa sắp đến, cau mọc lên xanh. Những đứa cháu xa quê mỗi lần trở về nhìn hàng cau mà nhớ nơi đó còn có ngôi nhà tổ của mình. Sẽ có đứa khoe với bạn, nhà cố tao có trồng hàng cau đậm chất quê hương.

Và cau - sợi dây mỏng manh còn sót lại dẫn tôi nhớ về một miền cố thổ, nơi đó có ông cố, ngôi nhà tổ và những năm tháng tuổi thơ xanh mát bóng hàng cau... 

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn