Sản phẩm tơ lụa giới thiệu tại Làng lụa Hội An

Tại hội thảo “Nghề truyền thống dâu tằm, tơ lụa, thổ cẩm Quảng Nam - thực trạng và giải pháp phát triển bền vững” tổ chức tại Làng lụa Hội An hôm 25.1 (do UBND tỉnh Quảng Nam, Sở NN-PTNT phối hợp Công ty CP tơ lụa Quảng Nam tổ chức), những giá trị kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa của nghề tàm tang đã được nhiều đại biểu đề cập, nhắc nhớ một thời lừng lẫy của nghề.

Theo ghi nhận của Sở Công thương Quảng Nam, làng tơ lụa Mã Châu từng được xem như “thủ phủ dâu tằm” xứ Quảng, chuyên cung cấp lụa cho vua chúa, giới quý tộc từ thế kỷ 16. Thời hưng thịnh, Mã Châu có đến 2.000 ha đất trồng dâu nuôi tằm. Làng tơ lụa Duy Trinh (H.Duy Xuyên) cũng nổi tiếng không kém, với gần 200 hộ trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa.
Sản phẩm của những làng nghề dâu tằm Quảng Nam hàng thế kỷ qua đã từng được thị trường các nước trong và ngoài khu vực biết đến. Giáo sĩ Alexandre de Rhode trong cuốn Hành trình và truyền giáo viết rằng: “Xứ này nhiều lơ lụa đến nỗi còn dùng để đan lưới và bện dây thuyền”. Còn nhà truyền giáo Christophoro Borri trong cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621 ghi nhận, lụa dư thừa đến nỗi người Đàng Trong đủ dùng riêng cho mình và còn bán cho Nhật Bản và gửi sang Lào để rồi đưa sang Tây Tạng. Thứ lụa này tuy không thanh và mịn nhưng bền và chắc hơn lụa Tàu…
Nuôi tằm để… bán nhộng


Tơ tằm xứ Quảng hồi sinh - ảnh 2

Đây là cơ hội rất lớn để chính quyền phối hợp cùng người dân và doanh nghiệp liên kết thành chuỗi giá trị phục hồi nghề trồng dâu, nuôi tằm.


ÔngLê Trí Thanh,Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam


Trải bao biến thiên lịch sử cũng như tác động của cơ chế thị trường, nghề tàm tang ở Quảng Nam dần rơi vào mai một. Theo ông Lê Muộn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam, có nhiều nguyên nhân khiến nghề lao dốc: Do sự cạnh tranh của thị trường tơ thế giới, thu nhập thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề khác...
“Phát triển dâu tằm còn mang tính quảng canh, theo phong trào, vì thế chất lượng tơ kén thấp, giá thành không ổn định, sức cạnh tranh kém. Các đơn vị chế biến tơ có thời kỳ lâm vào cảnh khó khăn, thua lỗ kéo dài”, ông Muộn nói. Giờ đây, những vườn dâu “nhường chỗ” cho cho các loại cây trồng khác, đa phần người dệt lụa cũng chuyển nghề, các làng nghề nổi tiếng một thời chỉ còn nghe thưa thớt tiếng khung cửi lách cách...
Từ hàng ngàn ha đất dành để trồng dâu nuôi tằm tại Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn hiện chỉ còn vỏn vẹn... 11 ha, trồng chủ yếu tại H.Duy Xuyên với khoảng 30 hộ theo nghề. “Các hộ trồng dâu, nuôi tằm chủ yếu để bán làm thực phẩm vì thời gian chăm sóc ngắn, giá bán nhộng ổn định và có lợi nhiều hơn so với nuôi tằm lấy kén”, ông Lê Muộn thẳng thắn nhìn nhận xu hướng người dân tự “cơ cấu ngành nghề cho phù hợp với nhu cầu của thị trường”.
Vực dậy, dễ hay khó?
Nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách ưu đãi cũng như hạ tầng cơ sở đã được đề cập tại hội thảo vừa tổ chức tại Làng lụa Hội An, nơi đang được kỳ vọng như một điển hình vực dậy nghề trồng dâu nuôi tằm xứ Quảng.
Ông Lê Trung Cường, Phó chủ tịch UBND H.Duy Xuyên, cho rằng khi tỉnh có chủ trương củng cố, khôi phục nghề truyền thống, huyện sẽ cố gắng thực hiện. “Vì đây là nghề truyền thống từ bao đời. Nhiều lần cũng muốn khôi phục nhưng không thành công”, ông Cường nhìn nhận. Tuy nhiên, đất dành để trồng dâu hiện đã được người dân trồng các loại rau màu khác mang lại hiệu quả kinh tế khá cao như ớt, đậu… Vì vậy, theo ông Cường, nếu khôi phục nghề thì diện tích trồng dâu cũng quy hoạch lại để trồng tập trung, cùng với việc đầu tư hạ tầng giao thông, điện nước… “Rất cần có sự liên kết, kêu gọi các nhà đầu tư, trong đó có sự hỗ trợ tích cực của Công ty CP tơ lụa Quảng Nam để hỗ trợ kỹ thuật, giống, bao tiêu sản phẩm. Có như vậy, người trồng dâu nuôi tằm mới sẵn lòng chuyển đổi”, ông Cường nói thêm.
Trong tham luận của mình, ông Đặng Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội dâu tằm tơ VN, cũng cảnh báo: “Ngay từ bây giờ, nếu VN không có chiến lược phát triển mạnh ngành dâu tằm tơ, thì 10 - 15 năm nữa chúng ta không có nguyên liệu để sản xuất”. Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng đã có nhiều dấu hiệu tích cực từ thị trường để vực dậy nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. “Đây là cơ hội rất lớn để chính quyền phối hợp cùng người dân và doanh nghiệp liên kết thành chuỗi giá trị phục hồi nghề trồng dâu, nuôi tằm”, ông Thanh nói.
Sớm quy hoạch vùng trồng dâu, nuôi tằm
Phòng NN-PTNT H.Duy Xuyên kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam sớm triển khai công tác quy hoạch vùng trồng dâu, nuôi tằm giai đoạn 2017-2022. Bên cạnh đó, xây dựng điểm một số vùng tích tụ ruộng đất để trồng dâu, nuôi tằm; đồng thời, bố trí ngân sách hỗ trợ giống, khuyến nông, xây dựng nhà tằm con, hỗ trợ sau đầu tư, tiêu thụ sản phẩm… Trong khi đó, Công ty CP tơ lụa Quảng Nam (do ông Lê Thái Vũ làm chủ tịch HĐQT) cũng đã lập đề án đầu tư tổng thể Dòng sông lụa (Biển lụa Duy Xuyên), dự toán hàng nghìn tỉ đồng với nhiều dự án thành phần như Biền dâu Gò Nổi, Quê lụa Mã Châu, Bảo tàng ươm tơ Giao Thủy, Bãi dâu Đại Lộc. Đề án nhận được sự ủng hộ của UBND tỉnh Quảng Nam và H.Duy Xuyên.
Theo Thanh niên