“Sáng nay, ba đi tảo mộ, dọn cỏ, sửa sang chỗ nằm của tổ tiên ông bà. Chắc sang năm phải di dời lăng mộ cho huyện quy hoạch, không biết hương linh tổ tiên đi về đâu con à?” - giọng ba tôi bùi ngùi, trầm nghẹn qua điện thoại. Giữa bộn bề công việc những ngày đầu năm, lòng tôi chùng lại.

Từ thuở lên 5, vì ba mẹ đi làm ăn xa, tôi được gửi nhờ bà nội coi sóc. Bà đã cố giảng giải cho tôi hiểu hàm nghĩa của những khúc hát dân ca ví - giặm Nghệ Tĩnh: “Anh đến tìm hoa, hoa đến thì hoa phải nở… đến duyên em thì em phải lấy chồng: hoa đến ngày thì nở, gái có thì, người phụ nữ vốn nhiều thiệt thòi cháu ạ. Cho nên: Trăm năm tính cuộc vuông tròn/ Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông”. Vốn dòng dõi thư hương, bà nội tôi còn làu thuộc Truyện Kiều.

Bà nội tôi rất thích trò chuyện với các cháu
Bà nội tôi rất thích trò chuyện với các cháu

Bà cũng giỏi kinh doanh nhưng chỉ buôn bán nhỏ. Bà thường dắt tôi theo khi đi giao hàng. Tôi vẫn nhớ mãi vị ngọt lịm thanh mát của ly chè đậu đen bà đãi giữa trưa nắng, khi dừng chân ở quán ven đường. Mỗi tối, bà ôm, dỗ tôi ngủ bằng những câu chuyện Mị Châu - Trọng Thủy, Mai An Tiêm, Thánh Gióng… Bà nội là người truyền khẩu kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc. Bà chính là người thầy đầu tiên thắp lên trong tôi niềm say mê văn chương - nghệ thuật Việt Nam.

Không được học nhiều như bà nội, ký ức về bà ngoại trong tôi là sự hết lòng chăm chút cho đàn cháu. Tôi là cháu ngoại, sống cách xa, không được ở gần bà nhiều như con của các cậu, dì; song mỗi khi được về thăm, bà luôn dành phần quà từ hoa trái vườn nhà: trái na vừa mở mắt, trái ổi đào thơm nức, trái bưởi ngọt thanh, chùm dâu da chua dịu…

Bà ngoại còn là một bậc thầy nấu ăn. Mọi nguyên liệu đơn sơ nhất qua bàn tay chế biến của bà đều trở thành món ăn ngon, đẹp và trọn vị. Tình cảm hồn hậu, nụ cười ấm áp và câu hỏi thường trực của bà “Ăn ngon không con?” trở thành ký ức sâu đậm trong tôi. Bà ngoại tôi mang nét đẹp chân chất, thuần khiết của người lao động bình dân.

“Giai cấp nông dân, công nhân là giai cấp chủ lực trong đấu tranh cách mạng và xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa cháu ạ. Phải học tập, lao động để trở thành người công dân chân chính” - ông nội luôn căn dặn con cháu như thế.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông tôi tham gia lực lượng dân quân tự vệ. Sau ngày toàn thắng, ông trở thành nhân viên ngân hàng. Ông nội luôn hiện diện với phong thái chỉn chu, điềm đạm và cẩn trọng trong mọi việc. Khi ông còn sống, trong những bữa cơm đại đoàn viên tiễn năm cũ - đón năm mới, ông luôn căn dặn con cháu đoàn kết, đồng lòng, anh em thương quý và có trách nhiệm đỡ đần nhau. Ông thường nói: gia đình an khang thì đất nước mới phồn thịnh. Ông tôi mất vào ngày 28 tháng Chạp, mỗi lần cúng giỗ, con cháu lại quây quần, nhắc nhở nhau lời dạy của ông.

Ông ngoại tôi là thợ may lành nghề. Từng là diễn viên của đoàn văn công kháng chiến, ông mong muốn trở thành ca sĩ để phục vụ nhân dân. Song, sau ngày 30/4/1975, ông khép lại niềm đam mê nghệ thuật, phụ giúp bà ngoại nuôi con. Trong khoảng không gian khá chật hẹp của tiệm may, ông ngoại vừa thoăn thoắt đạp máy vừa cất cao tiếng hát ngợi ca Tổ quốc, quá trình cách mạng và Bác Hồ.

Bà mất năm 2005, ông mất năm 2011. Những tấm ảnh mờ mờ này là tài sản vô giá của con cháu
Bà mất năm 2005, ông mất năm 2011. Những tấm ảnh mờ mờ này là tài sản vô giá của con cháu

Tiệm may là sân khấu độc đáo của ông tôi. Khách hàng thường xuyên lui tới, nán lại khá lâu còn vì yêu mến giọng ca nam trung tràn ngập niềm yêu đời và đầy ngẫu hứng của ông. Mỗi khi được về với ngoại, tôi quẩn quanh bên ông trong tiệm may cả ngày không biết chán. Tôi luôn xem ông ngoại là nghệ sĩ đích thực, một người lao động lạc quan hiếm thấy.

Ông không dư dả để mua quà, đồ chơi cho các cháu. Song vào dịp cuối năm, chắt chiu những mảnh vải thừa, qua bàn tay người thợ khéo léo, mỗi chúng tôi đều có một bộ đồ mới, đẹp mắt và độc đáo để đón chào năm mới.

Sự ra đi của ông bà nội - ngoại, dù mang tính quy luật của tuổi già như đèn cạn dầu, nến hết bấc, song luôn để lại niềm thương cho con cháu. Họ đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng những hình ảnh, việc làm, phong thái, lời dạy… luôn mãi ở trong tâm tưởng của con cháu. Bà nội tôi sinh thời từng dẫn Kiều rằng: “Thác là thể phách, hồn là tinh anh”.

Việc coi trọng ngày giỗ là truyền thống tốt đẹp ngàn đời của người Việt cũng đồng thời là ngày để con cháu tề tựu, tưởng nhớ và hoài niệm về những điều tốt đẹp đã qua.

Tuổi xế chiều của đại đa số người già hầu như sống lặng lẽ, tự chăm sóc lẫn nhau, không dám phiền con cháu, không đòi hỏi quá nhiều. Có bệnh tự đi khám, có việc gì tự tìm cách xoay xở. Ba mẹ tôi từng nói: “Gọi chúng mày về thì cũng rối. Nước xa không cứu được lửa gần”. Máy móc và công nghệ hiện đại đang giúp con người giải quyết rất nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, kho kinh nghiệm, những đúc kết của người già vẫn là tài sản quý giá. Người Việt dặn nhau: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Sau này, liệu các con tôi có được những kỷ niệm tươi đẹp bên ông bà như tôi đã có một miền ký ức đằm sâu đến vậy không?

Tôi nhớ lần gặp cháu ngoại hôm tết, ba tôi ôm chầm lấy chúng, đôi mắt đã hơi kèm nhèm, dấp dính nước mắt: “Ước gì rắn lột cháu ơi/ Để ông theo suốt một đời cháu con”. 

Theo phụ nữ TPHCM