Hồi tôi còn bé, cứ đến ngày tuần hay lễ tết, bà ngoại thường mua hoa đĩa về thắp hương ông bà, tổ tiên. Hoa theo mùa thường có 5-7 loại, chỉ cắt ngắn lấy đầu bông, được gói khẽ khàng trong chiến lá dong bồ tát, buộc cọng lạt hình chữ thập rồi lại xỏ một vòng nữa tết thành cái quai để xách. Đây là nét đẹp tao nhã, đời thường của người Hà Nội xưa. Ngày ấy, tôi thường nghe câu ca: 

“Ngày rằm đi chợ mua hoa
Phải chờ đến gánh Ngọc Hà mới mua”


Hỏi thì được bà trả lời rằng, mua hoa của người làng hoa Ngọc Hà thì hoa thường đẹp và tươi. Người làng Ngọc Hà rất tự hào vì đĩa hoa cúng là đặc sản riêng của họ mà không nơi nào có. 



Tôi nhớ mãi dáng bà chầm chậm, khoan thai mở gói hoa, một mùi hương dìu dịu tỏa ra... Nào là hoa thiên lý xanh ngọc, hoa ngâu lấm tấm vàng, hoa mẫu đơn, hoa mồng gà đỏ rực, hoa móng rồng vàng tươi... điểm thêm vài nhành hoa bưởi hay những bông huệ trắng muốt. Mùa nào hoa nấy. Mỗi loại một bông thôi mà thơm ngào ngạt tinh khiết vô cùng. Bà bày vào đĩa, kính cẩn dâng lên ban thờ. Cả một không gian tâm linh phảng phất mùi hương của các loài hoa quyện với hương trầm ngan ngát thật an yên.


Bà dặn, hoa bày trên đĩa để thắp hương thường xem trọng hương thơm thanh tao và mang ý nghĩa trân trọng dâng cúng tổ tiên để phân biệt với hoa cắm chơi trong lọ. Các bậc tiền nhân chỉ cắm vào lọ một số loài hoa đặc biệt không thể bày trên đĩa như hoa sen, hoa huệ, hoa thu hải đường. Bà bảo người âm nhận tấm lòng của người dương qua mùi hương hoa chứ không phải là cỗ. Cái hay của đĩa hoa cúng còn nằm ở chỗ, đĩa hoa cứ được bày như thế, cho đến khi khô, vẫn thoảng mùi hương như minh chứng cho tâm thành của con cháu.

 

Hoa lan, hoa ngâu, hoa sói, hoa nhài... là những loài hoa cúng mà người Hà Nội xưa ưa nhất. Sau này lớn lên, đọc cuốn “Thú ăn chơi của người Hà Nội” tôi thấy hoa cúng phong phú hơn khi nhà văn Băng Sơn viết: "Đĩa hoa cúng thường có nhiều loại hoa, những bông hoa rời đặt lên cái đĩa nhỏ, khô, sạch. Có thể là bông huệ trắng muốt thơm ngát, một bông ngọc lan thơm nồng, một nhánh hoàng lan mềm mại, hương phảng phất. Cũng có khi có nhánh hoa sói, một bông cúc bán khai, một đóa hoa thược dược, một nhánh cúc bách nhật khô cứng, đôi khi vào mùa ít hoa, còn thấy có cả một bông hoa mào gà nữa…”.

Bà bảo gói hoa cúng có thể có nhiều hay ít tùy theo nhu cầu, theo mùa, tuy nhiên, số hoa cúng nhất định phải là số lẻ. Trong gói hoa cúng vào tháng Bảy âm lịch không thể thiếu những bông hoàng lan cánh dài mà nhiều người gọi là lan tây.
Bà đi xa mang theo cả những ký ức về đĩa hoa cúng. Bỗng sớm nay, trong gió heo may, hương hoa hoàng lan thoang thoảng bỗng đưa tôi trở về miền ký ức với những hình ảnh thân thuộc của Hà Nội năm nào. 

Theo Hà Nội mới