Trẻ nhỏ theo người lớn khám phá các công đoạn làm bánh, luộc bánh chưng

Nhớ mưa Xuân phơi phới bay, nhớ sắc hồng của đào, sắc vàng của quất trên từng con phố. Nhớ lắm những cái Tết đoàn viên sum họp, quây quần, đầm ấm. Đối với người xa quê, Tết là nhớ nhung, là ký ức, kỷ niệm, là những cảm giác mà người ở nhà khó có thể cảm nhận được. Chính vì vậy, người đi xa luôn háo hức đợi chờ mỗi khi Tết đến, Xuân về để sắp xếp thời gian, công việc, chỉ mong được sớm trở về đoàn tụ gia đình.

Mong ước ngày đoàn viên

Mỗi con người sinh ra đều có một mái ấm của riêng mình - đó chính là gia đình. Hai tiếng “gia đình” đối với người sống xa quê, mỗi khi nhắc tới sao mà thân thương xốn xang, rạo rực đến vậy! Dù ở xa cách mấy, dù vất vả, khổ cực bao nhiêu đi nữa, thì chỉ nghe thấy hai tiếng ấy thôi cũng đủ để lòng mình thấy nhẹ nhõm, ấm áp đến lạ kỳ.

Như một quy luật tự nhiên, cứ mỗi khi Tết đến, Xuân về, thì những người con xa quê lòng lại xốn xang nghĩ về quê hương, gia đình, làng xóm…. như lá rụng về cội. Người đi xa mong muốn về nhà trong dịp này để được sum vầy, về nhà để được tỉ tê tâm sự, về nhà để tìm cho mình một góc bình yên nhất thế gian. Về để ôn lại tình cảm, để hoài niệm lại cuộc sống ngày xưa thời thơ bé….; về nhà để anh em, con cháu sum vầy, để được ngắm mảnh vườn xưa, để được đến thăm bà con lối xóm; về là để thắp hương cho tổ tiên, để tưởng nhớ hương hồn ông bà, cha mẹ…

Tôi còn nhớ cách đây chỉ hơn mười năm trước thôi, từ Nga về Việt Nam ăn Tết, mới nghĩ đến thôi đã thấy thật là “xa xỉ”, phần vì kinh tế còn khó khăn, phần vì giao thông không thuận lợi. Những năm gần đây, các hãng hàng không đua nhau mở đường bay nối liền hai đại dương, Vietnam Airlines gần như ngày nào cũng có chuyến bay. Chính vì vậy, dù bận công việc đến mấy, mọi người cũng chuẩn bị tiền bạc, thời gian, sắp xếp việc học hành của con trẻ để về Việt Nam đón Tết.

Ở nước Nga nơi tôi đang sống, tháng Chạp luôn là tháng chứng kiến bao cuộc chia tay cảm động của bà con người Việt mình. Người chuẩn bị về thì tất bật mua sắm quà cáp, nào là rượu ngoại, kẹo tây, tay xách nách mang, lòng thì tràn trề hạnh phúc. Người ở lại nước mắt rưng rưng, tâm trạng bồi hồi, day dứt… lại một cái tết lỡ hẹn sum họp cùng gia đình.

Đón Tết nơi xứ người cũng pháo nổ, rượu vang, cũng giò lụa, bánh chưng, mâm cơm cúng tổ tiên… nhưng giữa cái lạnh thấu xương, giữa phố phường toàn là người xa lạ, chẳng tìm đâu được chút hương vị Tết quê…. đành phải ngậm ngùi động viên nhau những Tết sau cố gắng trở về.

Thiêng liêng, ấm áp tình quê

Đã thành thông lệ, gần chục năm nay, dù bận đến mấy tôi cũng sắp xếp thời gian để đưa cả nhà về quê ăn Tết. Đất nước đổi thay, nhiều ký ức gắn liền với tuổi thơ ở quê giờ đây không tìm thấy được: không còn tiếng chày giã giò côm cốp vang lên khắp xóm; không còn tiếng pháo đì đùng với mùi giấy pháo khét khét, thơm thơm; không còn nữa cảnh bọn trẻ cầm đuốc rơm, chân trần chạy qua những luống cày khô khốc để đi tảo mộ. Chẳng còn thấy hình ảnh mẹ già lúi húi trong bếp, mặt lấm lem tro bụi; không còn được thấy hình ảnh cha già cặm cụi lau chùi ban thờ, tỷ mẩn xếp mâm ngũ quả, hộp mứt, hộp chè, chỉnh trang cuốn thư, treo câu đối đỏ…

Anh em chúng tôi, ai cũng gắn bó với Tết quê, ai cũng có biết bao ký ức tuổi thơ gắn liền với những kỷ niệm mỗi dịp Tết đến Xuân về. Chính vì vậy, mỗi khi Tết đến, cả sáu anh em trai tôi đều cố gắng đưa cả nhà về quê ăn Tết. Các cụ sinh đông con, tất cả đều thoát ly, người ở nước ngoài, người ở thành phố, thế nhưng từ ngày bố mẹ còn sống, tất cả nhà đã luôn quây quần trong ngày Tết. Giờ đây, bố mẹ không còn nữa, nhưng mọi người đều thống nhất cùng nhau ăn Tết ở quê. Về quê, để bọn trẻ được gặp gỡ nhau, về để cho bọn trẻ được biết về phong tục gói bánh chưng, được ngồi quanh bếp lửa chờ bánh, chờ giò chín suốt đêm thâu. Về để xem bác trưởng lại thay ông chăm chút ban thờ tổ tiên, tỷ mẩn sắp mâm ngũ quả, về để các cháu biết mặt nhau, gần gũi nhau hơn, và nghe kỷ niệm xưa của ông bà, bố mẹ…

Quê hương thanh bình - nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp của mỗi người


Nhớ lại ngày tôi còn nhỏ, đất nước còn nhiều khó khăn, gia đình luôn trong tình trạng thiếu thốn đủ bề nên rất mong chờ Tết đến để được thưởng thức những món ăn ngon, được mặc bộ quần áo mới. Tôi còn nhớ, nhà tôi cùng mấy nhà hàng xóm chung nhau mua một con lợn về làm thịt chia nhau, quê tôi vẫn gọi là “ăn đụng” (không biết bây giờ mọi người có còn dùng từ này nữa không, lâu rồi tôi cũng không còn biết nữa). Ngày đó thật là vui, không khí ngày Tết thật rôm rả. Mấy gia đình tập trung nhau lại tổ chức một bữa ăn cuối năm thật đầm ấm. Thịt lợn được chia theo tiền đóng góp của từng nhà. Số thịt đó được các nhà dùng để gói giò, làm nhân bánh. Có nhà cầu kỳ thì làm thêm các loại nem. Có hai loại giò thường được làm, đó là giò lụa và giò xào. Cầu kỳ nhất vẫn là giò lụa. Những người trẻ trong gia đình được phân công giã. Giò nạc phải được ưu tiên làm sớm, khi thịt còn nóng và giã thật nhanh mới mịn và ngon. Giã được cối giò rời rã cả cánh tay. Bọn trẻ chúng tôi thì ngồi xung quanh chầu trực người lớn giã xong để được vét cối, để được “mượn” cái chày vẫn dính thịt rồi nhúng vào nồi nước luộc lòng, chia nhau đánh chén. Cái mùi giò thơm phức ấy vẫn luôn theo tôi đến tận bây giờ.

Cuộc sống ngày nay đã khác, đời sống đồng bào trong nước đã khác xa thời tuổi thơ tôi rất rất nhiều. Nhiều loại hình dịch vụ phát triển, nhất là dịch vụ phục vụ ngày Tết nở ra như nấm gặp trời mưa, nào gói bánh, làm giò, thậm chí người ta còn sắp cả cho mâm cơm cúng giúp cho những ai bận bịu. Nhưng anh em tôi vẫn mong giữ lại phong tục xưa. Ngày gần Tết, mỗi người một việc cũng thịt lợn, làm giò, gói bánh chưng, bánh gio, làm kẹo lạc, kẹo lam, mứt gừng, mứt bí… Tuy mọi người có chút vất vả nhưng thật là vui. Người lớn được sống lại với kỷ niệm xưa, còn bọn trẻ được khám phá, được trải nghiệm Tết quê đậm tình, đậm nghĩa, hiểu biết hơn về nét văn hóa quê hương. Thích nhất là cảnh được quây quần canh nồi bánh chưng sôi sùng sục bên bếp lửa hồng. Bọn trẻ thức thâu đêm cùng các anh chị tán gẫu, nghe người lớn kể chuyện xưa. Có lẽ chúng không chỉ cảm nhận được cái hơi ấm của bếp lửa than hồng mà còn cảm nhận được hơi ấm của tình thân, của quê hương đang đi sâu vào tâm hồn.

Giao Thừa là giờ khắc thiêng liêng nhất trong năm. Hồi bố mẹ tôi còn sống, khi thời khắc thiêng liêng đến, các cụ ăn mặc thật chỉnh trang, thắp hương cúng tổ tiên. Tất cả các con, cháu đứng đằng sau thành kính hướng về bàn thờ gia tiên tưởng nhớ người đã khuất và cầu mong một năm mới bình an tới cả đại gia đình. Sau đó, bố tôi mở chai rượu ngon nhất, gói bánh, gói mứt ngon nhất để cả nhà cùng nâng cốc mừng Xuân mới. Và bố tôi cũng là người đại diện mừng tuổi cho từng thành viên trong gia đình; rồi các con, cháu anh em mừng tuổi ông bà, bố mẹ và mừng tuổi lẫn nhau thật vui. Giờ đây, bố mẹ đã đi xa, thế nhưng đại gia đình vẫn giữ nguyên phong tục ấy. Đêm Giao Thừa năm nào cũng vậy, nhìn anh chị cả thắp hương khấn vái tổ tiên, mở rượu, bóc kẹo, mừng tuổi các em và các con cháu mà lòng tôi rưng rưng, nhớ bố mẹ vô cùng.

Ở đâu không biết chứ quê tôi, Giao Thừa xong, tất cả con cháu trong dòng họ phải hội tụ đông đủ tại nhà thờ tổ khang trang, uy nghiêm, đầm ấm. Bác trưởng họ thắp hương, con cháu thành kính nhớ về tiên tổ rồi nâng cốc cùng nhau chúc mừng một năm mới an lành, hạnh phúc.

Có ý kiến cho rằng giờ Tết còn đâu thi vị nữa, cứ đến Tết là sợ hãi vì quà cáp, biếu xén để tranh thủ chạy chức chạy quyền, rồi lo tiền đi du lịch để chụp hình “tự sướng” đưa facebook câu like… Nhưng với tôi mỗi mùa Xuân về, nỗi nhớ Tết quê nhà luôn cháy bỏng, diết da trong lòng. “Cây có cội, nước có nguồn”, chỉ có ngày Tết, những người tha hương như chúng tôi mới có cơ hội được đoàn tụ gia đình, được tự tay thắp nén hương kính dâng lên tổ tiên, có lẽ là điều thiêng liêng nhất dành cho những người con xa xứ.


                                                                                                             Theo Quehuongonline