Làng Thổ Hà ngày lễ hội nhìn từ ngoài sông Cầu


Bia "Thủy tạo đình miếu bi" dựng năm Chính Hòa 13 (1692) ở Văn chỉ khẳng định: “Địa hình sơn thủy của xã Thổ Hà ở phía đông có rồng xanh uốn lượn quay đầu nhìn về chốn tổ, ở phía tây tựa hình hổ trắng phục chầu tông miếu, ở phía nam thì đỉnh Hằng, non nguyệt ghi rõ trong sách trời còn phía bắc thì đống Lát gò Nộn chung đúc khí thiêng của đất”. Nơi ấy “gió mát sinh bậc kì anh, hạng nhân tài, người tuấn tú, văn võ tự khoa giáp gây thành, tướng trưng đỏ tía đầy triều, bạn công thương chất hàng tại chợ thành gò đống, nhân dân nhà nào cũng có lò gốm nung thành dụng cụ”.(1)

Nghề gốm ở Thổ Hà xuất hiện vào khoảng cuối thế kỉ XIV và phát triển liên tục nhiều thế kỉ sau đó. Thổ Hà trở thành một trong số ít làng gốm nổi tiếng của vùng Kinh Bắc thuở xưa. Theo nhiều nghiên cứu thì lớp di dân đầu tiên định cư ở đây chính là lớp di dân mang nghề gốm đến làng này. Thời điểm họ bắt đầu khai nghề mở nghiệp cũng chính là thời điểm hình thành cơ cấu làng Thổ Hà (2). Dựa vào tấm bia ở chùa Đoan Minh có niên đại sớm nhất ở làng thì muộn nhất, vào nửa cuối thế kỉ XVI làng Thổ Hà đã khá ổn định với tư cách là một đơn vi hành chính cấp xã. Nghề gốm của làng đã bắt đầu phát đạt.

Cổng làng Thổ Hà ngày nay

Những dầu tích về làng gốm ở Thổ Hà hiện nay không nhiều, nhưng vẫn còn thấy qua những công trình kiến trúc làm bằng vật liệu gốm trong làng. Theo người dân địa phương, xưa kia vì nghề gốm phát triển, lại là làng ven sông, làng thường hay có trộm, cướp từ nơi khác đến hoành hành. Ngoài việc tổ chức các đội tuần đinh để bảo vệ làng, thì Thổ Hà chủ trương làm những con ngõ rất nhỏ, dài, chỉ để 2 người tránh nhau. Mỗi khi có trộm, cướp, việc phòng thủ, truy bắt dễ dàng.

Đình Thổ Hà trong  thế kỉ 21


Khi nghề gốm phát triển, Thổ Hà có nhiều điều kiện để tổ chức quy hoạch làng và xây dựng những công trình tâm linh, công trình sinh hoạt cộng đồng được bề thế, có giá trị nghệ thuật cao. Đình, chùa làng Thổ Hà ra đời vào nửa cuối thế kỉ XVI, được trùng tu vào cuối thế kỉ XVII là một minh chứng. Nó khẳng định những giá trị văn hóa Thổ Hà được phát triển trên nền tảng một nền kinh tế ổn định và thịnh vượng.

Những trầm tích văn hóa Thổ Hà được vua Tự Đức (triều Nguyễn) công nhận, ban cho biển ngạch Mĩ tự khả phong. Hiện bức biển ngạch này vẫn được treo trang trọng trong đình làng.

Bò thui và lợn quay dâng lên thành hoàng trong lễ hội năm Mậu Tuất 2018 

Đình Thổ Hà thờ Thân Cảnh Phúc, là Tướng nhà Lý, có công lớn trong kháng chiến chống quân Tống, dân tộc Tày, tù trưởng châu Quang Lang (Châu Ôn - Lạng Sơn), được vua Lý gả công chúa và phong chức tri châu. Lễ hội đình Thổ Hà được tổ chức vào 19 đến 21 tháng giêng hàng năm. Lễ hội ở Thổ Hà ngoài việc rước kiệu, đấu cờ, đánh vật, chọi gà giống như nhiều lễ hội khác thì nét độc đáo ở đây chính là ở lễ vật. Lễ vật đặc sắc dâng cúng là: Bò thui, Lợn quay, Gà trống.

Từ khoảng những năm 1960  của thế kỉ XX, làng Thổ Hà chuyển dần sang làm nghề chế biến bánh đa nem và mì gạo. Nghề này đã giúp người dân ổn định đời sống và có thu nhập đều đặn hơn nửa thế kỉ nay.  Người ta thường mang bánh đa mì gạo phơi vào buổi sáng, khi mặt trời vừa lên và thu dọn vào lúc mặt trời đứng bóng. Vì cần giữ cho bánh không khô quá, nhưng cũng không được ẩm quả. Những con ngõ nhỏ của Thổ Hà trở thành một nơi phơi bánh thuận tiện. Cũng từ đó, con ngõ nhỏ của Thổ Hà đẹp như một bài thơ bởi những phên bánh xếp ngang dọc

Mang trong mình những trầm tích văn hóa, Thổ Hà trở thành điểm du lịch nghiên cứu-khám phá hấp dẫn cho khách du lịch trong nước  và quốc tế. Ai đến đây cũng không khỏi ngạc nhiên, trầm trồ .

Chú thích:

(1). Chu Quang Trứ: Đình Thổ Hà-nét son bên bờ sông Cầu, in trong cuốn Văn hóa Việt Nam nhìn từ mĩ thuật. Viện mĩ thuật, NXB Mĩ thuật 2002.Tập 1

(2)  Trương Minh Hằng: Tìm hiểu nguồn gốc nghề gốm Thổ Hà. In trong cuốn Thông báo Văn hóa dân gian. NXB Đại học Quốc gia HN, 2002.

Theo VOV5