Từ TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) ngược về phía Đông Bắc, con đường dẫn tới Vĩnh Hy quanh co uốn lượn men bờ biển như dải lụa mềm, len lỏi giữa những đồng muối trắng xóa, những đồng cỏ có đàn cừu tha thẩn kiếm ăn, những vườn nho xanh ngút ngàn… 

Băng qua vài con dốc hiểm trở, đến ngọn núi Chúa, khu bảo tồn sinh thái ở độ cao hơn 1.000m so với mặt biển nhìn xuống, vịnh Vĩnh Hy hiện ra với mặt biển xanh ngắt hòa quyện trong sắc núi rừng xanh ngút ngàn, một dải cát trắng muốt len vào khoảng giữa biển và núi như làn khói mong manh…

Đứng trên đỉnh núi Chúa ngắm toàn cảnh vịnh, cô bạn thân của tôi là dân địa phương, kể: Ngày xưa, vịnh này gọi là Vũng Găng. Có chàng ngư phủ tên Vĩnh Hy, một đêm trăng thanh gió mát, chàng gặp nàng tiên với đôi cánh trắng xuống tắm trên bãi biển.


Họ kết tóc xe tơ thành vợ chồng. Thế rồi, ngày nọ, Vĩnh Hy dong thuyền đi đánh cá thì trời nổi gió to sóng lớn. Nàng tiên không thấy chồng về, bèn lên đỉnh núi Chúa mòn mỏi ngóng trông. Dòng nước mắt của nàng tuôn xuống thành suối Lồ Ồ, chảy mãi đến tận bây giờ. Từ đó, Vĩnh Hy trở thành tên của vịnh…


Gần 8 giờ sáng, mặt trời đã lên cao, hắt những tia nắng lung linh xuống muôn lớp sóng dập dờn, lăn tăn trên mặt biển nhưng sương đêm vẫn chưa tan hết. Trên những phiến đá, những lùm cây, sương vẫn là đà bàng bạc, chốc chốc lại xao xác khi những làn gió từ biển ùa vào. 

Càng xuống gần biển, càng ngất ngây với vẻ đẹp hoang sơ, 3 mặt là đồi núi với những vách đá vôi dựng đứng hình thù kỳ dị bao quanh ôm trọn một vùng biển xanh.

Nhưng “đó mới chỉ là nhìn từ bên ngoài. Sẽ còn nhiều điều thú vị hơn ở phía trước” - cô bạn “thổ địa” nói với giọng đầy phấn khích.

Chúng tôi lên một chiếc tàu du lịch đáy bằng kính trong suốt. Tàu nổ máy rời bến, men theo vách núi tiến ra phía cửa vịnh. Mới đi được một chặng ngắn đã thấy phía dưới dựng lên những “bức tường” san hô nhiều màu sắc rực rỡ hiện ra rõ mồn một, như cánh đồng hoa bạt ngàn trong lòng đại dương.

“Vùng biển Vĩnh Hy hiện có hơn 300 loài san hô, trong đó có 50 loài mới được phát hiện ở Việt Nam”, cô bạn giới thiệu, rồi chỉ tay về phía xa: “Đó là hòn Cá Heo có “cái mõm” đá vôi nằm chắn ngang cửa vịnh, tạo nên bến neo đậu lý tưởng cho tàu thuyền.

Còn vượt qua cửa vịnh thì đến bãi Bà Điên. Đấy mới chính là nơi kỳ thú nhất mà chúng ta phải tới”. Gió nhẹ, sóng êm, trời đẹp, tất cả đều thuận lợi cho một chuyến “hải hành” nho nhỏ. Chúng tôi thẳng tiến ra bãi Bà Điên.

Về cái tên “kỳ cục” ấy, cô bạn nói với giọng trầm buồn: “Cũng lại là bi kịch gắn với thân phận một người phụ nữ. Chồng đi biển gặp bão, người phụ nữ ấy ra bãi biển này mỏi mòn trông đợi trong tuyệt vọng, về sau hóa điên rồi mất ở đây”. 

Đó là một bãi cát vàng óng dài chừng 1km, nằm lọt thỏm trong những trường lũy đá cao vút, thẳng đứng. Những mặt đá như bị cuộn lại, để lộ các vết nứt gãy sâu hun hút. Những bầy chim yến từ các khe đá chấp chới bay ra, cất tiếng hót chao chát gọi bạn…

Dừng chân ở bãi Bà Điên, chúng tôi mạo hiểm lặn xuống biển để xem san hô. Ở đây không có một cơ sở dịch vụ nào, lại quên mang kính bơi nhưng không hề gì. Vì nước biển rất trong, vả lại chỉ cần lặn xuống chừng 1-2m là đã đụng những rạn san hô. Vài con cá biển đủ sắc màu thấy động, hốt hoảng rời những ngách san hô bơi vọt ra.

Sau khi đưa mọi người “dạo chơi” đáy biển, cô bạn bảo chúng tôi lên bờ đợi vài phút. Lát sau, cô từ dưới nước ngoi lên, mang theo một vốc các loại ốc: Ốc bàn tay, bào ngư, ốc đụn, ốc đỏ, ốc giác, ốc dâu, ốc nhảy, ốc vú nàng… lại có cả mấy con cầu gai. 

“Bắt chừng này “làm mẫu”, ai thích ăn thứ gì thì đặt chủ tàu”. Trưa hôm đó, chúng tôi có một bữa tiệc hải sản tươi sống đặc biệt, với một đĩa ốc thập cẩm, cầu gai, cá dừa cựa mới vớt từ biển lên, nướng trên than hồng đã ngon, ăn sống còn “tuyệt cú mèo” hơn!

Trở vào bờ, thong thả tản bộ trên bãi biển để tận hưởng những làn gió trong lành, bất chợt gặp một cô gái rà chiếc xe máy phía sau, hỏi nhỏ: “Xe ôm không chị?”. Từng nghe vài nơi có những phụ nữ chạy xem ôm nhưng tôi không ngờ lại gặp họ ở chốn “thâm sơn cùng cốc” này. 


Cô gái cho biết tên là Lành, hàng ngày chở khách từ bãi đậu xe ra cảng tàu khách du lịch. Đoạn đường dài khoảng 500m, giá mỗi cuốc chở 2 khách là 10.000 đồng. “Ở đây hầu hết người chạy xe ôm là phụ nữ, vì cánh đàn ông còn phải đi biển cả tháng trời ròng rã, năm nào cũng đi 6-8 tháng”, Lành kể.

Theo Lành, trước kia vùng này hầu như không có dịch vụ gì, mọi người đều chỉ biết việc chài lưới. Khi ấy, khách du lịch đến đây còn thưa thớt. Nhưng vài năm gần đây, khách đến ngày một đông hơn, một số khách sạn, nhà nghỉ được người từ nơi khác tới đầu tư xây dựng, nên dân địa phương cũng tìm việc để “ăn theo” dịch vụ du lịch.

Hiện có khoảng 30 phụ nữ chạy xe ôm ở vùng này, ngoài tuyến đường quen thuộc từ bến xe ra bến tàu du lịch, họ còn đón khách từ khu du lịch hay các khách sạn đưa đi thăm thú các cảnh đẹp theo yêu cầu. Lành bảo, thu nhập trung bình 150.000 đồng/ngày. 

“Ở đây làm được chừng đó là lý tưởng lắm rồi. Nhưng chỉ được mấy tháng hè, còn mùa đông thì hầu như không có khách. Đó cũng là mùa biển động, đàn ông neo tàu ở nhà. Chúng tôi khi ấy lại vá lưới, chuẩn bị cho mùa làm ăn năm sau”.

Chúng tôi rời Vĩnh Hy khi bóng đêm tím ngắt bao phủ cả núi, cả biển. Phía làng chài, tiếng máy tàu vọng lại xen lẫn tiếng sóng rì rào. Ngoài xa, các đốm sáng lấp lánh trông như những vì sao rơi khắp mặt biển. Lành chìa bàn tay thô ráp nắm thật chặt tay tôi, hẹn ngày gặp lại.

Vịnh Vĩnh Hy cách trung tâm TP Phan Rang- Tháp Chàm 42km theo hướng Đông Bắc, thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, được bầu chọn là 1 trong số 27 điểm du lịch nên đến trên thế giới của năm 2014, theo trang web du lịch giải trí Travelandlleisur.Du khách có thể đến vịnh Vĩnh Hy bằng ô tô hoặc xe máy.


Ngọc Tiên