Bóng mát một cây đa đầu làng Đậu Liêu do các cụ cao tuổi trồng - ẢNH: SÁU NGHỆ

Làng Đậu Liêu quê tôi bên Quốc lộ 1A ở chân núi Hồng Lĩnh thuộc tỉnh Hà Tĩnh, một ngôi làng cổ từng có nhiều cây đa. Bây giờ thành phường Đậu Liêu của thị xã Hồng Lĩnh, chứ trước đây trơ trọi nơi hoang vắng, bóng mát cây đa in đậm cuộc sống bao đời người dân và cả lữ khách. Trong đó, cây đa Điếm Mõ còn là địa điểm lịch sử.

Ông Phan Đa sinh năm 1938 kể rằng, lớn lên đã thấy cây đa Điếm Mõ. Gọi Điếm Mõ bởi dân làng lập điếm canh bên gốc đa, có mõ tre báo động mỗi khi cướp từ núi sâu Hồng Lĩnh tràn ra. Năm 1945, ông Phan Đa được chứng kiến ông Trần Huy Liệu dẫn đầu đoàn đại diện Chính phủ từ Hà Nội vào Huế nhận ấn kiếm của vua Bảo Đại, dừng chân ở Điếm Mõ diễn thuyết, dân vỗ tay vang rền.

Tuổi thơ tôi lớn lên dưới bóng mát cây đa Điếm Mõ, ở đó còn có cửa hàng hợp tác xã mua bán với những món hàng nghèo mà suốt nhiều năm là mơ ước của dân làng. Cây đa sống qua thời máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, hầu như ngày nào cũng có bom rơi xuống đoạn Quốc lộ 1A này. Rồi tôi đi bộ đội, chia tay bạn bè và làng quê dưới bóng cây đa Điếm Mõ. Khi tôi nghỉ phép thăm quê đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, cây đa Điếm Mõ không còn. Nó biến mất qua việc dời làng như câu hát “làng quê di động thêm có đất mình cày”. Thời điểm đó, dân làng rất đói. Sau này mỗi lần nhớ lại, tôi không lý giải được sức mạnh nào giúp dân làng vượt qua trận đói. Tháng ba, khoai trồng mới có củ bằng ngón tay đã phải dỡ ra, nấu lên, thêm vài lá hành tăm cho thơm rồi dùng đũa xéo nhuyễn gọi là “khoai xéo” ăn trừ bữa. Cả làng ăn khoai xéo nên ốm yếu, vêu vao. Làng quê xơ xác!

Sau đó, trai gái làng bắt đầu tìm đường đi xa kiếm sống. Hồi thế hệ ông Phan Đa, xa quê là hiếm hoi, cả làng chỉ đếm đầu ngón tay. Đến thế hệ tôi đi bộ đội thành đoàn khá đông, nhưng từng đợt. Thế hệ sau này đi lẻ tẻ nhưng quanh năm, thỉnh thoảng nhìn lại thấy vắng trong làng. Thời kỳ Liên Xô và Đông Âu tan rã, thanh niên làng tôi thuộc số đầu tiên cả nước tìm đường sang đó, tới Anh luôn. Con gái chị cả tôi bay sang Nga rồi đường bộ đến Đức, hơn nửa năm không tin tức tưởng đã bỏ xác rừng lạnh nào rồi. Cuối năm 2019, trong 39 thanh niên chết ngạt trên đường sang Anh, có một thanh niên làng tôi.

Bây giờ, làng Đậu Liêu hầu như nhà nào cũng có người đi xa. Chị cả tôi 83 tuổi, tôi về thăm, chị kể có 14 đứa con và cháu đang sống ở Đức, Anh. Em út tôi có một con rể đi Anh 3 năm vừa về, một con rể ở Anh đã 5 năm sau 11 năm đi Đài Loan, một con gái ở Nhật Bản. Tôi đến thăm người bạn bộ đội phục viên, thấy hai căn nhà tầng khang trang, khác hẳn hồi nào một túp lè tè. Anh bạn kể, một căn của vợ chồng đứa con trai thứ, vợ chồng nó cùng 3 con ở Anh đã lâu, năm 2016 về quê cất căn nhà nhờ cha mẹ giữ. Con trai đầu của anh bạn làm Phường đội trưởng Đậu Liêu cũng một mình trong căn nhà tầng vì vợ đang ở Anh. “Mong có dịp gia đình sum họp như hồi nhà nhỏ mà khó quá. Hồi trước chúng ta đi bộ đội hẹn giải phóng miền Nam hoặc từ Campuchia rút quân về nước sẽ về quê, bây giờ chúng nó đi lo tương lai không hẹn được ngày về, xem ra gian nan hơn thế hệ cha ông”, anh bạn cười buồn.

Nhờ trời, người làng Đậu Liêu gan dạ, cần cù, hầu hết đi ra làm ăn có tích lũy chuyển về xây nhà cửa, đường làng để làng đạt chuẩn nông thôn mới đã lâu.

Làng lại xanh mát bóng cây đa. Có đến 19 cây bên các ngả đường, do các cụ cao tuổi cần mẫn trồng chục năm qua. Tổ trưởng trồng cây chính là ông Phan Đa, nghỉ hưu nghề giáo ở xứ người, về làng vận động các cụ cao tuổi phục hồi hình ảnh “cây đa làng” ngàn đời quê Việt. Ông nói, để con cháu đi xa có hình ảnh nhớ nhung, tìm về. Các ông trồng theo quy hoạch cụ thể, còn đề nghị chính quyền cấp sổ đỏ cho mỗi cây trăm mét vuông đất để giữ lâu dài. Khi cây đã tỏa bóng mát, các ông lại vận động đặt ghế đá quanh gốc cây cho dân làng và lữ khách qua lại nghỉ chân có chỗ ngồi văn minh. “Con cháu dân làng đi xa đã đóng góp rất nhiệt tình”, ông Đa cười trẻ trung.

Theo thanhnien