Trụ sở Bộ Ngoại giao - điểm nhấn độc đáo của kiến trúc Pháp tại Hà Nội. 

Ông đánh giá thế nào về vai trò của kiến trúc Pháp trong sự phát triển của đô thị Hà Nội hiện nay?

Chúng ta thường nói Hà Nội có lịch sử 1.000 năm, nhưng phải nhìn nhận Hà Nội là đô thị đã hình thành từ hơn 2.000 năm với dấu tích Thành Cổ Loa từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Trong quá trình phát triển, Hà Nội đã có những điều chỉnh và đổi mới không chỉ kế thừa những nét truyền thống của kiến trúc đô thị Việt Nam mà còn luôn tiếp thu các bài học kinh nghiệm của văn hóa phương Đông, đặc biệt của văn hóa châu Âu từ khi người Pháp đến.

Như vậy, người Pháp đã đóng góp tích cực cho cấu trúc quy hoạch đô thị và cảnh quan cho Hà Nội. Họ đã đưa ra những giải pháp kiến trúc cho Hà Nội một cách hài hòa, đa dạng và tạo ra những nét mới gắn kết yếu tố hiện đại và truyền thống. Đó là dòng kiến trúc Đông Dương độc đáo mà thế giới phải công nhận.Về vai trò của kiến trúc Pháp, xét về cấu trúc quy hoạch, người Pháp đã mang tới Hà Nội mô hình đô thị hiện đại của châu Âu. Việc quy hoạch theo chức năng phân khu mà người Pháp đã ứng dụng vào Hà Nội tác động đến diện mạo của Thủ đô, làm cho nó trở nên đặc biệt với sự kết hợp giữa không gian truyền thống và không gian hiện đại của châu Âu. Quy hoạch Hà Nội của người Pháp thời đó thể hiện rất bài bản, thành các phân khu riêng như: khu công nghiệp, khu ở dành cho người dân bản địa và người nước ngoài, khu hành chính và khu dịch vụ thương mại. Điểm nổi bật khác là người Pháp đã tạo lập cấu trúc không gian mới cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại như cây xanh, hệ thống thoát nước ngầm, vỉa hè cho người đi bộ... Họ cũng rất chú trọng xây dựng không gian công cộng cho Hà Nội với những tiểu tiết mới như tượng đài, vườn hoa...

Nếu vai trò kiến trúc Pháp được đánh giá cao như vậy thì giá trị truyền thống của kiến trúc Việt nằm ở đâu trong Thủ đô?

Phải nói rằng, sự tinh tế của người Pháp là đưa ra một cấu trúc quy hoạch hiện đại của châu Âu, trên cơ sở mang nét mới nhưng vẫn bảo tồn không gian kiến trúc truyền thống của Hà Nội. Họ có chỉnh trang khu phố cổ nhưng vẫn giữ các làng nghề truyền thống nằm trong Thủ đô. Bên cạnh đó, người Pháp đã nhận diện được các di sản truyền thống như đình, đền, chùa và cảnh quan thiên nhiên tạo nên đặc thù sông nước cho Hà Nội như Hồ Tây, Hồ Gươm...


Ông nhận xét gì về giá trị kiến trúc của Trụ sở Bộ Ngoại giao hiện nay mà trước đây người Pháp đặt Nha Tài chính Đông Dương?

Có thể nhận thấy rõ ở các công trình biệt thự của Pháp đã đưa ra mô hình sống mới hiện đại cho người dân nhưng vẫn đảm bảo phong cách sống của người Việt Nam. Người Pháp đã khéo léo kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện đại và truyền thống để tạo nên diện mạo Thủ đô đặc trưng, không phải đô thị nào cũng có được, đặc biệt ở kiến trúc công cộng và các trụ sở như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trụ sở Bộ Ngoại giao, Tổng cục Thể dục thể thao... và các công trình tạo điểm nhấn như Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn... Những giá trị này không chỉ có người dân trong nước và Thủ đô mà bạn bè quốc tế cũng công nhận.

Nếu chúng ta hiểu kiến trúc là biểu hiện văn hóa của một giai đoạn nhất định thì một số công trình như Trụ sở Bộ Ngoại giao, Nhà hát lớn, Bảo tàng Cách mạng...  chính là những di sản văn hóa của thời kỳ cuối thế XIX, đầu thế kỷ XX.

Theo tôi, trụ sở Sở Tài chính Đông Dương (1926) - nay là trụ sở Bộ Ngoại giao; Bảo tàng Louis Finot của trường Viễn Đông bác cổ (1925) – nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia là hai công trình tiêu biểu thể hiện rõ nhất kiến trúc văn hóa hội nhập bên cạnh sự kế thừa tinh hoa của truyền thống. Ở đây, các kiến trúc sư Pháp đã sử dụng kiến trúc đặc thù gắn liền với con người Việt Nam như mái ngói nhiều kiểu, mái xếp che ban công, các hành lang... Ngoài ra, các hệ thống lỗ thoáng, cửa sổ, cửa ban công tòa nhà đều được thiết kế nhằm bảo vệ công trình trước thời tiết khắc nghiệt của khí hậu miền Bắc.

Nhiều người vẫn lo ngại sự biến dạng của kiến trúc Pháp tại Hà Nội trước dòng chảy đô thị hóa hiện nay. Theo ông, đâu là những giải pháp bảo tồn phù hợp?

Tôi cho rằng, để bảo tồn kiến trúc Pháp đã trải qua hơn 100 năm tồn tại, chúng ta phải nhìn nhận đánh giá nó là không gian biểu hiện một cơ thể sống chứ không phải là vật thể để mang ra trưng bày. Vì vậy, cần phải gắn kết và nhận diện giá trị của kiến trúc này ở mặt kiến trúc và giải pháp sử dụng. Muốn vậy, chúng ta cần phải nhận diện đầy đủ giá trị của công trình để phân loại, cũng như biết cách bảo tồn cả giá trị vật thể lẫn phi vật thể trong công trình đó. Ngoài ra, phải lập hồ sơ khảo sát nghiên cứu các công trình để bảo đảm việc bảo tồn được an toàn và bền vững.

Việc nên làm nữa là nâng cao nhận thức của công chúng về giá trị kiến trúc Pháp. Tôi đánh giá cao Triển lãm “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và Nhà hát Lớn Hà Nội thực hiện. Sắp tới, Triển lãm còn được mang tới Phố sách Hà Nội và đây là cơ hội quý để đông đảo công chúng có điều kiện tìm hiểu về kiến trúc Pháp, cũng như tiếp cận với nguồn tài liệu lưu trữ có giá trị về các công trình này.

Xin cảm ơn ông!

                                                             
Theo Thế giới và Việt Nam