Và một bình trà đá miễn phí trên ngã tư Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai còn nhắc người uống bỏ ly nhựa vào thùng

Bà chủ quán đi giao hàng ở đâu đó chưa về, thấy tôi lúng túng với chiếc ly sứ trong tay, một anh rút chiếc ghế nhựa bảo tôi “ngồi đi em rồi đợi cô một xíu”. Tôi ngồi gần 10 phút, một người khác quay sang ái ngại “Hay là em uống gì, cứ lấy đi, xíu xuống trả cô tiền. Cà phê sữa hả, anh cũng biết pha đấy?”. Tôi líu ríu cảm ơn rồi mang chiếc ly về cơ quan sau khi xin một ít đá viên về, tự pha cà phê gói. Trưa Sài Gòn nắng chói chang mà sự thân thương, dễ chịu của những người khách lần đầu gặp trên vỉa hè cũng khiến thành phố thêm dịu mát.

Một bữa đi ngang đường Phạm Hùng, quận 8 tôi dừng xe đột ngột, để nhìn rõ hơn chiếc tủ kính sáng choang đựng khá nhiều bánh mì, bên ngoài có ghi “Bánh mì miễn phí cho người nghèo, mỗi người một ổ”. Kế đó là một bình trà đá sạch tinh tươm, cũng ghi là miễn phí. Một lần khác đi ngang, thấy mấy cô đẩy xe bán trái cây dừng lại lấy ổ bánh mì, mấy nhóc bán vé số lăng xăng cầm chai nhựa lấy nước mang đi uống, đơn giản thế thôi mà tôi vui cả một buổi. Giá như ở Sài Gòn có thật nhiều tủ bánh mì, bình nước mát lành như thế…
Tôi đi tìm đường Lý Tự Trọng, quận 1, chưa thuộc đường nên đi tuốt lên phía Hai Bà Trưng, dòng xe cộ giữa trưa kẹt cứng, tôi lúng túng hỏi một chú đang chạy xe gần đó “Chú ơi cho con hỏi Lý Tự Trọng là đi thẳng hay quay đầu lại?”. Rất cẩn thận, người đàn ông đạp thắng cho xe chậm lại rồi nói lớn “Quay lại đi con, quay lại đi, đang đèn đỏ nè. Đi một xíu nữa là tới rồi nghen”. Thế rồi chú phóng vụt đi, tiếng “Con cảm ơn chú” không biết chú có nghe được hết không.

Tấm biển chỉ đường của ông chủ bán áo mưa không biết chữ

Chiều nào tôi cũng đi làm về qua ngã tư Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai, ngay trên vỉa hè, người dân gắn một tấm biển xanh với dòng chữ trắng “Anh chị em nào đi Bệnh viện Từ Dũ nhìn theo mũi tên, thấy nhà lầu cao màu vàng nhìn lên trên thấy hình mẹ bồng con. Cảm ơn”. Ngày hôm qua, tôi ghé vào lề đường hỏi mua chiếc áo mưa thì được biết, chủ nhân của tấm biển chỉ đường dễ thương chính là chủ quán. Một điều lạ hơn, ông không biết chữ, vì thấy nhiều người hỏi đường quá nên ông tự thuê người làm tấm biển. "Tôi là Nam, 51 tuổi rồi. Tấm biển làm 10 năm nhưng mới bị lấy mất, lại phải đặt người ta làm cái mới mất năm trăm nghìn", chủ quán nói.


Không chỉ đặt biển chỉ đường, ông Nam còn bỏ ra 800.000 đồng để đặt tủ thuốc tây miễn phí cho người nghèo và một bình trà đá để bà con ai đi qua khát nước có thể làm một ly. Nói với tôi, người đàn ông chất phác thật thà: "Cô chụp ảnh hả, ừ, làm sao để nhiều người nghèo biết đường qua đây lấy thuốc uống nghen". Sài Gòn hối hả và bận bịu, nhưng trong đó là những trái tim bình dị đầy yêu thương như thế...
Tôi ghé vào một tiệm gội đầu trên đường Hưng Phú, quận 8, lúc trả lại tiền thừa, bà chủ quán không có tiền lẻ, vậy là bà chỉ lấy tôi 35.000 đồng thay vì 40.000 đồng như giá thường ngày “Khi nào có trả dì cũng được”. “Nhưng dì có biết con là ai đâu, còn lâu lâu nữa con mới lại đi ngang đây”. “Không sao cả, không có cũng không sao”. Bà chủ quán vẫn cứ cười phúc hậu. Hơn cả 5.000 đồng, điều tốt đẹp về lòng tin con người vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống lắm chi li, toan tính.
Sài Gòn bận bịu và hối hả. Sài Gòn hay kẹt xe. Sài Gòn không bốn mùa xuân hạ thu đông…, nhưng Sài Gòn dễ thương vô cùng bởi những con người giàu lòng nhân hậu và hào sảng.

Theo Thanh niên