Mỗi lần đi ngang qua khu chợ ấy, nhìn những người đàn bà đầu đội nón lá, khuôn mặt thoáng vẻ nhọc nhằn, quảy gánh hàng rong đi lững thững trong cái nắng nóng gay gắt của buổi trưa phố thị, tôi lại nhớ về má một thời còng lưng với gánh đời cơ cực qua những ngày nắng rám da hay những khi tiết trời lạnh lẽo…

Má tôi có thói quen thức dậy thật sớm dẫu đêm về má là người ngủ muộn nhất nhà. Trời còn tối mịt, dãy trọ lặng im, đèn đường chưa tắt rọi ánh sáng cho những cụ già rủ nhau tập thể dục ngoài công viên hay uống cà phê trong quán cóc bên kia đường, má lui cui gom mớ thúng rổ xâu lại cho gọn, đợi lúc tôi đi học thì má quá giang, tới chợ má xuống chọn một góc nào đó bày hàng đồ nan ra bán. Sương còn giăng mắc trên những ngôi nhà cao tầng, lạnh se sắt. Không biết người ta đã đi chợ từ bao giờ mà lúc má con tôi đến chợ đã đông người, tiếng cười nói xôn xao, tôi ngồi trên xe nhìn má tôi ôm thúng rổ bước vào trong chợ đon đả mời hàng.

Không yên tâm, má ngoái lại nhìn tôi rồi nói: “Đi học đi, trưa về ghé ngang qua chợ cho má quá giang về, nghen con”. Mấy lần tôi cằn nhằn: “Xe này má mua cho con, má con chứ xa lạ gì đâu mà… quá giang miết”. Má cười, sợ tôi bận, sợ tôi còn buồn ngủ má không nỡ đánh thức nên có những ngày má mang mớ đồ nan lội bộ một mình ra chợ, gió thổi lồng lộng, má khoác chiếc áo phong phanh, gió lùa lạnh má. Thương hết biết!

Ngày tôi lên đại học, má không yên tâm để tôi rời quê một mình. Má hứa chừng nào chuyện ruộng vườn ổn ổn má lên thành phố thăm tôi. Căn bệnh đột ngột ập đến với bà tôi. Bà mất, nhà khốn khó, má với ba dắt nhau lên thành phố ở với tôi bởi má nghe người ta nói ở thành phố dễ kiếm ra tiền hơn là ở quê, quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà vẫn khổ nghèo, cơ cực. Má nuôi tôi bằng nghề đan đát, cái thúng, cái rổ đã nuôi lớn tôi cả thể xác lẫn tâm hồn.

Nhiều lần tôi ngây ngô trách má: “Sao hồi đó má không chịu đi học, má mà đi học chắc bây giờ má không khổ sở với cái thúng, cái rổ như vầy đâu”. Má cười: “Hồi xưa nghèo, cơm không có ăn, tiền đâu mà đi học hả con. Cái thúng, cái rổ nhìn đơn giản vậy chứ nuôi đời má, đời con, mình phải biết ơn”. Nghe má nói, tôi xịu mặt. Ừ, đôi khi tôi vô tâm quá, tôi chạy theo bạn bè mải miết chơi đùa mà quên mất má ngóng chờ trước cửa nhà mỗi khi hoàng hôn buông xuống.

Lên thành phố, má tôi tiếp tục công việc làm đồ nan trong chính căn phòng trọ tòm tèm của mình. Phòng trọ cuối hẻm, tháng bảy trăm ngàn, không gian của tôi ở trên gác xép, không gian của má ở bên dưới. Ban ngày má gom gối mền lại một góc, dành chỗ cho việc đan đát, đêm má mới trải chiếu, giăng mùng rồi ngủ trong những lo toan bề bộn. Đôi lần đi ngoài đường, nhìn thấy những người phụ nữ trạc tuổi má tôi chưng diện sang trọng, ngồi xe tay ga, xe đời mới, đi siêu thị mua sắm, đi làm đẹp níu giữ thanh xuân, còn má tôi... Nghĩ đến đó, nước mắt tôi lại ứa ra.

Tôi không ngại ngần khi chúng tôi nghèo khó, tôi chỉ thương má đến tuổi này vẫn chưa một ngày quẳng gánh lo toan ra khỏi cuộc đời để nhẹ nhàng hơn. Tôi thương má, tôi càng tự hào về má, về công việc bình dị má làm. Mưu sinh mà! Má bảo vậy. Ôi, gánh mưu sinh sao nặng nề và lam lũ quá. Gánh mưu sinh chôn vùi thanh xuân rực rỡ của má tôi, để lại trên khuôn mặt má cái rám nắng, những nếp nhăn và mái tóc lưa thưa vài sợi bạc. Hôm trước ngồi nhìn má đan rổ, thấy tóc má điểm bạc, tôi hốt hoảng nhận ra thời gian trôi đi nhanh như chớp mắt…

Thời gian chạy qua tóc mẹ
Một màu trắng đến nôn nao
Lưng mẹ cứ dần còng xuống
Cho con ngày một thêm cao…

 Tôi cứ nhớ những buổi chợ năm xưa, một tay má xách thúng rổ, một tay má dắt tôi đi vào trong chợ, má rao: “Ai mua thúng, rổ, đồ nan thủ công hôn… n… n….”. Chợ đông người, có người thương mua tiếp má cái rổ, có người bĩu môi: “Đồ này sao xài được, xài đồ nhựa tốt hơn”. Đời mua gánh bán bưng, chúng tôi nghe không ít những lời dèm pha, chê bai từ người khác. Má im lặng, mắt má thoáng buồn. Giá mà người ta hiểu được nỗi lòng người mưu sinh, vì miếng cơm manh áo nên gạt bỏ cả lòng tự trọng. Má dạy tôi phải ngẩng cao đầu, còn má lầm lũi lặng thầm để tôi khôn lớn.

Những buổi chợ gắn liền với bóng hình thân thuộc của má tôi. Mỗi lần đi ngang qua chợ, như một thói quen, tôi ngoái nhìn kiếm tìm bóng hình của người suốt một đời tôi yêu thương, trân quý. Tôi tự hào vì mình được lớn lên bên người má bao dung nhân hậu, che chở và cưu mang tôi qua những chặng đường đời…./.

Hoàng Khánh Duy

Theo Báo Cà Mau