Nhà vệ sinh công cộng tại Ấn Độ - Ảnh: AFP

Không còn ai đại tiện ngoài đường

Chỉ mới tuần trước, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố nước này đã chấm dứt hoàn toàn tình trạng đi vệ sinh lộ thiên. 

"Thế giới sẽ phải choáng ngợp vì 100 triệu nhà xí đã được xây dựng cho hơn 600 triệu người dân trong vòng 60 tháng. Trước đây, không ai có thể tin rằng Ấn Độ một ngày sẽ giải quyết chuyện đi vệ sinh lộ thiên nhanh chóng thế này", ông Modi phát biểu hôm 2-10.

Thủ tướng Modi bắt đầu chương trình này từ năm 2014 như một phần của chiến dịch Dọn sạch Ấn Độ có tên Swachh Bharat.

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho biết Ấn Độ là quốc gia có số người đi vệ sinh ngoài trời cao nhất thế giới. Con số này vào khoảng 620 triệu người và tập trung chủ yếu tại các khu vực nông thôn.

Việc đó đã thật sự trở thành một vấn nạn của Ấn Độ khi gây lên một chuỗi hệ quả đối với sức khỏe người dân. Theo UNICEF, ô nhiễm do chất thải của con người và điều kiện vệ sinh tồi tàn là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tử vong ở trẻ em, bệnh tật và suy dinh dưỡng tăng cao.

Chưa kể phụ nữ và trẻ em tại Ấn dễ dàng bị tấn công tình dục vì thường đợi trời tối mới đi "giải quyết".

Phụ nữ và trẻ em tại Ấn dễ dàng bị tấn công tình dục vì thường đợi trời tối mới đi "giải quyết" - Ảnh: AFP

Không đúng sự thật? 

Theo Đài CNN, nếu các số liệu được đưa ra là đúng, đây sẽ là một thành tựu lớn đối với ông Modi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những số liệu này không truyền tải đúng sự thật và vấn đề đi vệ sinh ngoài trời tại Ấn vẫn chưa được giải quyết.

Thái độ đối với chuyện đi vệ sinh ngoài trời của người Ấn là thách thức lớn nhất cho chính quyền New Delhi. Người dân ở khu vực nông thôn cho rằng đi vệ sinh ngoài trời sẽ sạch sẽ hơn là có một nhà xí ngay trong nhà mình.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế nhân đạo (RICE) phát hiện tới năm 2018, có đến 44% người dân tại các bang phía bắc Ấn Độ vẫn đi vệ sinh ngoài trời.

Chuyên gia nghiên cứu của RICE Nazar Khalid nhận định: chính phủ đã quá tập trung vào chuyện xây nhà vệ sinh, mà không chú ý đến việc bảo trì và quản lý chất thải.

"Bạn không chỉ phải xây dựng nhà vệ sinh, mà còn cần chỉ mọi người về cách sử dụng và duy trì chúng, cũng như chất thải sẽ được xử lý như thế nào", ông Khalid giải thích.

Vấn đề về chất thải được cho là rào cản rất lớn để thay đổi nhận thức của người dân. Theo niềm tin của người Ấn, chỉ các thành viên ở tầng lớp thấp nhất của xã hội mới chịu trách nhiệm dọn dẹp nhà xí và chất thải. Những người thuộc tầng lớp cao hơn sẽ không bao giờ đụng tay.

"Mọi người không muốn giải quyết chất thải của người. Theo truyền thống, điều này chỉ dành cho một nhóm người nhất định trong xã hội", chuyên gia của RICE nói thêm.

Theo tuoitre