Minh họa

1...Không phải một mà rất nhiều người nói với mẹ những câu tương tự vậy. Chẳng thể trách người ta ác miệng được, họ nói đúng quá mà. Một bà già đã qua tuổi bảy mươi có lẻ với mười lần sinh nở đáng lẽ phải nằm chăn êm nệm ấm, con cháu cơm bưng nước rót chứ có đâu mòn chân hết đường nọ sang đường kia bất kể ngày nắng như đổ lửa hoặc ngày mưa gió tả tơi. 

Mới nghĩ tới cảnh ấy thôi đã nghe nhức nhối huống chi người có lương tri tận mắt thấy. Đấy là chưa kể mẹ mồ côi mồ cút thuở còn chưa biết nói, lớn lên lấy chồng mà chẳng nhờ chồng (ba tôi một quãng ở trại cải tạo, một nách mấy con một mình mẹ cõng hết). Khổ trần ai!

Đi bán vé số, mỗi buổi chiều về mẹ bải hoải ngồi bệt xuống hè, kiểm tra số vé đã bán, số tiền thực thu, vừa làm vừa viết nhật ký đi bán vé số bằng miệng. 

Tôi y như cái máy thu, chiều nào cũng ghi âm hết lời mẹ rồi lặng lẽ buồn. Buồn lắm, buồn muốn chết luôn. Từ ngày tôi ôm con về tá túc thì mẹ cũng chính thức gia nhập đội quân bán vé số.

Đoạn trường lắm. Khuya dậy, mẹ lục cơm nguội rồi tranh thủ chạy qua bà bán xôi gần nhà mua ba ngàn móc trước cổ xe để dành ăn trưa. 

Tròng cái xách có ghi "Xổ số kiến thiết" vào cổ, mẹ trầy trật đạp chiếc xe tàng không thể tàng hơn xuống thị trấn "tác nghiệp" - cách nhà chừng 20km. Ngày nào hên thì kiếm được một trăm ngàn, còn bình quân thì mỗi ngày trên dưới năm chục. 

À, ngày nào số tiền thực thu và số vé bán ra cũng chênh nhau hai vé. Mẹ nói do mình lẩm cẩm thối nhầm hoặc người ta mua một rút hai, cái đó gọi là tai nạn nghề nghiệp nên không buồn. Nhưng buồn chuyện khác, cái nghề bán vé số cũng lắm nỗi niềm.

Mỗi chiều về, nếu phải thấy mẹ xác xơ hất chiếc xe vô rào và kéo lê đôi dép vô nhà, tôi đau nỗi đau của cảm giác có tỉ tỉ con bò cạp đang cắn vào những tế bào của thân thể mong manh bách bệnh. Cảm giác này cực kỳ khó chịu, tôi "gắt":

- Mẹ đừng đi bán nữa!

- Bán vé số cũng như đi tập thể dục thôi. Từ ngày đi bán vé số mẹ thấy cái lưng bớt đau hơn...

- Nhưng con mang trọng tội.

- Nói xàm! Tội trạng gì, mẹ tự đi chớ ai bắt ai biểu đâu. Cứ để tao làm. Còn đi đứng đùng đùng sao ngồi không được. Ráng đi được ngày nào nữa thì đi chứ đằng nào hổng nằm xuống báo đời báo chướng.

Mẹ nói vậy thì tôi cũng bớt đi phần nào cảm giác bất hiếu nhưng mỗi lần tình cờ nghe mẹ kể với ai đó nỗi nhiêu khê mạt hạng của nghề bán vé số, tôi lại không cầm được nước mắt và dứt khoát bắt mẹ nghỉ.

- Không đi nữa! Mỗi ngày mẹ bán được bao nhiêu tiền con sẽ trả!

- Bây dạy học cũng đói rạt họng. Thân mình lo chưa xong mà đòi lo gì cho mẹ.

Tới câu này thì tôi đuối lý. Thật sự đuối. 

Từng này tuổi đầu tôi vẫn là người vô sản, nhưng cầm lòng không đậu khi tình cờ nghe mẹ rơm rớm nước mắt kể với thím Ba: Tui không xen vào cuộc trò chuyện đang cao trào của người ta để mời mọc rồi cà rà đứng bên khiến khách mất tự do rồi đâm quạu đâu. Tui lựa lúc người ta thảnh thơi mới lại mời, vậy mà mấy đứa đáng tuổi con tuổi cháu mới thấy ló xấp vé số ra là mắng mỏ, đuổi như đuổi tà.

- Trẻ giờ nhiều đứa mất dạy lắm! - thím Ba bồi vào, tôi ngồi chết lặng.

2 Chiều nay mẹ đạp xe về, không phải lê đôi dép như mọi lần mà rớt từ trên xe xuống và gục luôn ngoài ngõ. Con trai tôi hoảng quá, khóc mếu ngoại ơi ngoại hỡi, tôi lật đật chạy ra dìu mẹ vào. Nằm một chập rồi mẹ ngồi dậy, không phải rơm rớm xót xa như mọi khi mà tỉnh bơ kể: Có một cậu thanh niên bảo đêm ngủ có ông già tóc trắng như Tiên báo mộng. 

Tiên cho đích thị năm số đến khi tỉnh dậy vẫn còn nhớ nên quyết chí mua lốc mười. Cậu còn hứa cứng khừng "con mà trúng con tặng ngoại một tờ". Lấy vé số rồi không đưa tiền mà gãi đầu lột chiếc nhẫn nói: "Nhẫn cưới nhưng kẹt quá nên đành đưa ngoại. Ngoại vào tiệm vàng đổi, số tiền thừa con làm quà tặng ngoại già nua khốn khổ".

Chàng trai nói xong thì phóng xe cái vèo. Mẹ lò dò cầm nhẫn tới tiệm vàng mới biết đồ... giả.

Nghe mẹ kể hết, tôi tức quá gắt:

- Nghỉ bán đi. Ở nhà với con, có mắm ăn mắm có muối ăn muối.

- Cứ thấy khó là bỏ thì đâu có được. Hôm nay gặp người xấu thì ngày mai sẽ có quý nhơn thôi.

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN/ Tuổi trẻ