Tháp Pô Klông Garai là một quần thể gồm 3 ngôi tháp, tháp chính thờ tượng vua Pô Klông Garai, tháp cổng ở phía đông và tháp thần lửa chếch phía nam có mái hình thuyền. Quần thể tháp được bao bởi một khung tường thành. Đây là một công trình thờ cúng song có giá trị nghệ thuật kiến trúc xây dựng và điêu khắc đạt đến mức hoàn mỹ. Tháp chính cao trên 20 mét, nhiều tầng, tầng trên là sự lập lại tầng dưới thu nhỏ cho đến đỉnh là một trụ đá nhọn, biểu tượng là một Linga. Ở các tháp lên dần đều là các ụ vuông nhỏ, các góc có gắn tượng thú bằng đá và các hình ngọn lửa bằng gạch nung.

Trong ngôi tháp Chính thờ vua Po Klong Garai (1151 - 1205) với biểu tượng Mukha - Linga. Ngài là người có công trạng to lớn trong việc xây dựng hệ thống dẫn thủy nhập điền phục vụ nông nghiệp của người Chăm trong vùng. Công trình của vị vua nổi tiếng này vẫn được sử dụng cho đến ngày hôm nay là đập Nha Trinh và kênh Chàm.

Mỗi năm người Chăm tổ chức lễ hội trên tháp 3 lần là: lễ Mở cửa tháp, lễ Kate thờ thần Cha và lễ Cambun thờ thần Mẹ. Vào cuối tháng 10 hàng năm, người Chăm Ninh Thuận thường hành hương đến tháp vào dịp lễ hội Kate. Đến đây mọi người cùng cúng tế và cầu nguyện cho mùa màng bội thu. Trang phục rực rỡ của các thiếu nữ cùng sắc màu đỏ trắng độc đáo của chức sắc Chăm là một trong những điểm thu hút của lễ hội này.

Có một truyền thuyết liên quan đến tháp Poklong Garai kể rằng ngày xưa ở Play Chakling có hai ông bà tên Ôn Paxa và Muk Chakling dù đã cao niên nhưng chưa có con. Một lần ra biển mò cua bắt ốc ông bà thấy có một đứa bé đang trôi trên bọt nước bèn đem về nuôi và đặt tên là Karit.

Karit lớn lên trở thành một cô gái xinh đẹp, nết na nên được nhiều người quý mến. Một hôm, Karit cùng cha vào rừng hái củi. Trời nóng nực, hai cha con khát nước nhưng chung quanh lại không có sông suối. Bỗng Karit thấy một tảng đá bên trên đọng ít nước trong, liền đến uống. Lạ thay nàng uống đến đâu nước trong đá tràn ra đến đó. Nhưng khi nàng đi gọi cha đến uống thì chẳng thấy giọt nước nào.

Sau dạo đó Karit có thai và rồi sinh ra một cậu bé đã xấu xí lại rất háu ăn. Ông bà đặt tên cho cậu là Jatol. Karit không chịu nổi lời đàm tiếu là gái chửa hoang nên bỏ đi để con lại cho ông bà nuôi. Đứa bé càng lớn càng xấu xí, mình lại đầy ghẻ chốc nên chẳng mấy đứa chịu chơi chung. Khi ông bà mất, cậu cũng vừa khôn lớn. Cậu cùng bạn là Po Klonchanh đi buôn trầu. Một hôm trên đường về, Jatol thấy mệt nên nghỉ ở tảng đá bên đường. Pô Klonchanh về trước rồi đem cơm ra cho bạn. Khi trở lại Pô Klonchanh thấy có hai con rồng trắng đang liếm mình Jatol. Po Klonchanh chạy đến thì hai con rồng biến mất và lạ thay Jatol đã trở thành một thanh niên tuấn tú, khôi ngô khác thường. Điềm lạ đó dần lan ra khắp miền và rồi đến tai vua Nuhol, người đang quản thủ Iaru. Được biết Jatol sẽ là một vị thiên tài xuất chúng, vua Nuhol cho vời Jatol đến. Thấy đúng như lời đồn đại, vua đã giữ Jatol lại và gả công chúa Thakol cho.

Năm 1167, vua Xulika ở thành Balcribanoi băng hà mà không có người nối ngôi. Biết Jatol là một nhân tài, quần thần đã cho voi trắng rước về nối ngôi. Jatol lên làm vua, xưng là Po Klong Garai. Sau 5 năm, ông dời đô ra Bal Hangâu. Bấy giờ, Panduranga, quê hương của ông bị quân Chân Lạp thường xuyên đánh phá. Pô Klong Garai phải mang quân vào Panduranga tiếp sức và dẹp loạn. Theo sử liệu Chăm thì vào năm Sửu, Chăm lịch, vua Po Klong Garai từ Balcribanơi vào Panduranga xem địa thế để xây tháp kỷ niệm thuở hàn vi của mình. Khi đến vùng Balhul thì bị tướng Hakral người Miên đang cai quản hạt này ngăn cản. Vua Po Klong Garai không muốn xảy ra cuộc đổ máu vô ích nên thách tướng Miên thi tài xây tháp, ai xây xong trước sẽ thắng. Biết khó đánh thắng vua Pô Klong Garai bằng sức mạnh quân sự, Hakral đã chấp thuận. Vua Po Klong Garai xây tháp trên đồi Balhla, còn tướng Hakral xây ở vùng Balhul. Kết cục, bên vua Pô Klong Garai hoàn thành trước, tướng Hakral thua cuộc đành rút quân về.

 

Theo Quehuongonline.vn