Ảnh minh họa

Má có bầu nhưng ăn uống kham khổ nên sinh em ra nhợt nhạt, nhỏ xíu như chú mèo con mắc mưa. Bầu sữa căng tròn của má mấy anh chị “chui” ra trước đã giành rúc hết. Má bảo Út thèm sữa, khóc quấy suốt đêm, má phải say bột đậu nành cho em uống, mới tròn tháng má phải nhai cơm với muối hầm đút em. Má bảo thương lắm, đút bao nhiêu là tém nuốt bấy nhiêu, no bụng rồi lăn ra ngủ.

Câu chuyện này là má kể, vì ngày đó tôi còn quá nhỏ để nhớ. Nhưng có một chuyện mà tôi nhớ mãi. Đó là cái chén ăn cơm bằng gáo dừa của Út. Hồi đó nghèo, má tôi chi tiêu dè dặt, Út còn nhỏ nhưng tự lực sớm, một hai đòi tự bưng chén ăn như anh chị, má sợ Út bưng chén đất nặng, sẽ rơi vỡ nên lấy vỏ trái dừa khô chẻ đôi, mài nhẵn, cạo sạch làm chén. Có chén riêng, Út mừng lắm, bo bo giữ. Chị em tôi thấy vậy thường cố tình trêu em, tới bữa cơm cố tình không dọn ra cái chén dừa. Nhưng hễ đặt mâm chén xuống, Út nhào lại tìm chén dừa, không có thì… khóc.

Ngoài việc lén giấu cái chén dừa để em khóc, tôi mang tiếng làm chị nhưng chẳng giúp được gì cho em. Nói ra có phần xấu hổ, tôi trước giờ vẫn nhờ em nhiều hơn là bảo bọc, đỡ đần em.

Những năm tôi học Cao đẳng Sư phạm, Út đang học phổ thông. Má tôi tằn tiện vì tôi đi học xa nhà tốn kém, thế là má cắt phéng tiền tiêu vặt của em. Bé Út đi học không có tiền để ăn cóc ổi bánh kẹo như các bạn. Đến hết năm lớp 12, Út dù có thi đậu đại học má cũng bắt học trung cấp cho gần nhà. Chị học, em học, má không kham nổi… Út có buồn một chút nhưng không lấy đó làm nỗi bận tâm, em thiện chí chấp nhận từ bỏ ước mơ trở thành nhà tâm lí học.

Tôi đi làm, tháng lương đầu tiên không sắm được cho em đôi giày mới như đã hứa vì tôi còn mắc lo cho em của người yêu (người yêu tôi cũng nghèo) chuẩn bị nhập học. Là người con duy nhất trong gia đình có nghề nghiệp, lương lậu ổn định, tôi chưa kịp đem về dúi vào tay má một đồng tiền nào, chưa kịp mua sắm gì cho em từ đồng lương giáo viên thì đã vội lên xe hoa…

Tôi lấy chồng khi nhà tôi kinh tế còn khó khăn, bé Út học trung cấp ra trường chưa xin được việc. Trong tình cảnh ấy, không còn cách nào khác, Út phải đi làm công nhân nhà máy giày tận trong thành phố.

Cuộc đời có nhiều bất ngờ không lường trước được. Tôi không may bị tai nạn rất nặng. Vợ chồng lâm vào cảnh túng bấn vì đồng lương công chức eo hẹp, làm tháng nào ăn hết tháng nấy. Nằm viện, tôi bị cắt lương, lương cơ bản trông chờ từ phía bảo hiểm như muối bỏ bể. Phần trả lãi ngân hàng, phần con nhỏ cần sữa, phần viện phí, thuốc thang, bồi bổ… Anh chị em đều nghèo, chỉ vợ chồng tôi là có lương mặt mũi nào hỏi mượn tiền.

Chúng tôi không hỏi mượn, Út cầm tiền xuống bệnh viện nhét dưới gối, bảo chị cứ lấy lo thuốc thang. Sau này ra viện tôi mới biết Út bán chiếc xe Wave S mà em đã dành dụm tiền lương công nhân hai năm mới sắm được.

Những ngày tôi nằm viện, chồng bận đi làm, má phải xuống viện chăm tôi, anh chị đã thành gia thất, con cái nheo nhóc nên tôi không thể gửi con trai cho ai. Rốt cuộc, tôi đành tính đường nhờ em gái. Thật khó để mở lời. Cũng tại con trai tôi mới được ba tuổi. Cu Ca được tôi cưng nên nhõng nhẽo lắm, đêm phải có ti mân mới chịu ngủ. Em gái qua nhà chăm cháu, là con gái chưa chồng, nhà lại có ông anh rể - vợ nằm viện lâu ngày, cháu trai còn quá nhỏ lại rất ngỗ ngược. Nếu là tôi, tôi sẽ không đủ dũng khí để sang sống chung nhà với anh rể, để chăm cháu…

Nhưng nghĩ tới con nhỏ không ai chăm, tôi đành gọi em lại, cậy em... Em có chút bối rối nhưng rồi cũng nhận lời. Tôi áy náy đề cập đến chuyện dị nghị của người ngoài, em bảo, chị em ai nỡ bỏ nhau trong hoạn nạn, cháu mình khóc mình nóng ruột nóng gan chứ người ta thì có sao!...

Tôi bình phục. Út lấy chồng. Ngày vợ chồng em đứng trước bàn thờ tổ tiên, tôi lại cầm tay: “Chị đang kẹt, không có quà cưới, đợi khi nào có… sẽ bù sớt! ”.

Đợi… đợi… đợi… và bé Út đã không có quà của tôi vì sau khi em lấy chồng, đó cũng là lúc tôi trở thành bà mẹ đơn thân, tháng nào em cũng đưa tiền phụ nuôi cháu.

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Theo Thời báo Kiinh tế Sài Gòn