Tôi ngồi bên hiên nhà cùng mẹ, chén trà sớm ấm áp trong cảm giác thật yên bình. Từ lúc thấy tôi về, mẹ vui lắm. Mẹ lấy hết đồ nọ đồ kia ra cho tôi ăn, như thể sợ tôi chạy xe một chặng đường dài về và đói. Nhưng tôi nói với mẹ: “Con muốn ngồi uống trà với mẹ thôi, vì chiều con phải quay về thành phố làm việc”. Vậy là tôi có ấm trà ngon, cùng mẹ.

Bên hiên nhà cũ, chậu cúc vàng rực rỡ nhuộm một màu ấm áp. Cây trạng nguyên đầu ngõ bung sắc màu rực rỡ cho mùa xuân. Mấy bà, mấy chị í ới gọi nhau đi chợ sớm. Tiếng lao xao dọc cả một đoạn đường làng.

Mẹ hỏi tôi về tết, về mấy đứa nhỏ đang đi học chưa về với nội, về chuyện nhà tôi đã sắm tết hay chưa. Về những tỉ mẩn cuộc sống mà thực lòng tôi cũng không chú ý lắm… Rồi mẹ kể chuyện tết xưa, những câu chuyện mẹ kể đi kể lại, mà có khi chính mẹ chẳng bao giờ nhớ con cháu đã nghe đến thuộc lòng.

hinh minh hoạ
hinh minh hoạ
 

Kí ức với người già là một cái gì đó thật đặc biệt. Luôn luôn sẵn sàng bật ra để ôn lại, để nhắc nhở con cháu, mà có khi tôi cảm giác là mẹ cũng không để ý mình nói chuyện gì, thứ mẹ cần là một người để nói chuyện, một người để lắng nghe.

Rồi lật đật mẹ chạy vào trong bếp, mang ra nguyên một nồi thịt đông to. “Trời hỡi, mẹ nấu gì nhiều đến vậy?”.

“Mẹ nấu để tết mà, thiếu món này là không thành tết đâu”. Chị dâu tôi từ trong nhà đi ra cười: “Từ đầu tháng Chạp tới giờ mẹ nấu mấy nồi rồi đó chú, nấu rồi quên, rồi lại nấu”.

Tôi lặng người. Hình như ấn tượng về những tháng năm nhà khó khăn vẫn còn vẹn nguyên trong mẹ. Những chắt chiu, dành dụm, những tằn tiện để dành cho tết vẫn như một thói quen không dễ bỏ.

“Mẹ chuẩn bị tết từ đầu Chạp luôn đó em”. Chị dâu chỉ tay vào bếp cho tôi thấy rất nhiều những món đồ lộn xộn mẹ để chất chồng.

Mẹ chỉ cười, thật hiền: “Tụi bây đi tối ngày, không chuẩn bị rồi người ta hết hàng làm sao mua?”.

Tôi định nói giờ có thiếu thốn gì đâu, chỉ cần có tiền chạy một vòng là đủ, kể cả một mâm cỗ truyền thống theo đúng ý mẹ, nhưng rồi chợt ngưng lại.

Tôi nhận ra mẹ đã già. Điều mà bận rộn với những mưu sinh thường nhật khiến tôi bao lâu nay không để ý. Hoặc do khoảng cách, qua những cuộc điện thoại ngắn tôi đã không thể nhận ra.

Mẹ đang có những dấu hiệu rõ ràng của sự lẫn lộn giữa kí ức và hiện tại. Chị dâu nói có lúc mẹ đòi chuẩn bị tết theo những xưa cũ, có khi mẹ một mình lẩm bẩm mà nghe kĩ thì thấy mẹ đang tự mình nói chuyện với ba, mà ba thì đã ở một thế giới xa cách.

Lòng tôi chùng xuống. “Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần”, cảm giác như ai đó đang bóp thắt trái tim mình. Những thay đổi tuổi già của mẹ, chỉ có chị dâu hàng ngày ở bên mới nhận ra thật rõ ràng. Và chị dâu, người luôn hết lòng với gia đình nên rất thấu hiểu và sẵn sàng chiều theo mẹ, để mẹ vui.

Hình mình hoạ
Hình mình hoạ

Chén trà đang ngon chợt trở thành đắng khi mẹ than phiền không biết tụi nó đã mua quần áo mới cho bọn nhỏ chưa, nhà ăn "đụng lợn" ở đâu, không nhận nhanh rồi có khi hết thì sao? Mà hình như bao nhiêu năm nay, cần bao nhiêu cho tết chị dâu chạy ra chợ là đủ. Khái niệm “đụng lợn” với nhà tôi đã xa vời. Mẹ quên, rồi nhớ rồi có khi trộn lẫn những kí ức với hiện tại thành những hỗn độn rối tung.

Tôi nói: “Mẹ đừng có lo, anh chị lo đủ đầy chu đáo cho tết rồi”. Nhưng mẹ thở dài. Rồi câu chuyện lại xoay vòng với những câu chuyện tết xa xưa...

Tôi nghe những câu chuyện ấy, không còn thấy khó chịu như trước nữa. Chậm rãi một chén trà bên mẹ để thấy những câu chuyện cũ lại mang tới cảm giác yên bình của người con có mẹ. Một năm mưu sinh vất vả, một năm lo lắng với những áp lức công việc và cuộc sống, chẳng phải cuối cùng chỉ để mong đổi lại có những phút giây thế này bên mẹ hay sao?

Có mẹ là có tết. Có mẹ, tết đoàn viên sum vầy.

Theo phụ nữ TPHCM