Gia chủ chuẩn bị các lễ vật bày trí lên bàn thờ và các vật dụng chuẩn bị cho Lễ cúng dòng họ
Gia chủ chuẩn bị các lễ vật bày trí lên bàn thờ và các vật dụng chuẩn bị cho Lễ cúng dòng họ (Ảnh BTSL)

Vào khoảng tháng 8- 9 (Âm lịch) hàng năm, người Mông ở Sơn La có tục mời thầy cúng (Sí Dì) đến cúng cho cả dòng họ để cầu mong dòng họ được an lành, hạnh phúc, đuổi đi những điều xui xẻo, không may. Tham gia lễ cúng gồm tất cả giả trẻ là nam giới trong dòng họ.

Tùy từng dòng họ, nhóm ngành Mông khác nhau mà người Mông tổ chức lễ cúng dòng họ hàng năm hoặc 3 - 5 năm/lần. Lễ cúng có tên gọi khác nhau như: Tu Su, Ùa Su, Dù Su, Sầu Su, Dù Tàu, Giữ Máu.

Lễ cúng dòng họ được chia làm hai phần: Phần đầu (Tu, Dù, Sầu...), nghĩa là cầu, làm lễ cầu cúng thần linh về phù hộ cho con người khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, chăn nuôi phát triển.

Phần hai (Su), nghĩa là nạn: Thầy cúng nhờ sức mạnh của thần linh thu hết những tai nạn, rủi ro, bệnh tật, khó khăn... làm phép để bảo vệ con người khỏi bệnh tật, rủi ro, khó khăn...

Trước ngày làm lễ, đại diện các hộ gia đình họp bàn thống nhất chọn một gia đình trong dòng họ để tổ chức lễ cúng. Gia đình được chọn là người cao tuổi có uy tín trong dòng họ, trưởng dòng họ của bản. Chủ nhà có thể làm chủ lễ nếu được thần linh chấp nhận hoặc tổ chức lễ cúng chọn chủ lễ, tức thầy bói trứng gà xin thần linh, tổ tiên chấp nhận người được chọn.

Tuỳ vào số hộ gia đình nhiều hay ít mà trưởng họ quyết định chọn 1 hay 3 thầy cúng, trong đó có 1 thầy cúng chính. Chọn được thầy cúng, dòng họ cử đại diện đi mời thầy về cúng cho bản. Đồ nghề của thầy cúng mang theo khi hành lễ là 2 bộ vật dụng sử dụng trong lễ cúng (1 để cúng tổ tiên, 1 để cúng thần linh); 2 bộ chũm chọe (chia nênh); 2 bộ chư nênh; 1 bộ chiêng và dùi gõ; 2 bộ sừng trâu bổ đôi; 2 mảnh vải đỏ, đen để thầy chùm đầu khi cúng…

Chủ nhà chuẩn bị các lễ vật cúng gồm: 1 con gà trống to để làm lễ; 1 hoặc 2 con lợn để làm cơm mời cả họ; tiền mặt; 1 con gà để nhờ thầy cúng dâng lên cho thần linh; tiền trả cho người mang đồ lễ đi chôn, tiền lễ vật dâng lên thần linh; tiền âm phủ.

Mỗi nam giới trong dòng họ khi tham gia lễ cúng phải mang theo 3 sợi chỉ màu vàng, xanh, đỏ (trước đây là sợi lanh), dài từ 20 - 40cm, với ý nghĩa là phương tiện, mối liên hệ giữa người sống với thần linh; sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn người chết về với tổ tiên, cho linh hồn của tổ tiên về đầu thai lại với con cháu. Ngoài ra, lễ vật mang theo còn có 1 con gà trống hoặc tiền để ăn 3 bữa chính; mỗi gia đình người Mông Hoa và Mông Đen mang đến 3 bông lau, còn người Mông trắng dùng giấy màu cắt thành hình vuông nhỏ và hình nhân để cúng.

Các thầy cúng tiến hành làm lễ
Các thầy cúng tiến hành làm lễ

Chủ nhà làm một bàn thờ cho thầy cúng, cạnh bàn thờ tổ tiên. Hương được cắm trên ban thờ, ở bếp, hai cánh cửa, bếp phụ và cây cột ma nhà để thông báo cho các thần linh cai quản những nơi ấy biết về lễ cúng và hiển linh báo cho thầy cúng những vấn đề chuẩn bị xảy ra hoặc đã xảy ra đối với gia đình. Chủ nhà chuẩn bị 1 cái ghế gỗ dài để thầy cúng ngồi làm, tượng trưng cho con ngựa để thầy cưỡi đi tìm thần linh trong quá trình làm lễ.

Ngày đầu tiên của lễ cúng: Ngày này không có lễ vật, chỉ có bộ đồ cúng của thầy cúng được bày lên bàn thờ. Hương phải thắp liên tục đến khi cúng xong. Khi cúng, gia chủ không được cho chó vào nhà vì theo quan niệm của người Mông, vía của chó sẽ át vía thầy cúng, làm thầy không đủ sức khoẻ, có thể không tiếp xúc được với thần linh. Cửa chính luôn được đóng kín để đề phòng ma dữ vào nhà, mọi người ra vào bằng cửa phụ, khi thầy đuổi ma mới được mở cửa chính.

Ngày thứ hai: Lễ chính

Trước lễ cúng, thầy cúng đi thăm tất cả các gia đình của dòng họ ở trong bản, xem xét gia cảnh của các gia đình để khi cúng, thầy cầu khấn thần linh cho chính xác. Nghi lễ diễn ra ở bàn thờ thầy cúng, trên bàn thờ đặt bộ đồ cúng của thầy, dưới đất có 1 con gà trống buộc chân bằng 3 sợi chỉ màu vàng, xanh, đỏ (đây là con gà của chủ nhà), trước ban thờ, sau lưng thầy đặt các mâm tiền âm phủ và hình nhân.

Nghi lễ gồm 3 phần: cúng chung, cúng riêng cho từng gia đình và cúng tiễn thần linh trở về.

Cúng chung: Trước khi cúng, gia đình để 1 con lợn ở giữa nhà, thắp hương, thầy cúng khấn ở bàn thờ, sau đó quay ra giữa nhà, hướng về phía con lợn khấn thần linh. Thầy dùng hai nửa sừng trâu gieo xuống nền nhà xin âm dương, mời thần linh về nhận lễ vật. Khi thầy cúng xin được âm dương, người ta đưa con lợn ra ngoài để chọc tiết, lấy một vài hình nhân bằng giấy trắng nhúng tiết lợn mang vào để dưới bàn thờ. Những hình nhân này là đại diện cho những thành viên của chủ nhà tổ chức lễ.

Sau khi chọc tiết lợn, người ta cắt tiết từng con gà của các gia đình trước bàn thờ tổ tiên trong khi thầy cúng khấn xin các thần linh nhận lễ vật. Tiết của mỗi con gà được dùng để nhúng một hình nhân bằng giấy màu trắng, đại diện cho các gia đình trong dòng họ, rồi đặt dưới bàn thờ. Thần linh nhận lễ vật xong, lợn, gà sẽ được chế biến để mời thầy cúng và các gia đình ăn khi lễ cúng kết thúc, chỉ giữ lại con gà của chủ nhà để sống, nhốt dưới bàn thờ (con gà này được quan niệm là sẽ chở hết những rủi ro, bệnh tật đi).

hầy cúng đốt giấy đại diện cho từng gia đình sau khi cúng xong cho gia đình (Ảnh BTSL)
Thầy cúng đốt giấy đại diện cho từng gia đình sau khi cúng xong cho gia đình (Ảnh BTSL)

Nam giới trong dòng họ tập trung giữa nhà, trước bàn thờ nơi thầy cúng ngồi hành lễ. Thầy cúng đứng trước bàn thờ vừa cúng, vừa đốt tiền giấy, để mời thần linh về. Thầy vừa khấn, vừa cầm một cuộn chỉ, thả một đầu dây, đi vòng quanh những người trong dòng họ 5 - 6 vòng, tạo thành hàng rào bảo vệ con cháu trong dòng họ. Tiếp đến, thầy xin âm dương rồi đặt lên vai mỗi người 4 - 5 mảnh giấy, thầy cúng cầm con gà trống đi vòng quanh con cháu, vừa đánh chiêng, vừa khấn, lấy cánh gà quạt cho những mảnh giấy trên vai mọi người rơi xuống đất. Thầy cúng đi 1 vòng ngược, 1 vòng xuôi, khi quạt hết giấy trên vai mọi người xuống thì dùng dao cắt đứt dây chỉ vòng quanh mọi người. Thầy cúng cầm bát nước trắng đi vòng quanh mọi người vừa khấn vừa ngậm nước phun vào họ cho đến khi hết bát nước. Thầy cúng tiếp tục đi vòng quanh và cầu xin thần linh che chở, phù hộ cho các thành viên trong dòng họ.

Cúng riêng cho từng gia đình: Cúng chung cho dòng họ xong, thầy cúng riêng cho từng gia đình để giải hạn và cầu may mắn. Lọ đá được đặt giữa nhà, các mảnh giấy màu được gom cho vào lọ. Giữa nhà rải hình nhân, sợi chỉ màu của các gia đình mang đến. Dòng họ chọn 2 người đi chôn lọ đá.

Thầy cúng cảm ơn và tiễn đưa thần linh - kết thúc lễ cúng (Ảnh BTSL)
Thầy cúng cảm ơn và tiễn đưa thần linh - kết thúc lễ cúng (Ảnh BTSL)

2 thầy cúng, mỗi thầy làm lễ cho từng gia đình. 2 người trong dòng họ được cử ra để phụ giúp hai thầy cúng. Khi 2 thầy cúng gặp được thần linh, thầy sẽ truyền thông điệp để báo cho người giúp việc thứ 3, đang ngồi ở giữa nhà để thực hiện. Sau khi cúng xong cho gia đình nào, người phụ giúp lại nhặt chỉ màu và hình nhân của gia đình đó đã để sẵn trên nền nhà cho vào lọ đá. Cúng xong cho các gia đình, con gà trống đỏ được đưa ra, buộc ở giữa nhà, cạnh chiếc lọ đá cho thần linh chứng kiến. Cửa chính được mở ra, thầy cúng nhảy trên ghế, quăng mạnh nhạc cụ trên tay ra cửa, khi nào nhạc cụ đó được quăng qua cửa thì coi như đã đuổi được ma dữ, những điều rủi ro, bệnh tật. Cửa chính đóng lại và lễ cúng cho từng gia đình kết thúc.

2 người mang chiếc lọ đá đựng toàn bộ giấy màu, chỉ màu của các thành viên trong dòng họ, con gà trống đỏ đi chôn. Họ đi về hướng Tây - hướng mặt trời lặn, cũng là hướng xui xẻo để chôn, xua đi những điềm xấu của gia đình, dòng họ và dân bản. Địa điểm chôn chiếc lọ đá phải ở ngoài phạm vi bản, ở chỗ có nước. Chôn xong lọ đá, 2 người kê bếp để mổ gà, luộc gà ngay trên hố chôn lọ đá. Khi đi chôn lọ đá, người ta còn mang theo một bát cơm to và một chai rượu. Ngoài hai người được nhờ đi chôn, còn có nhiều trẻ em đi theo, hoặc có thể gọi thêm người trong dòng họ đến uống rượu, ăn thịt gà. Khi nào ăn hết thịt gà, cơm, rượu mang theo mới được về.

Thầy cúng cảm ơn và tiễn đưa thần linh - kết thúc lễ cúng (Ảnh BTSL)
Thầy cúng cảm ơn và tiễn đưa thần linh - kết thúc lễ cúng (Ảnh BTSL)

Cúng tiễn các thần linh về trời: Thầy cúng tiếp tục lễ cúng tiễn đưa thần linh về trời. Sau đó, các gia đình tổ chức bữa cơm thân mật.

Một số tục lệ kiêng kỵ sau khi làm Lễ cúng dòng họ:

3 ngày sau khi tổ chức lễ cúng dòng họ, những người tham gia thực hiện lễ phải kiêng không làm những việc nặng hoặc sử dụng các loại công cụ nặng; không được dùng dao phát nương; không được đi cuốc đất; không được dùng búa, rìu, cưa để chặt cây để tránh tai nạn, mệt mỏi, ốm đau và nhất là tránh đổ máu. Nếu không kiêng kỵ mà để xẩy ra những việc trên thì cả năm sẽ không may mắn.

Đối với người Mông Hoa, gia đình tổ chức lễ cúng dòng họ phải làm Lễ tạ ơn vào năm sau ở nhà chủ lễ mới với sự tham gia của tất cả các thành viên nam trong dòng họ.

Lễ cúng dòng họ hiện vẫn được duy trì trong cộng đồng người Mông ở tỉnh Sơn La. Lễ cúng thể hiện quan niệm của người Mông về thế giới tâm linh, tín ngưỡng đa thần giáo và thể hiện quan niệm về gia đình, dòng họ và cộng đồng làng bản cũng như cố kết cộng đồng của người Mông ở Sơn La.

Với giá trị đặc biệt, Lễ cúng dòng họ của người Mông được đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.

Theo baodantoc.vn