Lối vào làng Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) luôn đỏ rực màu chân hương (nhang). Đây là làng nghề tăm hương có truyền thống cả trăm năm nay ở Hà Nội, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn bán ra nước ngoài như: Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia…

Nhanh tay chẻ từng thanh vầu (nguyên liệu làm tăm hương), anh Hà ở thôn Phú Lương Thượng nói: "5 năm trở lại đây, số hộ đầu tư mua máy chẻ tự động, rồi thu mua vầu sơ chế về làm tăm hương trên địa bàn đã lên tới hàng trăm". Những người không có điều kiện đầu tư máy móc sản xuất thì làm công khoán; sơ chế thô một tấn vầu nguyên liệu được trả 200.000 đồng. "Nếu chăm chỉ, mỗi ngày một lao động có thể bổ được từ 700 đến 800 kg vầu", anh Hà nói.


Ngoài tăm hương chẻ bằng máy, làng Quảng Phú Cầu còn làm sản phẩm cao cấp từ thanh tre tươi nạo vỏ và chẻ bằng tay.

Anh Cầu là số ít người trong trong làng theo nghề chẻ tăm hương bằng tay. "Thu nhập không cao lắm nhưng việc đều do khách hàng vẫn có nhu cầu", anh nói.


Một người thợ đang thực hiện công đoạn chọn và lắc tăm hương để chọn ra những que tăm đẹp nhất. Trước khi chẻ, tăm hương thường được ngâm khoảng hai tháng để tránh bị mọt.

Tăm tre được nhộm màu trước khi đem đi phơi.

Một người thợ đang phơi tăm hương dưới trời nắng. Lao động theo nghề này có thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng. Những người thợ có kinh nghiệm nhuộm, sấy hương và pha tẩm bột thì lương cao hơn, từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi tháng một cơ sở sản xuất ở làng Quảng Phú Cầu thu mua gần 200 tấn nguyên liệu và xuất đi khoảng 50 tấn hương, tăm hương thành phẩm.

Một người thợ đang sử dụng máy để vê bột hương vào tăm. Trước đây công đoạn này làm bằng tay song gần đây các cơ sở đều đầu tư máy vê để làm nhanh hơn.

Tại nhà ông Nguyễn Hữu Long (thôn Cầu Bầu), tranh thủ trời nắng, công nhân nhanh tay phơi hương để kịp chuyển hàng đi Hà Nội.

Theo thoidai