Thịt heo ngâm nước mắm quấn rau và bánh tráng là món ăn luôn có trên mâm cơm ngày Tết của gia đình tôi hơn hai mươi năm qua - Ảnh: SA CHANG

Bữa giữa Chạp, má tặc lưỡi: "Răng lâu Tết kinh ri hè". Chị em tôi giựt mình, chu choa, chừ má trông Tết luôn tề. Nghe sắp con quở, má móm mém cười: "Tại Tết được thấy tụi con lâu".

Có vậy mà tụi tôi không đứa nào nghĩ tới. Hóa ra mình đã đi qua ấu dại lâu rồi, những buổi ngày xưa lẽo đẽo theo má lên chợ huyện sáng 30 Tết giờ chỉ còn trong kí ức. Má thì giữ hoài trông mong con trẻ, dù tụi tôi vẫn ở đây trong ngôi nhà có hàng cây lá gai xanh mát trước ngõ.

Biết còn có ba má kề bên là hạnh phúc nhất rồi

Là những đứa con tha hương, dẫu Tết phương Nam có rộn ràng bao nhiêu, thì riêng với gia đình tôi, những ngày này vẫn ít nhiều khoảng lặng bùi ngùi, những câu hỏi bỏ lửng kiểu hỏi chỉ để hỏi thôi: "Chừ ngoài mình răng hè", "Chu, nhà nội chắc đông hung", "Không biết dì Hai qua ngoại chưa", "Chú Sáu gói nem rồi chớ chi nữa".

Thời nhà tôi mới rời làng đi, tức 21 năm trước, điện thoại đâu có xịn xò như giờ để gọi video. Mà, kì thực, tới cái "cùi bắp" cũng chưa thể sắm. Tôi nhớ năm đó còn viết thư tay, phải cả tuần mới nhận được.

Về sau này, sáng mồng Một nào ba tôi cũng bấm điện thoại liên tù tì tới trưa, ông hỏi thăm nội, ngoại, cậu, dì, cô bác, chú thím rồi tới bác Bốn hàng xóm, bác Bảy ngày xưa hay giúp đỡ nhà mình, ông Năm chèo đò thường đổi cá lấy gạo mỗi chiều ngoài bến sông.

Cứ như vậy, lặp đi lặp lại cho tới nay, chỉ khác là Tết con trâu này, ba tôi đã yếu nhiều, ông ngồi tựa lưng vô tường, không còn xăng xái đi quanh nhà nói cười rổn rảng hoặc chỉa camera điện thoại từng ngóc ngách, khoe chậu vạn thọ vàng ươm, mào gà đỏ thắm, chục đòn bánh tét, rổ bánh ít lá gai, mấy ổ bánh tổ để dành ra Giêng, hũ thịt heo ngâm nước mắm xâm xấp.

Và, nhất thiết, luôn luôn có chùm nem treo lủng lẳng trên bếp lửa: "Nhà mình ăn Tết ri đây", "Cũng ráng cho mấy đứa có cái ni cái tê ăn chơi".

Tết năm nào nhà tôi cũng có một chùm nem treo trên bếp lửa - Ảnh: SA CHANG

Ba nói "ráng" là vì không phải năm nào nhà tôi cũng dư dả, thảnh thơi cho một cái Tết tràn đầy. Vô miền Nam, sống với nghề tráng bánh tráng mè, có năm, sáng mồng Một vẫn cắm mặt trong lò lửa để kịp giao bánh buổi chiều, "tới thở còn phải nhịn nữa là ăn với chơi", chữ của chị tôi.

Một, hai năm đầu, tụi tôi bí xị mặt mày, bởi đã quen buổi chợ đông, quen mồng Một thăm nội, thăm ngoại, quen được lì xì có tiền mua bong bóng bay chơi, đùng cái, cuộc mưu sinh đất khách ập vô mình nặng trĩu. Làm miết thì quen, những xưa cũ cất trong nếp nhớ, biết còn có ba má kề bên là hạnh phúc nhất rồi.

Dù khó khăn, thiếu thốn mấy, hễ ngày cuối Chạp, thể nào ba cũng dặn má mua cân thịt nạc đùi để gói nem, còn má thì không quên món thịt heo ngâm nước mắm mà chị em tôi rất mê.

Mấy đứa chịu cực xí, ba má làm cái ni hỉ


Ba má lo Tết, nghĩa là chị Hai trở thành "nữ tướng" chỉ huy lò lửa tráng bánh tráng, cả mì Quảng chấn thành sợi nữa, tôi và thằng út đầu trần chân đất tất tả khiêng vỉ bánh tráng ra nắng phơi, canh me chờ tụi hắn khô là gỡ bưng vô liền, nếu không gió bay bể hết. Những cái Tết học trò của tụi tôi nguyên si vậy, không năm nào đổi khác.

"Mấy đứa chịu cực xí, ba má làm cái ni hỉ", sau câu nói đó, ba lại ngồi tỉ mẩn cắt thịt, tước lá chuối gói mấy chục chiếc nem sâu thành chùm treo lủng lẳng trên bếp, má đo từng lóng tay nước mắm để ngâm thịt heo cho "mấy đứa quấn bánh tráng ăn đã đời".

Nem ba gói từ những lát thịt mỏng, đã ướp kỹ với tiêu, tỏi, bột ngọt, ít muối, bọc trong lá liễu (năm nào không kiếm được thì ba dùng lá chanh) và hai lớp lá chuối, thành hình vuông vứt, sâu chùm treo bếp làm nên cuộc hẹn hò với từng đụn khói nhảy loi choi vui mắt.

Nem muốn ăn phải nướng than hoặc vùi trong tro nóng, thịt màu hồng đào, chua chua, cay cay mặn mòi, dậy mùi. Đó là sự hòa quyện của lá liễu, lá chanh thơm dịu, hạt tiêu nồng nồng và tỏi hăng hăng.

Vốn dĩ nem nướng được bà con làng tôi xưa gói làm quà mời khách tới chúc Tết, nhất là cánh đàn ông ngồi lai rai bên xị rượu trắng.

Từ ngày rời làng, ba tôi giữ nếp cũ, phần vì các con thích, phần vì chính ông nữa. Nem như hồn cốt quê nhà. Thấy chùm nem trên bếp lửa ngày Tết là như thấy quê hương mình đó, vẫn ấm áp và nồng đượm nhớ thương.

Nem của ba - Ảnh: SA CHANG

Thịt ngâm mắm là bà ngoại dạy má làm, ươm màu vàng nâu mỡ màng, phần nạc săn chắc, lớp da mềm, còn mỡ thì giòn tan chứ không béo ngấy dễ gây ngán. Thịt này ăn với bánh tét hay cơm đều ngon, nhưng, chị em tôi mê quấn bánh tráng kèm rau sống hơn.

Bánh tráng mè nướng vàng nhúng nước cho dịu để quấn. Rau sống thì của nhà, bàn tay má tự trồng hết, từ dấp cá, cải con, xà lách, rau thơm, hành ngò, ớt tới bắp chuối, giá.

Những ngày xưa, tôi hay ngồi chổm chổm coi má luộc từng khoanh thịt, canh nước mắm và đường. Sau này bận gỡ bánh tráng thì cũng dáo dác tay làm, mắt ngó cho bằng được.

21 năm tha hương, Tết nhà tôi vẫn vậy

Vẫn những cuối Chạp khấm khá thì nhiều thịt nhiều nem, mà chật vật chí ít cũng có vài khoanh thịt, chục chiếc nem trên bếp nhỏ luôn đỏ lửa. Sáng mồng Một lên chùa thiệt sớm, thời gian còn lại dành cho những cuộc gọi đường dài, những câu hỏi bỏ lửng kiểu hỏi chỉ để hỏi vậy thôi.

Vốn dĩ, chị em tôi đã "ủ mưu" tặng ba má món quà bất ngờ là cả nhà làm chuyến về quê đón Tết cùng bà con, họ hàng sau đúng 21 năm, nhưng "với Cô Vy, chỉ có âm tính là nhứt, còn lại tính chi cũng trật lất", anh bạn tôi đùa vậy.

Nghe tếu, nhưng thật và buồn. Mấy đêm cuối Chạp trời trở lạnh, ba má phải khoác thêm áo ấm, mũ len dày. Cũng vì dịch COVID-19, trường học đóng cửa sớm, chị Hai ở nhà loanh quanh phụ lo Tết, hình như có càm ràm ba má làm chi cực, chừ mệt rồi phải nghỉ ngơi chớ, tụi con ăn nhiêu đâu.

Má thủng thẳng khoác tay: "Bậy nề con, Tết mà không có mấy món ni răng được". Chiều 30 Tết, ba hỏi: "Chớ mình nộp tiền điện thoại đầy chưa hè?". Út nghe, gật đầu lia lịa, báo tiền đã nạp đầy rồi, ba cứ gọi về quê thoải mái không sợ bị cúp giữa chừng mô.

Vượt lên những âu lo thường trực trong năm vừa qua, những hoang mang tuổi tác và sức khỏe, với ba má tôi, Tết vẫn là dịp đáng đợi mong, bởi "được thấy các con lâu", thỏa thích nói, làm và kể chuyện quê, những chuyện đã cũ, đã qua mấy mươi năm vẫn còn nguyên thiết tha.

Theo tuoitre