Người Lô Lô sinh sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn có văn hóa đậm đà bản sắc. Nguồn ảnh: Ban tôn giáo Chính phủ

Các lễ hội hóa trang được tổ chức tại rất nhiều các quốc gia trên thế giới và được coi là ngày hội lớn của các một đất nước hay một địa phương. Tại Việt Nam, đồng bào dân tộc Lô Lô cũng có một ngày hội “hóa trang” của riêng mình diễn ra vào ngày 14/7 âm lịch hàng năm. Đây là ngày các dòng họ của dân tộc Lô Lô tổ chức cúng tổ tiên, nhớ ơn người đã khai sinh ra dòng họ mình.

Cộng đồng người Lô Lô có 3 nhóm Lô Lô hoa cư trú tại các xã của huyện Mèo Vạc và xã Lũng Táo, Sủng Là của huyện Đồng Văn, Hà Giang. Nhóm Lô Lô đỏ tập trung ở xã Lũng Cú của huyện Đồng Văn và các huyện Mèo Vạc, Yên Minh, Hà Giang. Còn tại các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Cao Bằng là nơi người Lô Lô đen sinh sống.

Người Lô Lô tin rằng con người có hai phần là thể xác và linh hồn. Phần thể xác là cuộc sống nơi trần gian và mang tính tạm thời; ngược lại phần hồn mới thuộc cõi vĩnh hằng. Người thân sau khi chết sẽ thuộc về thế giới khác và có thể tác động đến đời sống vật chất, tinh thần của con cháu trên trần gian. Vì vậy hàng năm con cháu và những người thân thuộc thường tổ chức lễ cúng tổ tiên để tưởng nhớ những người đã khuất và để bày tỏ tấm lòng thành kính tổ tiên của con cháu. Ông Lò Giàng Páo, người Lô Lô ở thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, Hà Giang, cho biết: "Từng dòng họ quy lại, có một ông tổ của người Lô Lô là ông Lố và bà Lố. Hai ông bà này đẻ ra rất nhiều chi, lúc đầu chỉ có một dòng thôi sau là rất nhiều chi, từng chi một sẽ tỏa ra thành rất nhiều dòng họ nữa. Có một trận dịch rồi nạn hồng thủy ông ấy sinh ra toàn bộ khu vực này, ông mới gọi mọi người đến đây để sinh sống và người ta coi ông ấy là tổ tiên. Có ông ấy mới có mình, có chúng ta hiện nay. Chính vì thế mà chọn ngày đó để thờ cúng tổ tiên thôi."

Lễ cúng được tiến hành vào ngày 14/7 hàng năm do trưởng họ chủ trì. Nơi diễn ra lễ cúng là khu mộ tổ của dòng họ. Tại Mèo Vạc thường là trong rừng sâu còn ở Bảo Lạc lại nơi thửa ruộng.

Ông Lò Giàng Páo cho biết thêm: "Cách thức tổ chức thì theo cái ý của đồng bào là phải dạm, tức là ngày kia mà làm thì tối nay cúng để báo thức, báo hiệu tổ tiên xin phép. 3 ngày đó người ta cúng ở khu đó, cúng sơ khai thôi. Địa điểm ba nơi. Dòng họ này đến trước thì ta cúng ở khu đất này, sau đó dòng họ thứ hai đến khu vực cây gạo chẳng hạn và dòng họ thứ ba ở trên cái đồi. Bước đầu ta cúng để cho thông báo ngày này sẽ cúng toàn bộ tổ tiên của người Lô Lô. Từng dòng họ cúng một. Những dòng họ nhỏ thì người ta bỏ qua, sẽ vào ngày chính thức. Họ lớn là dòng họ đến đầu tiên như họ Cáng ở Mèo Vạc, sau đó đến họ Thàng, sau đó là họ Lò. Sau đó đến 14/7 bắt đầu người ta cúng ở nơi dòng họ đến đầu tiên quy tụ ở đấy. Ở Hà Giang cúng ở khu rừng gọi là rừng cấm, rừng tổ tiên".

Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô là nhảy múa với trang phục người rừng, không còn những trang phục rực rỡ sắc màu. Những nam thanh niên khỏe mạnh buộc chi chít những loại cỏ cây hoa lá trong rừng như lá tre, lá măng, lá ngô… chỉ để hở hai con mắt. Họ sẽ nhảy liên tục 36 điệu múa như điệu múa gọi hồn, múa cuốc nương, tỉa bắp, múa trở về nguồn cội, đội cơm lên đầu… cho đến khi lễ cúng tổ tiên kết thúc. Những điệu múa lúc dồn dập, lúc nhanh, lúc chậm thể hiện sinh động cuộc sống xa xưa của người Lô Lô.

Nhóm múa nam phải hóa trang thành người rừng trước khi nghi lễ bắt đầu. Ảnh: Hoàng Minh

Người Lô Lô tin rằng nguồn cội của tổ tiên khi xưa ở trên rừng, lấy cây cỏ làm quần áo, nên ngày nay khi làm lễ, muốn tổ tiên về dự thì phải có ma cỏ dẫn đường. Ông Lò Giàng Páo cho biết: "Người ta phải giả đóng như người nguyên thủy. Người ta quan niệm bố trời, mẹ trời gặp nhau, để lại một giọt nước. Giọt nước biến thành hòn đá, trong đó sau này có loài khỉ ra đời từ cái hang đó và dần dần tỏa đi khắp nơi trở thành loài người hiện nay. Người Lô Lô có cái quan niệm đó."

Cùng hòa nhịp với các điệu múa là tiếng trống đồng thúc giục, tiếng đàn nhị, tiếng kèn, tiếng thanh la khi dồn dập, khi chậm chạp, thanh cảnh như miêu tả đôi chân của đoàn người bước đi trên con đường quanh co, hiểm trở. Những động tác lao động khỏe khoắn, hay những cảnh sinh hoạt đời thường như lễ hội, đám cưới, làm nhà, làm cửa… đều được tái hiện một cách rõ nét qua các điệu múa. "Vừa cúng vừa múa, đệm tiết tấu trống đồng, nhị, kèn, thanh la. Cả khu rừng đó nó âm vang, mấy bộ trống đồng nó làm náo loạn cả khu vực đó, dồn dập. Trước đây, trống đồng càng nhiều, càng tốt. Trong làng mỗi một dòng họ một bộ, vì mỗi một cách gõ, cách thể hiện mỗi một dòng họ nó có một cách riêng. Quy trình con người sinh ra, lớn lên, làm người, xây dựng vợ chồng, sản xuất, sinh sôi, nảy nở, làm nhà, làm cửa và cuộc đời kết thúc. Tức là về với thế giới bên kia. Làm tròn hết bổn phận trên trần gian rồi, sang bên kia lại làm lại cuộc đời khác".

Phần lễ kết thúc đến phần hội dòng họ hòa mình trong đoàn múa mừng cho lễ cúng thành công. Cả già, trẻ, trai, gái ngày hôm ấy đều ngồi ăn chung mâm cỗ cúng tổ tiên để thụ lộc, hứng khởi đón một năm mưa thuận, gió hòa. Dù đi dâu về đâu, thì ngày 14/7 âm lịch hàng năm bà con Lô Lô vẫn trở về quê hương tụ hội dòng tộc, thắp một nén hương tỏ lòng thành kính tổ tiên. Đó không chỉ là một ngày hội, mà còn là một nghi lễ tâm linh răn dạy con cháu Lô Lô làm người. Với ý nghĩa đó, lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô cùng nghi lễ múa hóa trang độc đáo đã được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2012.

Theo Quê Hương